A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lợi nhuận ngân hàng vẫn khả quan bất chấp giá vốn tăng và NIM thu hẹp

Biên độ lãi thuần của các ngân hàng đang có biểu hiện giảm do lãi suất cho vay tăng chậm hơn lãi suất huy động. Tuy nhiên, những ngân hàng duy trì tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và cải thiện được chi phí vốn sẽ ghi nhận lợi nhuận khả quan trong năm nay.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán VCBS, diễn biến lãi suất đang tác động đáng kể đến lợi nhuận ngân hàng, cụ thể là lãi suất huy động đang nhích lên, thanh khoản bớt dồi dào trong khi việc tăng lãi suất cho vay luôn có độ trễ.

Cơ sở nào để ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận vượt trội?

Đại diện nhiều ngân hàng dự báo, nhu cầu tín dụng năm nay sẽ tiếp tục ở mức cao và có thể tăng 14% nhờ kinh tế tiếp tục hồi phục. Đây cũng chính là lý do để các ngân hàng đặt tham vọng tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm 2022.

Điển hình, MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng 23% so với năm 2021, tương ứng đạt 20.328 tỷ đồng; VIB đã thông qua kế hoạch với lợi nhuận dự kiến 10.500 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021. Hay như TPBank đặt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế vượt bậc là 8.200 tỷ đồng, tăng 36% so với thực hiện năm 2021; OCB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 29%, đạt 7.110 tỷ đồng; MSB dự kiến lợi nhuận trước thuế 6.800 tỷ đồng, tăng 30%.

Tcb-jpeg-1219-1656601098.jpg

Các ngân hàng có tỷ lệ CASA cao sẽ đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan trong năm nay.

Thậm chí, có ngân hàng còn đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận lên đến 3 chữ số. Điển hình là Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 127% so với kết quả năm 2021, tương đương khoảng 2.500 tỷ đồng.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng quốc doanh tỏ ra khá thận trọng khi đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trong năm nay: Vietcombank chỉ đưa ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 12%; VietinBank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế 10%-20%; BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận cả năm đạt hơn 20.000 tỷ đồng.

Để thực hiện mục tiêu này, các ngân hàng cho biết sẽ đẩy mạnh phát triển ngân hàng số để gia tăng thị phần khách hàng. Đồng thời, thúc đẩy mảng hoạt động thu phí, đẩy mạnh số hóa các dịch vụ để góp phần tăng trưởng mạnh CASA, giảm chi phí vốn và giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR).

Chẳng hạn, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2022, lãnh đạo TPBank cũng cho biết trong năm nay sẽ đặc biệt chú trọng việc nâng cao tỷ lệ CASA nhằm giảm chi phí vốn, gia tăng biên độ lãi thuần (NIM) để tăng thêm hiệu quả kinh doanh, và tăng cường kiểm soát, thu hồi, xử lý nợ xấu.

Lợi nhuận sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng 

Các chuyên gia cũng cho rằng, lợi nhuận ngân hàng vẫn rất khả quan trong năm nay, nhưng sẽ có sự phân hoá. "NIM của ngân hàng đã đạt đỉnh năm 2021 và đang có biểu hiện giảm do lãi suất cho vay tăng chậm hơn lãi suất huy động. Tuy nhiên, một số nhóm ngân hàng vẫn có thể duy trì được mức NIM cao, bao gồm nhóm ngân hàng tư nhân có tập khách hàng cá nhân tăng nhanh tiếp tục nâng cao tỷ lệ CASA và cải thiện được chi phí vốn và nhóm ngân hàng thương mại nhà nước", các chuyên gia VCBS nhận định.

Ngoài ra, thu nhập ngoài lãi gia tăng tỷ trọng chiếm trung bình 27% trong cơ cấu thu nhập với đóng góp chủ yếu từ thu nhập dịch vụ cũng giúp các ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận tích cực.

Mặc dù nợ xấu năm nay có thể gia tăng khi Thông tư 14 hết hiệu lực vào cuối tháng 6/2022, song các chuyên gia phân tích của VCBS cho rằng, áp lực dự phòng được giảm thiểu khi các ngân hàng đã tăng cường bộ đệm dự phòng đối với các khoản nợ tái cơ cấu lên cao hơn mức quy định 30% trong bối cảnh nguồn thu nhập dồi dào.

Với tình hình này, VCBS duy trì dự báo tích cực đối với lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng trong năm 2022. Tuy nhiên, mức độ tích cực sẽ giảm dần trong nửa cuối năm 2022 và năm 2023, đặc biệt trong năm 2023 sẽ có sự phân hóa rõ rệt về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng.

Trước đó, nhận định về ngành ngân hàng năm 2022, Công ty Chứng khoán SSI cũng dự báo lợi nhuận trước thuế bình quân của các ngân hàng tăng 21% so với năm 2021. Dự báo này chưa bao gồm thu nhập bất thường tiềm năng từ phí phân phối bảo hiểm độc quyền qua ngân hàng (bancassurance), thoái vốn công ty con...

Đồng tình, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích chứng khoán VNDirect dự báo ngân hàng nào có khả năng đẩy mạnh tín dụng và thu nhập ngoài lãi như bancassurance sẽ có lợi thế.

Ngoài ra, theo bà Hiền, ngân hàng nào cho vay cá nhân nhiều thì có biên lãi suất cao hơn, trong bối cảnh lãi suất đầu ra giảm, lãi suất đầu vào đang có xu hướng nhích lên. Các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt cũng sẽ có nhiều cơ hội trong năm 2022.

Trong khi đó, theo Yuanta, lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2022 phần lớn sẽ phụ thuộc vào khả năng thu hồi lại những khoản nợ vay tái cơ cấu.

"Tỷ lệ bao phủ nợ xấu công bố có thể sẽ tăng lên trong nửa cuối năm 2022, sau khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu nợ hết hạn vào ngày 30/6. Nếu những khoản nợ này trở thành nợ xấu, các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp sẽ phải tăng thêm dự phòng, điều này sẽ làm giảm lợi nhuận", báo cáo nhấn mạnh.

Huyền Anh


Tác giả: Cơ sở nào để ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận vượt trội?
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết