Phát triển kinh tế tư nhân, bừng sáng khát vọng kỷ nguyên thịnh vượng tự cường
Trong bài viết "Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng", Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra những định hướng chiến lược sâu sắc, tiếp nối tư duy đổi mới nhất quán và tầm nhìn xuyên suốt của Đảng về vai trò của kinh tế tư nhân trong công cuộc xây dựng đất nước độc lập, tự chủ, tự cường và hội nhập sâu rộng. Từ nền tảng 40 năm đổi mới, bài viết đã khẳng định kinh tế tư nhân là một trong những động lực đột phá, mở ra kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ của doanh nghiệp Việt Nam, góp phần định hình tương lai của nền kinh tế nước nhà.
![]() |
Ảnh minh họa |
Đột phá chiến lược của nền kinh tế tự chủ, tự cường
40 năm đổi mới là hành trình lịch sử ghi dấu những bước tiến ngoạn mục của nền kinh tế Việt Nam, minh chứng cho đường lối phát triển đúng đắn dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong tiến trình ấy, khu vực kinh tế tư nhân không chỉ được công nhận là một bộ phận cấu thành quan trọng mà còn dần khẳng định vai trò là động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam luôn cao gấp đôi mức trung bình của các quốc gia đang phát triển, một phần lớn nhờ sự năng động và sáng tạo của doanh nghiệp tư nhân.
Từ Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (năm 2011) đến Nghị quyết số 10-NQ/TW của Trung ương (năm 2017), Đảng ta đã nhất quán xác định: Phát triển kinh tế tư nhân là chiến lược, chính sách lâu dài của quốc gia. Các nghị quyết này không chỉ mở đường mà còn tạo lập hành lang pháp lý vững chắc cho sự phát triển của khu vực này. Quan điểm “mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” đã được luật hóa, thực thi đồng bộ và ngày càng đi vào chiều sâu trong quản trị quốc gia.
Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết tiếp tục nhấn mạnh tinh thần cải cách đó khi khẳng định: “Phát triển kinh tế tư nhân là đòn bẩy quan trọng để Việt Nam hiện thực hóa khát vọng phát triển thịnh vượng”. Sự hiện diện ngày càng rõ nét của các doanh nghiệp tư nhân trong các lĩnh vực chiến lược, từ công nghệ cao, logistics, nông nghiệp thông minh đến chuyển đổi số và xuất khẩu, đã góp phần hình thành một nền kinh tế năng động, hiện đại và hội nhập.
Thực tế cho thấy, phần lớn doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện nay thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Tuy nhiên, không vì quy mô nhỏ mà bị giới hạn về khát vọng. Thế hệ doanh nhân Việt Nam bản lĩnh, sáng tạo, tràn đầy nhiệt huyết kinh doanh và lòng yêu nước đang từng ngày vươn lên, khẳng định vai trò tiên phong trong kiến tạo giá trị, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số và đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D).
Đã có không ít doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trở thành những tên tuổi có năng lực cạnh tranh toàn cầu, làm chủ công nghệ và hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng quốc tế. Điển hình như Tập đoàn Vingroup với dấu ấn với VinFast toàn cầu, Tập đoàn FPT tiên phong trong xuất khẩu phần mềm và chuyển đổi số, Tập đoàn Hòa Phát giữ vị trí số một trong sản xuất thép, hay Tập đoàn Masan chiếm lĩnh lĩnh vực tiêu dùng - chế biến thực phẩm.
Ngoài ra, những doanh nghiệp như Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji, Tập đoàn Thành Công, Tập đoàn THACO, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tập đoàn Hoa Sen, Công ty CP Ô tô Trường Hải, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình hay Công ty CP Hàng không Vietjet... đều là những ví dụ tiêu biểu cho sự chuyển mình của khu vực tư nhân Việt Nam trong nhiều ngành nghề chiến lược, từ sản xuất công nghiệp, tài chính, năng lượng đến xây dựng và vận tải hàng không.
Cùng với đó, các tập đoàn kinh tế Nhà nước như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel)... tiếp tục được củng cố mạnh mẽ, đóng vai trò chủ lực trong các ngành then chốt, tạo nền tảng để kinh tế tư nhân có thể kết nối, hợp tác và phát triển bền vững hơn.
Khơi thông nguồn lực, kiến tạo vị thế
Một quốc gia muốn phát triển bền vững không thể dựa vào một động cơ duy nhất. Kinh tế tư nhân cùng với kinh tế Nhà nước và kinh tế tập thể là tập hợp nòng cốt để xây dựng nền kinh tế tự chủ, tự lực, tự cường. Điều này đòi hỏi sự liên kết và cộng hưởng giữa các khu vực kinh tế, đồng thời, một cơ chế điều hành vĩ mô công bằng, minh bạch là điều kiện tiên quyết.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ: Cần xóa bỏ mọi rào cản, minh bạch hóa chính sách, loại bỏ lợi ích nhóm trong hoạch định chính sách và phân bổ nguồn lực, không phân biệt đối xử giữa khu vực kinh tế tư nhân với doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đây chính là thông điệp mạnh mẽ cho một môi trường kinh doanh thực sự công bằng - nơi mà mọi doanh nghiệp đều có cơ hội phát triển dựa trên năng lực, sáng tạo và trách nhiệm xã hội.
Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hiện đại, năng động và hội nhập, kết hợp hài hòa giữa hiệu quả kinh tế và công bằng xã hội. Đảng ta chủ trương ưu tiên xây dựng các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời nâng đỡ thành phần kinh tế hộ, kinh tế hợp tác.
Trong bối cảnh sự phát triển chưa từng có của khoa học công nghệ và môi trường quốc tế đầy biến động - vừa hợp tác, vừa đấu tranh - các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam càng cần được thúc đẩy, hỗ trợ để hội nhập sâu rộng hơn nữa vào kinh tế toàn cầu, nâng cao vị thế kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời bảo vệ mình trước những rủi ro ngày càng phức tạp của thương mại, tài chính và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Không dừng lại ở việc hỗ trợ khởi nghiệp và đầu tư ban đầu, Nhà nước và xã hội cần khuyến khích doanh nghiệp tư nhân mạnh dạn đầu tư, đổi mới sáng tạo và tham gia vào các lĩnh vực kinh tế có tính chiến lược. Đây chính là những “bàn đạp” để phát triển kinh tế tư nhân trên nền tảng bền vững, có đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.
Nếu như trong thời kỳ đổi mới, đội ngũ doanh nhân dũng cảm “bơi ra biển lớn” trong bối cảnh thiếu hụt cả về thể chế lẫn nguồn lực, thì hôm nay, thế hệ doanh nhân Việt Nam đang gánh vác sứ mệnh xây dựng nên một Việt Nam năng động, độc lập, tự chủ, tự cường và phát triển thịnh vượng.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Cần thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới như là xương sống cho sự chuyển hóa mô hình tăng trưởng kinh tế. Những nỗ lực ấy không chỉ góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, mà còn là minh chứng cho tầm nhìn dài hạn của đất nước trong kỷ nguyên hội nhập.
Muốn hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, cần xác định rõ kinh tế tư nhân là đòn bẩy chiến lược. Đồng thời, phải tạo dựng hành lang pháp lý và chính sách đồng bộ để khu vực tư nhân thực sự trở thành động lực đột phá, mở ra kỷ nguyên vươn mình của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành - đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư - sẽ là chìa khóa để khai phóng toàn bộ tiềm năng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong xã hội.
Tư duy đổi mới, chiến lược phát triển và tầm nhìn của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết "Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng" là sự kế thừa và phát triển sâu sắc những chủ trương nhất quán của Đảng trong suốt 40 năm qua. Kinh tế tư nhân không chỉ là một khu vực kinh tế mà còn là biểu tượng cho tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới và khát vọng vươn lên của dân tộc.
![]() |
Với một thế hệ doanh nhân bản lĩnh, một môi trường chính sách minh bạch và sự lãnh đạo kiên định của Đảng, kinh tế tư nhân chắc chắn sẽ là động lực then chốt đưa Việt Nam tiến nhanh hơn, vững chắc hơn trên hành trình trở thành quốc gia phát triển, thịnh vượng và hùng cường.