A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tạo việc làm tại chỗ, HTX đang giúp ‘an cư lạc nghiệp’ cho người dân ở Tuy Đức

Huyện Tuy Đức, một vùng đất biên giới của tỉnh Đắk Nông, từng là “điểm nóng” về đói nghèo với tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, đặc biệt là trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, thành lập và duy trì hoạt động của nhiều HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của địa phương như cà phê, hồ tiêu, điều, ca cao, bơ, sầu riêng… đời sống bà con nơi đây đã ‘thay da, đổi thịt’, kinh tế ngày một khấm khá.

Trước đây, phương thức sản xuất nông nghiệp của người dân Tuy Đức chủ yếu mang tính tự cung tự cấp, nhỏ lẻ, thiếu liên kết và dễ bị tổn thương bởi biến động thị trường. Việc tiếp cận khoa học kỹ thuật, vốn đầu tư và thông tin thị trường còn hạn chế, khiến năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Thấu hiểu thực tế đó, chính quyền địa phương đã tích cực vận động, khuyến khích người dân tham gia vào các HTX, xem đây là giải pháp then chốt để thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân.

Chuyện về những HTX giúp đồng bào dân tộc vươn lên

Trên thực tế, các HTX ở Tuy Đức đã phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết nông dân, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, cùng nhau ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, nâng cao chất lượng sản phẩm. Điển hình như HTX Nông nghiệp Công nghệ cao QAM, xã Đắk R’tih, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đã mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Nhận thấy những giá trị và tiềm năng lớn tại địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp, HTX đã mở rộng diện tích, liên kết nông dân phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC đạt kết quả tích cực.

-9296-1743500357.jpg

Trồng ca cao theo tiêu chuẩn UTZ đang là một trong những bước chuyển đổi quan trọng giúp xóa đói giảm nghèo ở Đắk Nông.

Ông Ngô Thăng Long, Giám đốc HTX cho biết, hiện tại, HTX đang liên kết với hơn 10 nông hộ sản xuất dưa lưới và dâu tây hữu cơ với diện tích hơn 2ha nhà màng. Các nông hộ tham gia chuỗi sản xuất được hỗ trợ giống, kỹ thuật canh tác và cam kết bao tiêu sản phẩm với giá thành cao.

Để tăng hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ, HTX còn hướng dẫn nông dân áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, thâm canh rải vụ để phục vụ thị trường. Hiện tại, đơn vị đã kết nối được nhiều thị trường tiêu thụ sản phẩm ở trong và ngoài nước với giá thành tốt.

Một ví dụ khác là HTX Nông nghiệp Công Bằng Tuy Đức tại xã Quảng Trực, nơi tập hợp nhiều hộ gia đình đồng bào Dao và Tày. HTX tập trung vào phát triển các loại cây ăn trái đặc sản như bơ Booth, sầu riêng Ri6 theo hướng hữu cơ. HTX đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp thu mua, xây dựng thương hiệu và tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm của HTX luôn có giá bán cao hơn so với sản phẩm thông thường, giúp các thành viên có nguồn thu nhập ổn định và cải thiện đáng kể đời sống.

Một thành viên của HTX, chia sẻ: “Trước đây, gia đình mình trồng bơ, sầu riêng theo kinh nghiệm, năng suất thấp, giá cả bấp bênh. Từ khi tham gia HTX, được hướng dẫn kỹ thuật, được hỗ trợ tìm đầu ra, thu nhập của gia đình mình đã tăng lên gấp đôi, mình có tiền để sửa nhà và cho con cái ăn học tốt hơn”.

Không chỉ tập trung vào phát triển nông nghiệp, các HTX ở Tuy Đức còn chú trọng đến việc đa dạng hóa ngành nghề, tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân, đặc biệt là thanh niên và phụ nữ dân tộc thiểu số. Nhiều HTX đã mạnh dạn đầu tư vào chế biến nông sản, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giải quyết tình trạng thiếu việc làm và tăng thêm thu nhập cho người dân.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch, HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực, ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức cho biết, sau khi thành lập, HTX đã tập trung xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu 230ha mắc ca. HTX đã đầu tư máy sấy, máy tách vỏ để chế biến mắc ca. Sản phẩm mắc ca sau khi chế biến được đóng gói, có nhãn mác với thương hiệu “Mắc ca M’nông” để bán ra thị trường.

HTX đã lập website, sử dụng các nền tảng công nghệ, sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm. Qua các kênh này, lượng khách hàng của HTX ngày càng được mở rộng tại nhiều thị trường.

“Mắc ca sau khi chế biến được bán ra thị trường với mẫu mã và nhãn hiệu đặc trưng, giúp cho khách hàng dễ nhận diện. Điều này, giúp sản phẩm của HTX tìm kiếm được chỗ đứng trên thị trường. Mỗi năm, HTX chế biến hơn 30 tấn mắc ca sấy, đóng gói, bán ra thị trường”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Đẩy mạnh đầu tư vào chăn nuôi, chế biến nông sản

Ở Tuy Đức, tỉ lệ HTX mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng như hạt mắc ca đang ngày một nhiều. Với vùng nguyên liệu 400ha, cho thu hoạch trung bình 1,2 – 2 tấn/ha, HTX Nông nghiệp dịch vụ Long Việt, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức đã trở thành đơn vị sản xuất, chế biến mắc ca chuyên nghiệp hàng đầu trên địa bàn. HTX đã đầu tư kho lạnh công nghệ cao để phục vụ bảo quản, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm mắc ca.

Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp dịch vụ Long Việt chia sẻ, nhiệt độ thấp trong kho lạnh giữ cho hạt mắc ca luôn giòn, không bị mềm hoặc ẩm. Điều này cũng giúp giữ được hương vị đặc trưng của mắc ca. Chất dinh dưỡng của mắc ca không bị mất đi hoặc biến đổi do tác động của môi trường bên ngoài.

-7462-1743500357.jpg

Các HTX ở Tuy Đức mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.

Bên cạnh những HTX đầu tư vào chế biến sâu nông sản, để xóa đói giảm nghèo một cách bền vững, huyện Tuy Đức còn đặc biệt chú trọng đến việc thúc đẩy phát triển chăn nuôi và trồng trọt theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật và liên kết thị trường. Các HTX đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, cung cấp giống cây, con chất lượng, hướng dẫn quy trình chăm sóc, phòng bệnh và hỗ trợ tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều HTX đã vận động người dân chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông sang chăn nuôi tập trung, có kiểm soát dịch bệnh, áp dụng các quy trình chăn nuôi tiên tiến. Các HTX trên địa bàn đã hỗ trợ các thành viên xây dựng chuồng trại kiên cố, cung cấp con giống chất lượng cao (bò lai, heo rừng lai), hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh. Nhờ đó, năng suất và chất lượng đàn vật nuôi được nâng cao, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người dân.

Đối với lĩnh vực trồng trọt, các HTX đã tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa vào các giống cây có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và có thị trường tiêu thụ ổn định như cà phê đặc sản, hồ tiêu hữu cơ, các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao.

Tiếp sức cho HTX phát triển

Những thành quả đáng ghi nhận trong công tác xóa đói giảm nghèo thông qua phát triển kinh tế hợp tác xã ở huyện Tuy Đức không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của Liên minh HTX Việt Nam và đặc biệt là Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông. Các tổ chức này đã có những hoạt động thiết thực, hiệu quả, hỗ trợ các HTX trên địa bàn huyện về nhiều mặt, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của kinh tế tập thể.

Liên minh HTX Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của HTX, đồng thời triển khai các chương trình hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại cho các HTX trên cả nước. Liên minh cũng tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho cán bộ HTX, giúp các HTX hoạt động hiệu quả hơn.

Đặc biệt, Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông đã có những hoạt động cụ thể, sát sao với tình hình thực tế của các HTX trên địa bàn huyện Tuy Đức. Liên minh đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia HTX, hỗ trợ thành lập các HTX mới. Bên cạnh đó, Liên minh còn đóng vai trò là cầu nối giữa các HTX với các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, giúp các HTX tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Trong năm 2024, Liên minh HTX Đắk Nông kết nạp 22 HTX tham gia thành viên, nâng tổng số thành viên lên 152 HTX. Trở thành viên của Liên minh HTX, các HTX được tư vấn, hỗ trợ về nhiều mặt để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Sự phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tập thể, HTX đã giúp công tác xóa đói giảm nghèo ở Tuy Đức có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Theo đó, năm 2024, huyện Tuy Đức đã đạt được thành tích đáng ghi nhận trong công tác giảm nghèo. Đến nay, toàn huyện còn 1.699 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 9,94%; giảm 1.432 hộ, chiểm tỉ lệ 8,84% so với năm 2023. Trong đó, hộ dân tộc thiểu số 1.292 hộ, chiếm tỉ lệ 18,67%. Hộ dân tộc thiểu số tại chỗ là 663 hộ, chiếm tỉ lệ 18,94%...

Những thành quả này là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của các chính sách giảm nghèo trên mọi mặt ở địa phương. Trong đó, huyện Tuy Đức đã tăng cường phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp để mở rộng các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Mô hình kinh tế hợp tác xã đã thực sự trở thành một “bệ phóng” vững chắc, giúp người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo và hướng tới một cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn.

“Tất cả các HTX khi trở thành thành viên đều được chúng tôi tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh. Những HTX mới thành lập chúng tôi hỗ trợ ngay từ đầu, từ sớm để họ có đường hướng phát triển rõ nét”, ông Nguyễn Khải, Chủ tịch Liên minh HTX Đắk Nông cho biết.

Đức Anh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết