A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làm thuê ở miệt Đơn Dương

Ly hương, không bám phố mưu sinh mà tảo tần gắn phận với đất, với rau miệt Đơn Dương. Dẫu có nhọc nhằn, nhưng việc làm thuê của những người tha phương nơi đây cũng chẳng đến nỗi bẽ bàng, xót xa như người ta thường nghĩ... 

Anh Nguyễn Văn Công (Nghi Lộc - Nghệ An) vừa đến Lạc Lâm (huyện Đơn Dương) tròn một tháng. Công cũng như rất nhiều phận người xa xứ khác trong 800 người đến vùng đất này đăng ký tạm trú mỗi năm. Không chọn xuất khẩu lao động vì gia đình anh cũng chẳng có nhiều tiền, không chọn phố mưu sinh bởi đầy rẫy cơ cực và cám dỗ. Anh về xứ này theo lời giới thiệu của người em họ, nơi mỗi tháng anh có thể kiếm trên dưới 15 triệu, đủ để trang trải thường nhật và một chút dằn lưng lo lắng cho người thân ở quê.
 
Cô bé Nguyên Phương nay vào cấp 3 và gia đình em đã có nhà riêng. Ảnh: Tuấn Linh
Cô bé Nguyên Phương nay vào cấp 3 và gia đình em đã có nhà riêng. Ảnh: Tuấn Linh
 
Chẳng phải từ bây giờ, 15 năm trước, Lạc Lâm, Lạc Xuân, Ka Đô hay Quảng Lập của Đơn Dương đã hình thành nên những “chợ người”. Khác với những đô thị lớn, hàng ngày phải dậy sớm chiếm chỗ vỉa hè, đợi “điểm mặt chỉ tên” mới có việc làm thì ở xứ rau Đơn Dương, chợ lao động hình thành từ những xóm trọ. Miền Bắc thì có Hải Dương, Bắc Giang...; miền Trung thì Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi... và cả những An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre... dưới miền Tây đổ lên. Công cao, việc nhiều, chi phí sinh hoạt thấp, việc đồng áng cũng chẳng đến nỗi nhọc nhằn bởi đa phần họ đều xuất thân nông dân, quen với lam lũ nên Đơn Dương cũng gần như “miền đất hứa” cho họ thêm thu nhập sau mỗi mùa vụ ở quê.
 
Lạc Lâm, một trong những xã đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của Đơn Dương chỉ có khoảng 470 ha đất sản xuất nông nghiệp, nhưng mỗi năm đều có bình quân xấp xỉ 800 công lao động từ mọi nơi về đăng kí tạm trú để làm thuê.
 
Hơn 10 năm trước, khi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn chưa được phổ cập, người lao động còn phải nặng nhọc cày ải thay máy, từ vỡ đất lên luống, gieo hạt đến thu hoạch. Người đến làm cũng chạy theo mùa vụ cao điểm sau những ngày nông nhàn ở quê. Bây giờ đã khác, nhiều người trẻ không có cơ hội ở quê, đến ở lại, gắn bó và xem vùng đất này như quê hương thứ hai.
 
Lạc Lâm chỉ có khoảng 2.000 hộ dân nhưng 80% trong số đó, không ít thì nhiều đều có đất canh tác. Người Lạc Lâm cũng nổi tiếng vì làm nông giỏi, đời sống người dân khá giả cũng vì làm nông, nhiều thế hệ trong gia đình cũng chẳng muốn đi xa vì gắn bó với nghiệp nông gia. Có lẽ vì thế, đất ở Lạc Lâm gần như “không ngủ”, vụ này nối tiếp vụ kia, hết sú thì đến lơ, hết cà chua thì sang xà lách... vậy nên không khó hiểu khi người dân Lạc Lâm cũng có tỷ lệ xâm canh nhiều nhất huyện. Đất nhà không đủ, họ mua đất, thuê đất ở những nơi khác để mở rộng sản xuất, nên không khó hiểu khi chợ lao động ở Lạc Lâm luôn thu hút một lượng người lớn đổ dồn về đây.
 
Anh Huỳnh tưới rau trên mảnh đất vừa mua được bằng tiền tích góp. Ảnh: Tuấn Linh
Anh Huỳnh tưới rau trên mảnh đất vừa mua được bằng tiền tích góp. Ảnh: Tuấn Linh
 
Cô bé Nguyên Phương - học sinh lớp 11 của Trường THPT Đơn Dương là con đầu của vợ chồng anh Văn và chị Thanh, một cô bé tinh nghịch và tràn đầy năng lượng. Nguyên Phương không nói tiếng Nghi Lộc (Nghệ An) quê gốc của em như bố mẹ, bởi em là công dân thứ thiệt của Đơn Dương, mảnh đất nơi em sinh ra và lớn lên.
 
Gần 20 năm trước, anh Văn và chị Thanh cũng đều mang phận tha phương kiếm cơm từng bữa. Gặp nhau ở xứ lạ, đồng cảm và đồng cảnh họ tìm đến với nhau. Hai đứa con của anh chị là Nguyên Phương và một cậu em học lớp 8 đều được sinh ra và nuôi nấng trong khó khăn lẫn thiếu thốn ở những căn phòng trọ chật hẹp.
 
Có lẽ thấu hiểu được cảnh cơ cực của cha mẹ, tảo tần hôm sớm để lo miếng ăn cái mặc cho mình, Phương và em trai đều học giỏi. “Mãi năm cuối cấp hai con mới có nhà để ở, nhà nhỏ, hẻm nhỏ thôi, nhưng dù sao đấy cũng là ngôi nhà của mình”. Ngôi nhà nhỏ mà Nguyên Phương chia sẻ ấy là công sức đánh đổi bằng mồ hôi, là dành dụm chịu đựng của cha mẹ mình.
 
250 triệu cho vuông đất gần 140 mét vuông, cộng thêm hơn 500 triệu tiền để xây nhà, mãi hơn 3 năm trước anh Văn mới thực hiện được lời hứa của mình dành cho chị Thanh sau gần 20 năm anh chị gửi phận cho nhau.
 
“Ở quê khó sống lắm, vài sào ruộng làm quanh năm, lãi lời cũng chỉ ở rơm rạ, nắng thì cháy da, mưa thì ngập lụt nên vào đây thấy cũng dễ sống, chỉ cần chăm chỉ là được”, anh Văn cười hồn nhiên khi vẫn khoác trên mình bộ quần áo lao động.
 
Chị Thanh tiếp lời chồng: “Hai vợ chồng bây giờ chủ yếu nhận khoán, chặt sú, nhổ hành, cứ ai kêu công cao thì làm. Vất vả một chút nhưng nhiều việc. Tiền chi tiêu hàng tháng cũng chỉ mất khoảng 3 triệu, rau cỏ đi làm về thì nhặt nhạnh không phải mua, thêm vài chục mua miếng cá, miếng thịt thế là xong bữa. Buổi trưa hai cháu cũng có sẵn cơm ở nhà, hai vợ chồng đi làm thì đều được chủ lo cho bữa trưa, bữa lỡ. Nếu chịu khó, vợ chồng biết gói ghém mỗi năm cũng tiết kiệm được 70 - 80 triệu lo cho các cháu ăn học sau này”. Ở xóm nhỏ của chị Thanh có hơn chục hộ, đều là người Nghi Lộc (Nghệ An), ngoài quê cùng làng, thấy trong này dễ sống nên rủ nhau vào làm ăn.
 
Hàng xóm của anh Văn, là anh Nguyễn Xuân Huỳnh cũng vừa mua được thêm một miếng đất có 5 mét tới với giá 450 triệu đồng. Anh nói: “Mình phận làm thuê, chắt bóp được đồng nào, cộng thêm vay mượn mua để đấy cho con cháu sau này, chưa sử dụng thì để trồng thêm luống rau, con gà cải thiện đỡ tốn thêm tiền chợ búa”.
 
Cùng đi với tôi đến các xóm nhỏ của những người xa xứ về Lạc Lâm làm thuê, anh Trương Quang Kiên - Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “bà con cũng chịu khó, đùm bọc nhau lắm. Nhiều người nhận khoán dậy từ lúc 4h sáng đi nhổ hành, hái xà lách đến khoảng 10h là xong. Nghỉ ngơi, cơm nước cho lại sức chiều lại nhận thêm vườn mới. Ai chăm ngày cũng hơn 500 tiền công, nên đời sống bà con cũng được cải thiện nhiều”.
 
Cũng theo lời của Chủ tịch UBND xã Lạc Lâm thì: do số người tạm trú về đây đông, nên trước đây cũng có nhiều vụ gây mất an ninh trật tự, chủ yếu mẫu thuẫn tranh giành mối lái của những người tỉnh này, tỉnh kia. Nhưng nay thì hết rồi, ai cũng lo làm ăn vì việc nhiều, công lại cao. Việc nặng nhọc thì đã có máy móc, chủ yếu là thu hoạch nên cũng nhẹ nhàng.
 
Đơn Dương, vựa rau lớn nhất của Lâm Đồng không thiếu việc, khẳng định điều này liệu có gây hoài nghi. Chắc chắn là không, bởi tương lai của vùng đất đó, không chỉ nằm ở những thửa vườn canh tác nhỏ lẻ. Xa hơn trong lộ trình, đó còn phải là mối dây liên kết, chuỗi sản xuất khép kín để khẳng định thương hiệu sự ngon ngọt của rau củ nơi này. Không cần các khu công nghiệp, mảnh đất thuần nông Đơn Dương nếu biết tính toán, nếu biết chọn lựa, nếu biết kỹ càng trong từng bước đi cũng sẽ là môi trường tạo ra sức hút, tạo ra hấp lực và đơn giản là giải quyết công ăn việc làm, ổn định đời sống cho hàng ngàn người lao động phổ thông.
 
Những đứa trẻ như Nguyên Phương được lớn lên, được nuôi nấng bằng mặn ngọt mồ hôi, bằng tảo tần hôm sớm của cha mẹ chúng chắn chắn sẽ có cái nhìn cảm thông và thấu hiểu tận tường nỗi cơ cực của phận làm thuê. Mỗi bài học ở trường, sẽ là hành trang đủ đầy nhất để chúng trở về và thay đổi số phận cũng như định kiến.
 
Chiều ở xóm nhỏ thôn Xuân Thượng (xã Lạc Lâm), trước trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam với Thái Lan ở vòng bảng vòng loại World cup 2020 khu vực Châu Á như chộn rộn hơn. Mỗi người một món, chắc sẽ đơn giản thôi, về nhà một ai đó, ngôi nhà của họ để cùng xem và chia sẻ những buồn vui thường nhật. Không còn khói chiều, nhưng bình yên đến lạ!
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết