A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Định danh Grab là đơn vị vận tải, chịu trách nhiệm với hành khách là không phù hợp?

Trong khi Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng các mô hình hoạt động của các công ty công nghệ khi tham gia vào hoạt động vận tải là doanh nghiệp vận tải, thì phía đại diện Grab lại phủ nhận quan điểm trên và cho rằng điều này không phù hợp.

Tại Hội thảo kinh tế chia sẻ ngày 10/11, ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho biết từ khi Uber tham gia thị trường vận tải với định danh là một nền tảng kết nối vận tải, đến nay ở Việt Nam đã có rất nhiều những ứng dụng đặt xe tương tự như Uber: Grab, Be, Gojek, Dichung, Fastgo,... phương châm ban đầu là thu hút các cá nhân có xe ô tô nhàn rỗi tham gia hoạt động vận tải.

-9806-1699588108.png

Tranh cãi về việc định danh Grab theo mô hình kinh doanh nào?

Nhưng sau một thời gian đã bộc lộ một số bất cập như tăng nguy cơ tai nạn giao thông, vấn đề an toàn lao động, hầu hết người lao động không có hỗ trợ tiền ăn, chế độ nghỉ phép, khám sức khỏe định kỳ, thưởng lễ, Tết... Gần như 100% các tài xế công nghệ không được người sử dụng lao động nộp BHXH, BHYT, BHTN do vậy họ không được hưởng chế độ khi bị ốm đau, nghỉ việc và có nguy cơ trở thành gánh nặng đối với xã hội sau này.

Theo đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, cần định danh chính xác mô hình hoạt động của các công ty công nghệ khi đã tham gia vào hoạt động vận tải thì trở thành các doanh nghiệp vận tải, vì vậy ngoài việc đáp ứng các yêu cầu của thương mại điện tử thì các doanh nghiệp này còn phải đáp ứng các điều kiện về kinh doanh vận tải.

Thêm vào đó, cần cụ thể hơn nữa khái niệm, định nghĩa của mô hình kinh tế chia sẻ, cụ thể những cái gì của người dân, doanh nghiệp dùng không hết thì chia sẻ, những loại hình chia sẻ như bất động sản, nhà ở không hết thì cho thuê...

Theo ông Hùng, kinh tế chia sẻ trong hoạt động vận tải chỉ phù hợp trong phạm vi các doanh nghiệp vận tải hoặc các cá nhân có giấy phép kinh doanh vận tải hợp tác với nhau để khai thác tài nguyên, nguồn lực của nhau nhằm cung ứng dịch vụ với chất lượng tốt nhất và giá thành thấp nhất. Vì vậy các chính sách ban hành cần hướng đến tạo điều kiện cho các doanh vận tải để thúc đẩy sự phát triển của ngành.

Tuy vậy, bà Đặng Thị Thùy Trang, Giám đốc Đối ngoại, Grab Việt Nam lại cho rằng, các nền tảng số là vai trò then chốt, tạo điều kiện và điều phối các hoạt động của kinh tế chia sẻ. Tại Việt Nam, các nền tảng số đã xuất hiện trên 10 năm.

Điều đáng mừng theo bà Trang, Luật Giao dịch điện tử và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi mới được thông qua trong tháng 6/2023 đã chính thức công nhận định nghĩa “nền tảng số" và “nền tảng số trung gian", cũng như đã quy định trách nhiệm của các nền tảng số đối với người dùng rất rõ ràng, đảm bảo được nghĩa vụ của nền tảng số đối với người tiêu dùng, đối tác kinh doanh, cũng như đối với cơ quan quản lý Nhà nước.

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật đối với “nền tảng số" vẫn chưa hoàn chỉnh, dẫn tới sự thiếu nhất quán trong tiếp cận chính sách đối với các nền tảng, cũng như sự chồng chéo về quản lý giữa các văn bản và cơ quan quản lý liên quan. Ví dụ điển hình là việc phân loại hoạt động của nền tảng đặt xe trực tuyến trong Dự thảo Luật Đường bộ hiện nay vẫn chưa áp dụng khái niệm nền tảng số hỗ trợ vận tải đường bộ, mà vẫn quy định các nền tảng này là đơn vị kinh doanh vận tải và chịu sự quản lý của ngành giao thông vận tải, trong khi đó, các nền tảng số hiện đã được đăng ký là sàn giao dịch thương mại điện tử với Bộ Công Thương để hoạt động trên phạm vi toàn quốc.

"Việc phải định danh các nền tảng kết nối vận tải như Grab là đơn vị vận tải để yêu cầu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm với hành khách, người tiêu dùng là không cần thiết và không phù hợp với thực tế, gây nên sự chồng chéo trong việc ban hành và thực thi pháp luật, dẫn tới nhiều bất cập trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, trong khi không mang lại thêm lợi ích về mặt quản lý", vị đại diện Grab nêu. 

Do đó, để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tế và bản chất của mô hình kinh tế chia sẻ, Grab đề xuất cần xác định các nền tảng đặt xe trực tuyến là các nền tảng số trung gian hỗ trợ hoạt động vận tải đường bộ, cũng như đưa ra các quy định riêng biệt, phù hợp đối với các nền tảng số này, tách biệt với vai trò và trách nhiệm của các đơn vị kinh doanh vận tải.

Nhìn nhận những bất cập, mâu thuẫn quan điểm về kinh tế chia sẻ nói chung và mô hình đặt xe công nghệ nói riêng, TS. Lưu Hương Ly, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, nhận định khó khăn, vướng mắc chủ yếu hiện nay vẫn là lúng túng của cơ quan quản lý nhà nước trong việc định danh, xác định bản chất pháp lý của ngành, nghề kinh doanh của công ty cung cấp dịch vụ nền tảng kết nối.

"Việc điều chỉnh pháp luật trong thời gian tới cần tập trung vào việc xử lý, hạn chế các rủi ro đối với người lao động, người tiêu dùng khi tham gia mô hình kinh tế chia sẻ; rủi ro biến tướng thành “tín dụng đen” của các mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending); rủi ro xâm phạm dữ liệu cá nhân...", TS. Ly nêu vấn đề. 

Thy Lê 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết