A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển công nghiệp thời chiến: Xây nền kinh tế, chi viện tiền tuyến

Đạn bom dội lửa miền Bắc, ngành công nghiệp kiên cường bước vào cuộc chiến mới: Dựng xây cơ sở xã hội chủ nghĩa, chi viện cho tiền tuyến miền Nam.

Miền Bắc- lao động sản xuất, chi viện cho miền Nam

Trong chiến tranh phá hoại, các xí nghiệp công nghiệp và hệ thống giao thông vận tải huyết mạch là những mục tiêu hàng đầu của địch. Theo thống kê, hầu hết các khu công nghiệp, 100% các nhà máy điện, có 345 xí nghiệp bị đánh phá nặng nề (cuộc chiến tranh phá hoại lần đầu có 225 xí nghiệp và lần thứ hai có 120 xí nghiệp).

Đứng trước một thử thách khắc nghiệt, sản xuất công nghiệp vừa xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, vừa chi viện cho miền Nam, phục vụ sự nghiệp thống nhất đất nước.

Từ tháng 6/1966, Nhà máy cơ khí Hà Nội đã di chuyển an toàn gần 1.500 tấn phương tiện, thiết bị đến 16 địa điểm lên Hà Bắc (nay là Bắc Ninh và Bắc Giang). Nhà máy Dệt 8-3 với hơn 7.000 công nhân đã phân tán ra nhiều địa điểm nhưng vẫn duy trì sản xuất liên tục. Các đơn vị sản xuất trọng điểm khác như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Nhà máy Gỗ Cầu Đuống, Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Xí nghiệp dược phẩm 1,2, Nhà máy in Tiến Bộ... có hàng chục nghìn công nhân viên chức cùng người thân được sơ tán ra khỏi nội thành.

Trong cuộc chiến vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu, các cơ sở công nghiệp và thương mại thành lập các đội tự vệ, sẵn sàng đương đầu với các cuộc tập kích đường không, bảo đảm các điều kiện cho hoạt động sản xuất thời chiến.

Nhập Đội tự vệ xưởng Luyện cốc - Công ty Gang thép Thái Nguyên chiến đấu bảo vệ Khu Gang thép. Ảnh tư liệu

Đội tự vệ xưởng luyện cốc - Công ty Gang thép Thái Nguyên chiến đấu bảo vệ Khu Gang thép. Ảnh tư liệu

Đơn cử như Khu Gang thép Thái Nguyên, những năm tháng ấy đã thành lập lực lượng tự vệ ở tất cả các cơ quan, đơn vị. Các đơn vị tự vệ được trang bị súng phòng không, sau này còn có pháo cao xạ 37mm, góp phần cùng Bộ đội chính quy Trung đoàn 256 - Quân khu Việt Bắc giăng lưới lửa khi máy bay địch đánh phá Thái Nguyên, tấn công Nhà máy.

Từ năm 1966 đến cuối năm 1972, trước quân địch, công nhân, đội “tự vệ thép” với khẩu hiệu: “ Bám máy, bám lò” sẵn sàng “ đổi máu lấy thép” đã di chuyển phân xưởng, dây chuyền ra khỏi mục tiêu, vừa sản xuất, vừa anh dũng chiến đấu. Những mẻ gang vẫn ra lò đi khắp mọi miền Tổ quốc.

Đối với công nghiệp nhẹ - ngành hàng sản xuất hàng tiêu dùng cũng nằm trong số mục tiêu phá hoại của địch. Khi đó, những đôi tay mềm mại quen nối chỉ, xe sợi, cầm thoi, dệt vải… của chị em công nhân Nhà máy Dệt 8-3 đã buộc phải cầm súng. Hệ thống phòng không được triển khai nhanh chóng. Từ các cửa phân xưởng, hệ thống hào giao thông được xây bằng gạch chắc chắn, đường hào chữ chi chạy xung quanh nhà máy; khi có báo động, công nhân xách súng chạy theo hào giao thông đến trận địa. Năm 1966, nhà máy tổ chức được một tiểu đoàn tự vệ gồm 5 đại đội, 134 trung đội, 2 tiểu đội trực thuộc; bộ phận hành chính tổ chức các đội công binh, hóa học, cứu sập, cứu thương, thông tin liên lạc…

Phối hợp với trận địa cao xạ của Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô, tự vệ nhà máy bố trí lưới lửa theo hai tuyến: tuyến trên cao gồm 8 tổ súng trường, 2 đại liên, 1 trung liên, đặt trên nóc phân xưởng đay, sợi, dệt. Tuyến mặt đất gồm 7 tổ, bố trí trận địa ở phân xưởng Nhuộm, Thoi suốt, Cơ khí. Đội hình chiến đấu hiệp đồng chặt chẽ với trận địa của Nhà máy Cơ khí Mai Động, Nhà máy Kẹo Hải Châu, Nhà máy Xay Lương Yên, tạo thành lưới lửa phía Đông Nam thành phố…

Bền bỉ khôi phục công nghiệp, vươn lên sau chiến tranh

Công cuộc khôi phục đang tiến hành được 3 năm thì vào giữa năm 1972 lại bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai. Tuy chiến tranh phá hoại lần này chỉ kéo dài chưa đầy 1 năm, nhưng mức độ hủy diệt của nó bằng cả 4 năm của lần trước cộng lại.

Ngay khi chiến tranh leo thang vừa chấm dứt, ngày 23/1/1973 ký tắt Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, thì ngày 24/1/1973, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị số 200-CT/TW, yêu cầu mỗi cấp chính quyền và ngành kinh tế phải nắm chắc, giải quyết nhanh và có hiệu quả các vấn đề về ổn định sản xuất (Văn kiện Đảng toàn tập, tập 34).

Những chiếc lốp xe đạp vừa được tháo ra từ khuôn hấp của dây chuyền sản xuất mới của Nhà máy Cao su Sao Vàng Hà Nội tháng 10/1974
Dây chuyền sản xuất của Nhà máy Cao su Sao Vàng Hà Nội tháng 10/1974. Ảnh tư liệu

Công cuộc khôi phục và phát triển công nghiệp lần này tập trung vào một số ngành cơ bản như các ngành sản xuất vật liệu xây dựng và năng lượng; phát triển các ngành cơ khí chế tạo xà lan, tầu kéo, sửa chữa ô tô, xe máy phục vụ cho khôi phục giao thông vận tải; sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Ngoài ra, đẩy mạnh các ngành khai thác cá, muối, nước mắm...

Vốn đầu tư xây dựng cơ bản công nghiệp trong 3 năm (1973-1975) 3 tỷ đồng, gấp hơn 1,2 lần so với tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của 6 năm trước (1965-1971); Những ngành đã thực hiện khôi phục và cải tạo tốt là điện, than, vật liệu xây dựng, cơ khí sửa chữa và đóng mới phương tiện vận tải, sản xuất phụ tùng phụ kiện cho khôi phục và phát triển kinh tế.

Nhờ đẩy nhanh tốc độ khôi phục, cải tạo và xây dựng mới, cơ sở vật chất - kỹ thuật và năng lực sản xuất của ngành công nghiệp miền Bắc năm 1975 chẳng những đã được khôi phục mà còn tăng lên đáng kể, không những chỉ thay đổi về lượng mà còn có thay đổi về chất.

Theo Cục Thống kê, thời kỳ 1955 -1975, Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) nhằm phấn đấu xây dựng bước đầu cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, thực hiện một bước công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của các ngành kinh tế quốc dân. Trước hết là các ngành công nghiệp và nông nghiệp. Năm 1975, GDP bình quân đầu người đạt 232 đồng, tương đương 80 USD.

Sản xuất công nghiệp từng bước được khôi phục và phát triển với đường lối công nghiệp hóa, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp được phục hồi và xây dựng. Năm 1975, giá trị tổng sản lượng công nghiệp đạt 4.175,4 tỷ đồng, gấp 13,8 lần năm 1955; bình quân năm trong giai đoạn 1956 -1975 tăng 14%/năm.

 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết