A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Doanh nghiệp có nhiều góp ý, kiến nghị

Các vấn đề về cơ chế giá, chi phí, điều kiện tổ chức kinh doanh... đã được doanh nghiệp tập trung góp ý với Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu.

Sáng 17/5, tại TP. Hồ Chí Minh, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị làm việc với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu.

Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Doanh nghiệp có nhiều góp ý, kiến nghị

Ông Phan Văn Chinh – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), phát biểu tại hội nghị

Phát biểu gợi mở tại hội nghị, ông Phan Văn Chinh – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đồng thời là Phó Trưởng Ban soạn thảo Nghị định đã cho biết về sự cần thiết ban hành Nghị định về kinh doanh xăng dầu. Trong đó có 4 vấn đề lớn: Thứ nhất là về hệ thống, thứ 2 là về giá, thứ 3 là về quỹ, thứ 4 là về các vấn đề khác liên quan đến cải cách hành chính.

Về nội dung liên quan về giá, có ba vấn đề chính, cụ thể thứ nhất là chi phí tạo nguồn, thứ hai là chi phí kinh doanh, thứ ba là lợi nhuận định mức. Theo ông Phan Văn Chinh, trước đây Bộ Tài chính, Bộ Công Thương tính toán với giá cơ sở, công bố cho chúng ta giá cho chúng ta tiến hành điều chỉnh.

Theo Nghị định mới, dự thảo có đề xuất phương án cho doanh nghiệp được quyền công bố giá của mình, trên cơ sở tiêu chí quy định tại nghị định. Do đó, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước đề nghị các doanh nghiệp tập trung đóng góp ý kiến về vấn đề giá và chi phí.

Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Doanh nghiệp có nhiều góp ý, kiến nghị

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu góp ý vào Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã cùng nhau góp ý vào Dự thảo Nghị định. Trong đó, các ý kiến chủ yếu tập trung nhiều vào các vấn đề về điều kiện tổ chức kinh doanh, lượng hàng tồn kho bắt buộc… đặc biệt đi sâu vào việc trao đổi cơ chế giá xăng dầu, chi phí kinh doanh xăng dầu.

Góp ý về chi phí kinh doanh trong dự thảo Nghị định, ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho rằng, hiện tại dự thảo đưa ra 2 phương án, một phương án có sự thay đổi so với hiện tại mang tính chất dựa theo những con số tuyệt đối; phương án 2 liên quan đưa ra tỷ lệ chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức theo sự biến động của giá xăng dầu thế giới.

Về công thức giá, Petrolimex thiên về phương án 1 và chính thức kiến nghị với Bộ Công Thương theo phương án 1 với lý do: Trong công thức về giá đưa ra các thành tố mà Bộ Công Thương công bố giá xăng dầu thế giới bình quân 7 ngày hay 5 ngày, lúc đó theo quyết định cuối cùng chu kỳ điều hành giá và ban hành. “Petrolimex đồng tình với Bộ Công Thương khi công bố về giá là hoàn toàn hợp lý và vẫn còn có tính chất phù hợp với thời gian tới” - ông Trần Ngọc Năm nói.

Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Doanh nghiệp có nhiều góp ý, kiến nghị

Ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)

Liên quan đến chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức, hiện tại theo Petrolimex thì chi phí kinh doanh đang bao gồm cả chi phí tạo nguồn, Petrolimex đề nghị dự thảo phải tách riêng thành tố liên quan đến chi phí tạo nguồn, nghĩa là đưa xăng dầu từ nước ngoài về các cảng về Việt Nam hoặc từ các nhà máy lọc dầu về các cảng.

Theo lý giải của Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, các chi phí này không phải chỉ có phần chi phí vận chuyển, mà còn cả chi phí Premium, mà chi phí Premium không phải do doanh nghiệp quyết định được, mà cái này dựa vào sự biến động thị trường xăng dầu thế giới. Premium ở đây hoàn toàn không thể nói đồng biến hay không đồng biến, vì Premium là phụ phí thị trường nó còn phụ thuộc vào yếu tố cung cầu, địa chính trị, nguồn hàng nhiều hay ít, chi phí vận tải phụ thuộc vào tàu bè thế giới, không phải các thương nhân đầu mối ở Việt Nam đều có phương tiện vận tải.

Do đó, Petrolimex hoàn toàn đồng ý theo nguyên tắc tính giá của từng đầu mối và căn cứ số liệu của một quý, thay bằng trước đây chúng ta tính bằng 6 tháng. Đồng thời cho rằng vẫn duy trì nguyên tắc này trong điều kiện bình thường 3 tháng để đủ các yếu tố thông tin để các thương nhân đầu mối có căn cứ quyết định về giá…

Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Doanh nghiệp có nhiều góp ý, kiến nghị

Ông Nguyễn Cao Sơn - Phụ trách Ban kinh doanh Tổng công ty Dầu PV Oil

Về phương án 2, tính theo tỷ lệ %, Petrolimex đồng tình về phương án này, vì thứ nhất chúng ta đưa ra tỷ lệ biến động và không đủ luận cứ để đưa ra tỷ lệ này, tỷ lệ kia. Và dù có đưa ra tỷ lệ thì đối với doanh nghiệp khi đưa ra giá bán thì đều phải quy về tuyệt đối, để quyết định giá đó bao nhiêu tiền trên 1 lít. Mà đưa theo tỷ lệ liên quan đến giá xăng dầu thế giới, mà giá xăng dầu thế giới dựa trên tỷ giá USD. Mà khi quy trở về còn tác động tỷ giá. “Nên theo quan điểm Petrolimex trong công thức giá phải phù hợp với diễn biến của thương nhân đầu mối rồi các thương nhân đầu mối sẽ cân nhắc thực tiễn để quyết định giá bán” - ông Trần Ngọc Năm kiến nghị.

Về chu kỳ điều hành giá, đại diện Petrolimex cho rằng, việc điều hành 7 ngày đảm bảo tính chất ổn định. Vì chúng ta đã qua nhiều chu kỳ điều hành giá từ 30 ngày đến 15 ngày, 10 ngày rồi 7 ngày. Xét về mặt các thương nhân đầu mối khi càng kéo dài thì sự phù hợp giữa giá và lượng hàng tồn kho càng sát, nhưng như vậy lại không theo kịp diễn biến của thị trường, khi đưa vào việc điều hành 7 ngày, lại phản ánh đúng xu thế của thị trường. “Petrolimex đưa ra ý kiến để đảm bảo quyền lợi cho các thương nhân đầu mối mà đứng trên quan điểm của quản lý nhà nước và tính thị trường” - ông nói.

Về phía Tổng công ty Dầu PV Oil, ông Nguyễn Cao Sơn - Phụ trách Ban kinh doanh nêu ý kiến, trên cơ sở dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu, theo công thức giá tối đa của nghị định PV Oil xin được làm rõ thì có 2 chi phí, chi phí tạo nguồn và chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như lợi nhuận định mức của doanh nghiệp. Từ đó, PV Oil đề xuất, phải tách riêng biệt 2 khoảng chi phí này.

Về chi phí tạo nguồn thì biến động rất nhiều, chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh thì biến động trong tỷ lệ thấp. Đối với chi phí tạo nguồn thì phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố, thứ nhất là phụ phí thị trường, chi phí vận tải là 2 phần biến thiên rất nhiều. Ông Sơn ví dụ về các chi phí này, có thể giao động từ 1 USD có thể là 10 USD và cũng có thể là âm, khoảng biến động rất lớn. Đối với chi phí tạo nguồn có thể biến đổi theo giá của thế giới chẳng hạn như là 5% hay 10% theo quy định của Bộ Công Thương,

Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Doanh nghiệp có nhiều góp ý, kiến nghị

Ông Trần Phú Bình - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu quân đội

Trong khi đó, góp ý cụ thể vào các điều khoản tại Dự thảo, ông Trần Phú Bình - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu quân đội cho biết: Tại Điều 32. Nguyên tắc điều hành giá xăng dầu: “Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu thực hiện điều chỉnh giá bán xăng dầu theo kỳ mười lăm (15) ngày một lần, bắt đầu tính từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành”

Do đó, Tổng công ty đề xuất giữ nguyên kỳ điều hành giá theo Nghị định 80/NĐ-CP là 7 ngày (điều chỉnh vào ngày thứ 5 hàng tuần) để phù hợp với sự biến động của giá xăng dầu thế giới, tránh trường hợp các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong nước đứt gãy nguồn cung khi giá xăng dầu thế giới biến động mạnh.

Liên quan đến điều khoản chi phí kinh doanh xăng dầu. Tại mục d, khoản 1, Điều 33 về xây dựng Nghị định mới Kinh doanh xăng dầu. Đại diện Tổng công ty này đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nghiên cứu, rà soát tình hình kinh doanh và chi phí thực tế của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để ban hành quy định phù hợp, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, thương nhân đầu mối và người tiêu dùng…

Ghi nhận các ý kiến của các doanh nghiệp, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, thay mặt Tổ biên tập ban soạn thảo, Vụ Thị trường trong nước sẽ ghi nhận, tiếp thu, tổng hợp các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại hội nghị. Đồng thời, giải trình và tiếp tục xin ý kiến từ các Bộ, ngành, Hiệp hội, doanh nghiệp để từ đó hoàn thiện nội dung nhằm xây dựng Nghị định mới phù hợp với thực tiễn kinh doanh hiện nay.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết