Điểm tin
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng trưởng tín dụng tại TP.HCM gần đuổi kịp Hà Nội

Số liệu thống kê cho thấy tăng trưởng tín dụng tại hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội, TP.HCM, và nhiều tỉnh thành khác đang bứt tốc trong “chặng nước rút” cuối năm.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết đến cuối tháng 10, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt gần 3,8 triệu tỷ đồng, tăng 0,98% so với tháng trước và tăng 6,87% so với cuối năm ngoái.

Như vậy, so với cuối tháng 9, tín dụng trên địa bàn TP.HCM tăng thêm 1,04%, nhờ đó đã rút ngắn khoảng cách với mức tăng trưởng tín dụng trên địa bàn Hà Nội. Trước đó, sau 8 tháng, tăng trưởng tín dụng của Hà Nội cao gấp đôi so với mức tăng trưởng chung của cả nước và gấp 3 lần TP.HCM. 

Trong tháng 10/2024, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội ước đạt 5.692 nghìn tỷ đồng, tăng 0,56% so với cuối tháng trước và tăng 6,68% so với thời điểm kết thúc năm 2023.

-1382-1731472030.jpg

Trong 2 tháng còn lại của năm 2024, tín dụng nền kinh tế cần tăng thêm khoảng 5% để đạt mục tiêu tăng trưởng 15% 

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết: "Lãi suất cho vay thấp, cùng với những chính sách tín dụng hỗ trợ và giải ngân các gói tín dụng ưu đãi... là yếu tố chính tác động đến tăng trưởng tín dụng bằng VND, nếu phân tích dư nợ tín dụng theo VND và ngoại tệ”.

Tăng trưởng tín dụng đang duy trì tốc độ tăng trưởng, không chỉ tại hai đầu tàu kinh tế đất nước mà các địa phương cũng ghi nhận tín dụng đang bứt tốc.

Chẳng hạn, tại Hải Phòng, tổng dư nợ cho vay đến hết tháng 10 đạt 237.631 tỷ đồng, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm trước. Tại Cần Thơ, tổng dư nợ cho vay là 173.700 tỷ đồng, tăng 11,03 % so với cuối năm 2023…

Còn theo số liệu mới nhất từ NHNN, tăng trưởng tín dụng cả hệ thống tính đến ngày 31/10 đạt 10,08%. Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 15%, trong 2 tháng còn lại, hệ thống ngân hàng cần đẩy thêm khoảng 5%.

Theo các chuyên gia, cùng thời điểm năm ngoái, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 7,39% nhưng đến cuối năm vẫn đạt được mục tiêu đặt ra là 13,71%. Do đó, trong bối cảnh hiện nay đang có nhiều yếu tố thuận lợi giúp tín dụng bứt tốc cuối năm: Nhu cầu vốn sẽ khởi động theo sự phục hồi của nền kinh tế; Chính phủ đã có những giải pháp thúc đẩy các hoạt động kinh tế tích cực hơn nữa, thêm các giải pháp kích cầu như chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước, đẩy mạnh giải ngân các gói tín dụng hỗ trợ các đối tượng ưu tiên và có trọng tâm.

Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng đến từ thị trường bất động sản khởi sắc sau hàng loạt nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ các điểm nghẽn pháp lý của các dự án bất động sản dang dở cũng như 3 sắc luật liên quan (Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Nhà ở 2023 và Luật Đất đai 2024) có hiệu lực...

Trong khi đó, hiện nay, các vấn đề trọng yếu của nền kinh tế như: Tỷ giá, lãi suất… đều được NHNN giải quyết rất linh hoạt và hiệu quả. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, từ đó gia tăng niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, thúc đẩy sự tăng trưởng tín dụng.

Tới thời điểm này, các chuyên gia quốc tế cũng như trong nước đều có chung nhận định kinh tế năm nay sẽ khởi sắc trên tất cả các mục tiêu, tăng trưởng GDP dự báo đạt 7%. Do đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% là khả quan.

Thanh Hoa


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan