Giao nhiệm vụ triển khai 4 dự án BOT mở rộng đường cửa ngõ
UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành các quyết định giao nhiệm vụ chuẩn bị 4 dự án BOT cửa ngõ với tổng mức đầu tư gần 60.000 tỉ đồng.
Đầu tiên là dự án BOT nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố (Ban Giao thông) được giao làm chủ đầu tư 2 dự án thành phần giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư đoạn qua quận Bình Tân và huyện Bình Chánh.
Còn dự án thành phần 3 - đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An) do Sở Giao thông Công chánh làm cơ quan chuẩn bị dự án.
Liên quan đến dự án BOT nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13; dự án thành phần 1 gồm bồi thường, hỗ trợ và tái định cư qua địa bàn TP Thủ Đức do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP Thủ Đức làm chủ đầu tư.
Sở Giao thông Công chánh được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án thành phần 2 - đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13.
Quốc lộ 13 đoạn qua TP Hồ Chí Minh |
Đối với dự án BOT mở rộng đường trục Bắc Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành); Ban Giao thông được giao làm chủ đầu tư dự án thành phần 1 bồi thường, hỗ trợ và tái định cư di dời hạ tầng kỹ thuật kết hợp xây dựng hoàn chỉnh nút giao Nguyễn Văn Linh, nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Bên cạnh đó, Sở Giao thông Công chánh thành phố được giao chuẩn bị dự án thành phần 2 - đầu tư xây dựng mở rộng đường trục Bắc Nam.
Cuối cùng, dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh). Theo đó, Ban Giao thông được giao làm chủ đầu tư 2 dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và di dời hạ tầng đoạn qua địa bàn huyện Hóc Môn và Quận 12.
Dự án thành phần 3 - đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 giao Sở Giao thông Công chánh làm cơ quan chuẩn bị dự án.
Được biết, cả 4 dự án nêu trên đã được HĐND TP Hồ Chí Minh thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 2/2025.
Các dự án BOT cửa ngõ chỉ áp dụng thu phí cho phần đường chính - làn trên cao (làn đường đi nhanh); người dân không có nhu cầu di chuyển tốc độ cao vẫn có thể sử dụng đường song hành mà không cần trả phí.
Về phương thức thu phí, các dự án sẽ áp dụng công nghệ thu phí không dừng hiện đại, không có trạm, không có barie.