A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Áp lực lạm phát đẩy lãi suất, tỷ giá tăng

Cùng với lạm phát, việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 37% xuống 34% từ 1/10/2022 theo Thông tư 08/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và kỳ vọng nới room (hạn mức tín dụng) khiến lãi suất tăng, tỷ giá “nhảy múa”…

Tỷ giá tháng 7/2022 đã vượt ngưỡng 23.500 đồng/1USD

Lãi suất, tỷ giá tăng

Giá bán USD tại nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã vượt 23.500 VND/USD, cao nhất kể từ đầu năm 2020. Trong khi đó, lãi suất huy động tại các tổ chức tín dụng (TCTD) cao nhất hiện nay đã đã hơn 7,55%.

Bước sang tháng 7/2022, nhiều NHTM cổ phần điều chỉnh tăng lãi suất, niêm yết trên mức 7% cho kỳ hạn dài 12 tháng trở lên, với các điều kiện khác nhau. ACB là một trong những NHTM cổ phần tăng lãi suất mạnh nhất trong đợt điều chỉnh này, với mức tăng thêm từ 0,6 - 0,9%/năm. Trong khi, SCB đang huy động mức lãi suất tối đa 7,55%/năm nếu khách hàng gửi online.

Ở nhóm NHTM có vốn Nhà nước, Agribank giữ nguyên lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn, nhưng điều chỉnh tăng 0,1 điểm % đối với các khoản gửi tiết kiệm từ 12 tháng trở lên, lên mức 5,6%/năm. Trước đó, BIDV thông báo tăng 0,1 điểm % lãi suất ở tất cả các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, cố định ở mức 5,6%/năm.

Trong khi đó, tỷ giá “nhảy múa”, lên mức cao nhất 2 năm qua. Giá bán USD tại nhiều NHTM ở TP. Huế đã vượt 23.500 đồng, cao nhất kể từ đầu năm 2020. Cuối phiên ngày 4/7/2022, tỷ giá trung tâm của VND/USD tại NHNN ở mức 23.121 đồng, tăng 9 đồng so với cuối tuần trước. Đây cũng là mức cao nhất mà tỷ giá trung tâm ghi nhận từ đầu năm đến nay.

Qua theo dõi, từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động đã tăng 30 - 60 điểm. Với dự báo áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tiếp theo đi cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, lãi suất cho vay cũng chịu áp lực tăng; tuy nhiên sẽ có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất huy động.

Câu chuyện tiếp tục bơm vốn để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế hay hãm bớt vốn để ngăn lạm phát đang là vấn đề gây tranh cãi trong bối cảnh hiện nay. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu có bất kỳ đợt tăng nào trong năm nay thì khả năng cao sẽ diễn ra vào quý IV/2022 và mức tăng sẽ hạn chế, khoảng 0,25 - 0,5%. NHNN sẽ cho phép tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức cao để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Dòng vốn tín dụng sẽ được ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp, xuất nhập khẩu, nông, lâm, thủy sản…

Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát?

Vừa qua, tại phiên chất vấn của Quốc hội, Thống đốc NHNN - Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, dù lạm phát những tháng đầu năm vẫn trong mức kiểm soát, song áp lực lạm phát nửa cuối năm và năm 2023 là rất lớn, do độ mở của nền kinh tế cao. NHNN thận trọng với nới room.

Trong khi đó, nhóm phân tích và tư vấn đầu tư Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định: NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và trong điều kiện phù hợp sẽ thông qua việc nới trần tín dụng cho các NHTM.

Theo dự báo, áp lực tăng lãi suất huy động sẽ rơi vào cuối năm, nhất là khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ 37% về 34% sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10/2022 theo Thông tư 08 năm 2020 của NHNN sửa đổi Thông tư 22 năm 2019 quy định lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.

Trên thực tế, các NHTM đã lần lượt điều chỉnh biểu lãi suất huy động với mức trung bình tăng từ 30-100 điểm cơ bản, chủ yếu vào giai đoạn cuối quý I và đầu quý III/2022. Đáng chú ý, hai NHTM quốc doanh: BIDV và Agribank cũng vào cuộc đua tăng 10 điểm cơ bản cho kỳ hạn trên 12 tháng; nhưng hiện mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất trên thị trường là 7,55% thuộc về SCB. Đà tăng lãi suất huy động được cho là sẽ chậm lại trong quý III/2022 vì nhu cầu huy động vốn thấp, do nhiều NHTM đã tạm hết dư địa để tăng trưởng tín dụng.

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, nền kinh tế có độ trễ, hiện nay giá cả đang tăng, xăng dầu cũng mới chỉ tác động vòng 1, còn vòng 2, vòng 3 sẽ là tác động vào lương thực thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng. Điều này đè nặng sức ép lạm phát những tháng cuối năm. Áp lực lạm phát đang tăng và là thách thức lớn đối với nền kinh tế trong giai đoạn những tháng cuối năm 2022. Một số khoản như: học phí, thuế hay lương cơ bản… bắt đầu tăng từ 1/7/2022 nên chưa thể hiện trong chỉ số lạm phát nửa đầu năm.

Lãnh đạo NHNN Thừa Thiên Huế khẳng định: NHNN có đủ khả năng giữ ổn định chính sách lãi suất để hỗ trợ các nỗ lực phục hồi kinh tế, bất chấp những triển vọng không chắc chắn từ địa chính trị và bối cảnh lạm phát trong nước…

Bài, ảnh: BẠCH QUANG


Tags: áp lực
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan