A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Rủi ro thương mại quốc tế: Doanh nghiệp cẩn trọng tránh ‘bẫy’

Hội nhập sâu rộng, giao thương hàng hóa ngày càng tăng, nhưng kèm theo đó là những rủi ro thương mại quốc tế, đòi hỏi doanh nghiệp phải cẩn trọng, tránh ‘bẫy'.

 

Liên tiếp các cảnh báo được đưa ra

“Trong thời gian qua, hiệp hội nhận được một số thông tin cảnh báo về việc một số doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu bột nghệ, bột gừng, hồ tiêu, gia vị có vướng mắc trong giao dịch với Công ty Hallesche Essig – und Senffabrik GmbH (gọi tắt là Công ty HES) của Đức (địa chỉ: Gewürzstr. 6, 06231 Bad Dürrenber, người đại diện Rajesh Bhadarka ([email protected])”, khuyến cáo vừa được Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) đưa ra với các doanh nghiệp hội viên.

Rủi ro thương mại quốc tế: Doanh nghiệp cẩn trọng tránh ‘bẫy’

Rủi ro thương mại quốc tế: Doanh nghiệp cẩn trọng tránh ‘bẫy’

VPSA dẫn thông tin của CreditReform (Creditreform là một công ty Đức cung cấp thông tin kinh doanh, quản lý tín dụng, có mặt trên toàn cầu thông qua mạng lưới các văn phòng và công ty con quốc tế) cho hay, Công ty HES là một công ty đã kinh doanh nhiều năm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu gia vị, có chỉ số tín dụng tốt. Tuy nhiên, đây không phải là một doanh nghiệp lớn, không có kho hàng riêng, thương hiệu riêng nên khả năng mua hàng về rồi sẽ đóng gói/phân phối lại theo yêu cầu của các nhà mua thứ cấp khác.

Theo VPSA, có thể kể ra một số vướng mắc xảy ra trong thời gian qua với nhà xuất khẩu Việt Nam khi giao dịch với Công ty HES như sau: Công ty HES của Đức mua hàng của các doanh nghiệp Việt Nam nhưng 2 bên không có hợp đồng cụ thể, có trường hợp chỉ có đơn đặt hàng (PO) hoặc hợp đồng rất lỏng lẻo.

Khi doanh nghiệp Việt Nam không thể giao hàng đúng tiến độ, bên mua vẫn yêu cầu giao hàng, thực hiện đơn đặt hàng như bình thường nhưng khi hàng đến cảng, bên mua lấy lí do doanh nghiệp Việt Nam chậm giao hàng hoặc chất lượng sản phẩm không đúng theo đặt hàng (kể cả khi chưa có bằng chứng rõ ràng) để ép doanh nghiệp Việt Nam cho bên mua thanh toán chậm, hoặc đền bù (số tiền rất lớn) hoặc thậm chí chưa thanh toán tiền hàng mặc dù đã lấy hàng về kho.

Nếu doanh nghiệp Việt Nam không đồng ý, bên mua sẽ không nhận hàng nhưng cũng không đồng ý từ chối nhận hàng để doanh nghiệp Việt Nam không thể đưa hàng về, từ đó gây thiệt hại rất lớn cho bên bán và buộc phải bán cho bên mua với thiệt hại rất lớn.

Một vài dấu hiệu không tốt khác từ doanh nghiệp này như: Khi mua hàng sẽ mua 2 lô giống hệt nhau, thanh toán lô 1 (rất chậm và không có trách nhiệm), sang lô 2 thì giục giao hàng rất gấp gáp, sau đó lấy lí do chất lượng của mẫu lô 2 (dù lô 1 và lô 2 giống hệt nhau) không đạt để ép thanh toán trả sau 100% lô 2 sau khi nhận hàng. Khi sang Việt Nam thường ép các doanh nghiệp phải mua vé máy bay hạng thương gia, đặt phòng khách sạn và đưa đón… nếu doanh nghiệp không đồng ý thì sẽ viết email bảo không nhận hàng nữa.

Trước đó, chiều 23/4, Bộ Công Thương cũng phát thông tin cảnh báo tới các doanh nghiệp trong nước về việc Công ty hữu hạn cổ phần sản phẩm trái cây Hồng Cửu Trùng Khánh (Trùng Khánh, Trung Quốc) đang bị điều tra.

Theo đó, Bộ Công Thương cho biết đã nhận được báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc về việc Chủ tịch HĐQT cùng một số lãnh đạo cấp cao của Công ty trái cây Hồng Cửu Trùng Khánh đang bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế hình sự. Lý do liên quan đến vụ án lừa đảo khoản vay và/hoặc xuất khống hóa đơn thuế VAT mà Công an TP. Trùng Khánh đang tiến hành điều tra.

Báo cáo của Thương vụ cho biết Công ty hữu hạn cổ phần sản phẩm trái cây Hồng Cửu Trùng Khánh có tên tiếng Trung: 重庆洪九果品股份有限公司; tên tiếng Anh: Chongqing Hongjiu Fruit Co., Limited. Người đại diện của công ty là Jiang Zongying (tên tiếng Trung: 江宗英; tên tiếng Việt: Giang Tông Anh). Mã doanh nghiệp: 91500103742896264D. Website: www.hjfruit.com. Ngày đăng ký doanh nghiệp: 12/10/2002.

Hiện nay vụ việc chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng phía Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều cơ quan truyền thông chính thống Trung Quốc đã đưa tin tương đối rộng rãi và khá quan tâm đến vấn đề này do Công ty Hồng Cửu là doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực trái cây.

Trước tình hình này, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần theo dõi sát sao thông tin từ các cơ quan chức năng, báo chí chính thống Trung Quốc để cập nhật diễn biến liên quan. Đồng thời chủ động rà soát các hợp đồng, giao dịch và lô hàng có liên quan đến doanh nghiệp Trung Quốc đang bị điều tra; đề phòng rủi ro liên quan đến tài chính, thanh toán. Tìm hiểu kỹ thông tin, tình hình của đối tác dự kiến hợp tác, rà soát kỹ nội dung các thỏa thuận hợp tác để tránh rủi ro pháp lý, tài chính và ảnh hưởng đến uy tín, lợi ích doanh nghiệp.

Về phía Bộ Công Thương, sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để theo dõi sát diễn biến vụ việc và cập nhật thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp khi có diễn biến mới.

Cần trọng để tránh 'bẫy'

Có thể thấy, với chủ trương hội nhập sâu rộng, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá sẽ ngày càng có cơ hội phát triển khi hàng hoá đang được hưởng rất nhiều ưu đãi về thuế quan. Tuy nhiên, thương mại quốc tế càng phát triển thì các rủi ro liên quan đến thương mại càng nhiều.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, PGS. TS Nguyễn Thường Lạng, chuyên gia kinh tế và thương mại quốc tế, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường đại học Kinh tế Quốc dân - cho biết, trong những năm gần đây, những vụ lừa đảo quốc tế không hiếm và đã lan rộng ra khắp nơi. Nếu như trước đây, các vụ lừa đảo chỉ diễn ra nhiều ở khu vực châu Phi, Trung Đông thì nay đã lan ra cả các thị trường lớn và truyền thống như EU.

Các vụ lừa đảo hầu như đều xuất phát từ việc doanh nghiệp chưa tìm hiểu kỹ hoặc quá tin tưởng vào đối tác. Trong khi đó, nhiều đối tượng nước ngoài có sự lừa đảo khá tinh vi, khiến doanh nghiệp dễ dàng tin tưởng.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, để đảm bảo loại trừ 100% rủi ro trong giao thương quốc tế là không thể. Do đó, doanh nghiệp chỉ có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách nâng cao cảnh giác, tự bảo vệ chính mình. Bên cạnh đó, chủ động tạo mối quan hệ mật thiết với các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài để có được thông tin về các bạn hàng đáng tin cậy, đặc biệt là ở các thị trường quá xa mà doanh nghiệp ít tiếp xúc.

Đặc biệt, doanh nghiệp nên sớm làm quen với sử dụng dịch vụ tư vấn và dịch vụ pháp lý chuyên ngành. Coi các công ty tư vấn và pháp lý là người bạn đồng hành trong toàn bộ quá trình kinh doanh chứ không chỉ là tiếp cận họ khi xảy ra tranh chấp.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam – cho biết, qua các sự việc nêu trên, có thể nhận thấy Công ty HES rất sành sỏi thị trường Việt Nam và nắm được các điểm yếu của các nhà xuất khẩu Việt Nam trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng để lợi dụng ép giá khi mua, ép đền bù giao hàng chậm, khiếu kiện chất lượng, yêu cầu cho thanh toán chậm với thời hạn rất lâu…

Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gia vị Việt Nam khi giao dịch với đối tác khách hàng nói chung kể cả Công ty HES trong thời gian tới cần hết sức thận trọng trong giao dịch, ký hợp đồng mua bán với đầy đủ các điều khoản xử lý tranh chấp, thanh toán, đặc biệt là việc xử lý khi giao hàng chậm, cân nhắc khi chấp nhận bán hàng với giá thấp nhưng yêu cầu chất lượng cao (dẫn đến khó cung cấp đủ số lượng theo yêu cầu với chất lượng cao, giá rẻ) để tránh lặp lại những vướng mắc phát sinh điển hình như trên trong thời gian qua đã xảy ra.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đảm bảo thực hiện đúng hợp đồng, tôn trọng cam kết hợp đồng, giao hàng đúng hạn để tránh rủi ro có thể phát sinh về sau. Đồng thời, cần tiếp tục nâng cao trau dồi nghiệp vụ giao dịch thương mại quốc tế. Khi cần có thể liên hệ Hiệp hội để hỗ trợ.

Các chuyên gia cũng cho rằng, trong quá trình thực hiện các giao dịch thương mại quốc tế, doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng đến việc xác minh đối tác, chắn chắn trong các điều khoản hợp đồng, hình thức thanh toán... để tránh 'bẫy'.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết