A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Năng lượng tái tạo Ấn Độ đối mặt khó khăn về vốn

Cam kết đạt 500 GW công suất năng lượng không dùng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030, Ấn Độ đang nổi lên như một quốc gia đi đầu trong lĩnh vực năng lượng sạch.

Những năm gần đây, Ấn Độ đã đầu tư mạnh mẽ vào phát triển năng lượng tái tạo để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh. Mặc dù chính phủ nhiều lần kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ tài chính cho quá trình này nhưng ít nhận được hồi đáp, nhà nước vẫn tài trợ cho nhiều dự án năng lượng tái tạo và công nghệ sạch. Tuy nhiên, quốc gia Nam Á này còn phụ thuộc nhiều vào than đá, dầu mỏ và khí đốt, trong khi nhu cầu điện ngày càng tăng, cho thấy cần có thêm nhiều biện pháp để đẩy nhanh việc triển khai các dự án năng lượng xanh mới.

Ấn Độ đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc lắp đặt điện mặt trời và điện gió. Ảnh minh họa

Ấn Độ đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc lắp đặt điện mặt trời và điện gió. Ảnh minh họa

Quốc gia có sản lượng điện mặt trời lớn thứ ba thế giới

Năm 2023, Ấn Độ sản xuất 22% lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo. Mặc dù có sự cải thiện nhưng tỷ lệ này vẫn thấp hơn mức trung bình toàn cầu là 39%. Sự tăng trưởng trong công suất năng lượng mặt trời đã giúp Ấn Độ vượt Nhật Bản, trở thành quốc gia có sản lượng điện mặt trời lớn thứ ba thế giới, đóng góp 5,9% vào mức tăng trưởng điện mặt trời toàn cầu. Thủy điện vẫn là nguồn năng lượng sạch lớn nhất của Ấn Độ, chiếm khoảng 8%, trong khi năng lượng mặt trời và gió đóng góp tổng cộng 10% trong cơ cấu điện năng của nước này.

Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch trong cơ cấu năng lượng của mình, với than đá, dầu mỏ và khí đốt chiếm 78% sản lượng điện vào năm 2023. Than đá hiện chiếm gần 50% tổng công suất lắp đặt của Ấn Độ và hơn 70% sản lượng điện.

Theo Bộ Năng lượng Mới và Tái tạo của Ấn Độ, năm 2024, quốc gia này đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc lắp đặt điện mặt trời và điện gió, tiến bộ về chính sách và cải thiện cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề cho các mục tiêu tham vọng năm 2025. Với cam kết đạt 500 GW công suất năng lượng không dùng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030, Ấn Độ đang nổi lên như một quốc gia đi đầu trong lĩnh vực năng lượng sạch. Tính đến ngày 20/1/2025, tổng công suất năng lượng không dùng nhiên liệu hóa thạch của Ấn Độ đã đạt 217,62 GW. Trong năm 2024, khoảng 24,5 GW công suất điện mặt trời và 3,4 GW công suất điện gió đã được bổ sung.

Khử carbon: Thách thức lớn

Bất chấp những tiến bộ đáng kể trong những năm gần đây, Ấn Độ vẫn còn một chặng đường dài để khử carbon trong ngành năng lượng. Dù lượng khí thải bình quân đầu người của Ấn Độ thấp hơn nhiều quốc gia khác, nước này đã trở thành quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ ba thế giới mỗi năm. Với dân số lớn nhất thế giới và là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất hiện nay, Ấn Độ đang đứng trước thách thức lớn trong việc đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2070.

Ấn Độ cần hành động ngay nếu muốn đạt được mục tiêu khử carbon trong những thập kỷ tới. Chính phủ đã đặt ra nhiều mục tiêu, bao gồm việc đạt ít nhất 50% tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu điện vào năm 2030 và độc lập về năng lượng vào năm 2047. Tuy nhiên, với dự báo nhu cầu điện sẽ tăng gấp bốn lần vào năm 2050, Ấn Độ đang đối mặt với một cuộc chiến cam go để đạt được các mục tiêu này.

Biến đổi khí hậu đang trở thành mối đe dọa ngày càng lớn đối với Ấn Độ, với hơn 75% các quận trên cả nước có nguy cơ chịu ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, bao gồm bão, lũ lụt và hạn hán. Do đó, Ấn Độ đang phải đối mặt trực tiếp với nguy cơ nếu không thực hiện quá trình chuyển đổi xanh đủ nhanh.

Để đẩy nhanh việc khử carbon trong lĩnh vực năng lượng, Ấn Độ không chỉ cần đầu tư nhiều hơn vào việc triển khai công suất điện gió và mặt trời, mà còn vào công nghệ lưu trữ pin. Điều này sẽ giúp cung cấp nguồn điện sạch ổn định hơn cho lưới điện và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Chính phủ cũng cần cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng truyền tải điện của đất nước để chuẩn bị cho công suất năng lượng sạch mới, đồng thời giảm tổn thất điện trong quá trình truyền tải – một thách thức mà hầu hết các bang của Ấn Độ đều đang đối mặt.

Ngoài ra, việc phát triển các lưới điện nhỏ và siêu nhỏ cũng có thể giúp cải thiện khả năng tiếp cận điện tại các khu vực nông thôn, đồng thời giảm tải cho lưới điện quốc gia. Khoảng 4,59 GW công suất điện mặt trời mái nhà đã được lắp đặt trong năm 2024, tăng 53% so với năm trước. Tuy nhiên, việc triển khai công nghệ này vẫn còn hạn chế do thiếu khả năng chi trả, nhận thức của người tiêu dùng và chuyên môn kỹ thuật cần thiết để lắp đặt tấm pin mặt trời trên mái nhà.

Hạn chế về tài chính

Chính phủ có thể thực hiện một số bước để hỗ trợ các mục tiêu khử carbon của Ấn Độ, chủ yếu bằng cách đầu tư vào việc triển khai thêm năng lượng sạch và công nghệ pin, cũng như cải thiện hệ thống lưới điện của đất nước. Tuy nhiên, để làm được điều này, Ấn Độ có thể cần thu hút mức đầu tư nước ngoài cao hơn. Các ước tính hiện tại cho thấy Ấn Độ sẽ phải chi khoảng 100 tỷ USD mỗi năm, tương đương 2,8% GDP, để đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2070.

Năm 2021, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã kêu gọi các quốc gia phát triển đặt mục tiêu đóng góp ít nhất 1% GDP của họ vào các dự án xanh ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, lộ trình chuyển đổi xanh của Ấn Độ vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt tài chính nghiêm trọng. Mặc dù tại các hội nghị COP hàng năm đã có cam kết tăng cường đầu tư để hỗ trợ các quốc gia thu nhập thấp đạt mục tiêu khử carbon, nhưng vẫn chưa có đủ nguồn tài chính được phân bổ để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh toàn cầu. Điều này cho thấy mặc dù Ấn Độ có tham vọng trong việc thực hiện mục tiêu chuyển đổi xanh, nhưng nếu thiếu nguồn tài chính cần thiết, việc đạt được chúng sẽ vô cùng khó khăn, và điều này sẽ tác động tiêu cực đến những mục tiêu khí hậu toàn cầu.

Tính đến ngày 20/1/2025, tổng công suất năng lượng không dùng nhiên liệu hóa thạch của Ấn Độ đã đạt 217,62 GW. Trong năm 2024, nước này đã bổ sung khoảng 24,5 GW công suất điện mặt trời và 3,4 GW công suất điện gió.
Theo oilprice.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết