A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Liên kết nuôi heo đen bản địa, mở hướng thoát nghèo cho người dân Nam Giang

Hoạt động chăn nuôi heo đen bản địa theo con đường liên kết đang mở ra hướng đi hiệu quả để thoát nghèo bền vững cho người dân huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam). Nhất là điểm sáng từ HTX giúp cho bà con nơi đây thay đổi tư duy chăn nuôi theo hướng hàng hóa nhằm tạo ra nguồn thu nhập cao.

Hiện nay HTX Nông lâm nghiệp A Liêng (ở xã Tà Bhing) đang là điểm sáng, là mô hình tiên phong trong hoạt động chăn nuôi heo đen địa phương liên kết theo chuỗi giá trị của huyện Nam Giang.

Điểm sáng từ HTX

Mỗi năm HTX này cung ứng lượng lớn heo đen thương phẩm ra thị trường, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương, trong đó có cộng đồng dân tộc thiểu số Cơ Tu. 

-8332-1745815269.jpg

Từ điểm sáng chăn nuôi heo đen của HTX Nông lâm nghiệp A Liêng đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.

Ông Zơ Râm Đa, một người dân tộc thiểu số, là Trưởng thôn A Liêng và đồng thời là Giám đốc HTX, cho biết, lúc đầu triển khai mô hình, trong số 15 thành viên ban đầu đăng ký tham gia liên kết, hầu hết thuộc nhóm hộ nghèo và cận nghèo, vốn quen với lối chăn nuôi truyền thống.

Từ nguồn ngân sách của tỉnh Quảng Nam hỗ trợ ban đầu 420 triệu đồng, theo ông Zơ Râm Đa, HTX tập trung đầu tư con giống, thức ăn và tập huấn kỹ thuật cho các hộ thành viên. Đồng thời tranh thủ nguồn hỗ trợ của huyện Nam Giang để xây dựng chuồng trại, hạ tầng giao thông, cũng như đầu tư các trang thiết bị khác theo quy trình chăn nuôi khép kín.

“Cách đây 3 năm, mô hình hoàn thành, tổng kinh phí đầu tư hơn 900 triệu đồng, với quy mô 120 con heo giống bản địa theo hình thức nuôi bán chăn thả trên diện tích 3.000m2. Qua thời gian triển khai, mô hình cho thấy hiệu quả rất khả quan khi đàn heo phát triển tốt, heo giống và heo thịt xuất bán đều đặn ra thị trường với giá bán tốt” - ông Zơ Râm Đa chia sẻ.

Cũng theo vị giám đốc HTX, với nhu cầu về thịt heo đen như hiện nay nguồn hàng sẽ không bao giờ đủ. Thông thường khoảng sau 6 tháng nuôi heo được xuất bán giống hoặc theo thịt thương phẩm nên số lượng vẫn còn ở hạn chế một mức độ nhất định.

Với tập tính bán hoang dã, thả rông nên quá trình nuôi heo đen của HTX Nông lâm nghiệp A Liêng tương đối đơn giản. Thức ăn chủ yếu là chuối rừng và rau cám. Heo mẹ sau 100 ngày sẽ sinh, mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa 10 – 15 heo con. 

Dù vậy, nguồn giống vẫn là khâu lo nhất của trang trại nếu muốn mở rộng quy mô sản xuất. Thời gian đầu, HTX phải đi gom heo trong dân khắp các xã vùng cao trên địa bàn huyện.

Tạo nguồn thu nhập cao

Anh Bríu Chéo, tổ trưởng tổ sản xuất của HTX Nông lâm nghiệp A Liêng, cho biết heo đen bản địa có sức đề kháng tốt nên rất ít khi bị nhiễm bệnh và có giá trị kinh tế cao. Từ lúc thả nuôi đến nay, đàn heo chưa bị ảnh hưởng của các loại bệnh nguy hiểm.

-6920-1745815269.jpg

Heo đen bản địa có sức đề kháng tốt nên rất ít khi bị nhiễm bệnh và có giá trị kinh tế cao.

Theo anh Bríu Chéo, loại heo này dễ nuôi, tốn ít công chăm sóc. Mỗi tuần chỉ cần 2 thành viên cho ăn, vệ sinh chuồng trại. Sau khi được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, nhiều thành viên trong tổ cũng đã đưa heo giống về nhà nuôi, tạo ra nguồn thu nhập cao và cuộc sống đang dần ổn định.

Thức ăn của heo nuôi tại HTX chủ yếu là cây chuối rừng, bã bia, hoàn toàn không có thức ăn công nghiệp nên chi phí đầu vào thấp. Các hộ dân thay nhau kiếm thêm rau rừng, thân chuối và một số thức ăn tự nhiên khác giúp heo tăng sức đề kháng cũng như khả năng sinh trưởng.

Nhờ có thức ăn tự nhiên nên thịt heo thơm, ngon nên có giá trị thương phẩm cao. Sau 6 tháng nuôi, heo đạt trọng lượng khoảng 30kg sẽ xuất bán. Trung bình mỗi con heo bán ra sau khi trừ chi phí, HTX lãi khoảng 2,5 triệu đồng.

Để tăng số lượng đàn heo đen bản địa, HTX Nông lâm nghiệp A Liêng đang liên kết sản xuất với các hộ chăn nuôi trong xã Tà Bhing phát triển chuỗi liên kết sản xuất. Các hộ dân tham gia sẽ được mua heo giống với giá rẻ, được HTX bao tiêu đầu ra từ heo giống đến heo thịt theo giá thị trường. Đồng thời, các thành viên trong tổ sản xuất cũng thường xuyên phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Nam Giang hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, đảm bảo chăn nuôi hiệu quả, an toàn.

Hiện tại, ngoài mô hình sản xuất tập trung theo chuỗi liên kết tại HTX Nông lâm nghiệp A Liêng, việc chăn nuôi heo đen bản địa của người dân ở huyện Nam Giang cũng đang từng bước ổn định, qua đó giúp phát triển kinh tế gia đình. Các hộ dân thay nhau kiếm thêm rau rừng, thân chuối và một số thức ăn tự nhiên khác giúp heo tăng sức đề kháng cũng như khả năng sinh trưởng.

Hơn thế nữa, huyện Nam Giang đang nỗ lực bảo tồn hiệu quả nguồn gen quý của loài heo đen bản địa này, hướng đến mục tiêu cao hơn là cung cấp nguồn con giống cho các địa phương toàn tỉnh Quảng Nam cũng như tạo lập thêm các mô hình trang trại heo đen khép kín, chuyên nghiệp theo hướng hàng hóa trong tương lai.

Và chính từ từ hoạt động chăn nuôi heo đen địa phương đã giúp đồng bào vùng cao huyện Nam Giang không chỉ tạo thu nhập, sinh kế mà có thêm động lực phát triển kinh tế, mở hướng thoát nghèo. 

Cần nhắc thêm, ở Nam Giang nhiều năm trước từng triển khai dự án hỗ trợ nuôi heo đen dành cho 600 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có trẻ em (khoảng 2.400 người) thuộc 5 xã, thị trấn gồm Thạnh Mỹ, Cà Dy, Tà Bhing, Tà Pơơ và Chà Vàl với nguồn kinh phí hỗ trợ của Bộ Hợp tác và phát triển kinh tế Liên bang Đức (BMZ) thông qua tổ chức Tầm nhìn thế giới.

Hướng đi hiệu quả thoát nghèo bền vững

Dự án hỗ trợ chăn nuôi heo đen nêu trên ở Nam Giang đã phần nào giúp nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm heo đen từ khâu chọn giống, phát triển chăn nuôi và đang dần hướng đến việc chế biến thành phẩm có bao bì, nhãn mác đến khâu phân phối và tiêu thụ. Như tại xã Tà Pơơ, thịt heo đen đã được chế biến thành phẩm như xông khói, sấy khô…được thị trường ưa chuộng.

-5211-1745815269.jpg

Mô hình chăn nuôi heo đen bản địa theo hướng liên kết mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho người dân Nam Giang.

Do giá trị thực chất của heo đen bản địa rất cao nên đây sẽ là hướng đi hiệu quả nhằm không chỉ giúp người dân Nam Giang giảm nghèo bền vững mà còn hướng đến làm giàu chính đáng dựa trên những lợi thế địa phương.

Thực tế cho thấy giải pháp nhân rộng mô hình chăn nuôi heo đen ở Nam Giang theo hướng liên kết, tập trung cùng với sự đồng hành của các HTX là rất cần thiết, đang mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững. 

Cùng với xây dựng các mô hình nuôi heo bản địa theo hướng liên kết, lãnh đạo huyện Nam Giang cho biết đang dành sự quan tâm rất lớn đến chất lượng con giống, thị trường đầu ra. Bởi không chỉ phục vụ cho việc nuôi heo lấy thịt, từ các trang trại chăn nuôi này, thời gian tới sẽ cung ứng thêm con giống phục vụ nhu cầu chăn nuôi của người dân, cộng đồng.

Chính vì vậy, mong rằng Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam tiếp tục dành sự quan tâm, hỗ trợ việc phát triển kinh tế hợp tác với mô hình chăn nuôi heo đen theo hướng bền vững ở huyện Nam Giang. Nhất là phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan tuyên truyền về lợi ích khi tham gia vào HTX, khuyến khích người dân đẩy mạnh chăn nuôi heo đen bản địa theo hướng liên kết, quảng bá thương hiệu heo đen bản địa của Nam Giang, tìm sự kết nối thị trường đầu ra cho sản phẩm độc đáo này.

Bên cạnh đó, thông qua định hướng của Liên minh HTX Việt Nam thì Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam cần tiếp tục phối hợp chính quyền huyện Nam Giang tổ chức các đợt tập huấn cho thành viên HTX nhằm hướng dẫn cách thức xây dựng quy trình chăn nuôi theo chuỗi liên kết và theo hướng hàng hóa một cách bài bản hơn nữa.

                                                                                          Thanh Loan


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết