A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làm mọi cách để hàng Việt xuất khẩu lách qua ‘khe cửa hẹp’

Các hiệp hội ngành hàng, cơ quan quản lý đang có một loạt hoạt động cấp tập nhằm tìm kiếm giải pháp bằng mọi cách để hàng Việt xuất khẩu lách qua “khe cửa hẹp” trước việc Mỹ bắt đầu áp thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Điều kỳ vọng là các doanh nghiệp Việt sẵn sàng thích ứng trước biến động mới này.

Với sự hỗ trợ của Thương vụ Việt Nam tại Singapore, vào ngày 9/4, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Tp.HCM (ITPC) cùng với Sở Công Thương Tp.HCM đã tổ chức chương trình kết nối trực tiếp giữa các doanh nghiệp (DN) ở Tp.HCM với các các nhà mua hàng, nhà nhập khẩu, nhà phân phối của Singapore và quốc tế lớn tại Singapore.

Những việc nên làm ngay

Việc kết nối giao thương ở thị trường gần nhưng cực kỳ triển vọng như Singapore là rất cần thiết trong lúc này, như một cách chuyển hướng thị trường khi mà Mỹ bắt đầu áp thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam từ ngày 9/4. Nhất là thông qua kết nối như vậy sẽ giúp các DN Việt hợp tác phát triển quan hệ thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu (XK) để giảm thiểu tác động tiêu cực trong thời gian tới.

-4089-1744191457.png

Đẩy mạnh các hoạt động kết nối giao thương với nhà thu mua quốc tế sẽ giúp hàng Việt mở rộng thị trường XK và giảm thiểu tác động tiêu cực từ việc Mỹ bắt đầu áp thuế đối ứng 46%.

Phía ITPC cho biết đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN, khuyến khích chuyển sang các thị trường khác nhiều tiềm năng hơn như thị trường Halal (các quốc gia theo Hồi giáo), thị trường ngách và các thị trường mới nổi khác thông qua việc tham gia các hội chợ quốc tế. 

Cùng ngày, UBND Tp.HCM đã tổ chức một hội thảo để bàn giải pháp trước tác động chính sách thuế quan mới của Mỹ. Tại hội thảo này, Ts. Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM, đã khuyến nghị cần đa dạng hóa thị trường, tăng cường hợp tác quốc tế và tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đang thực thi. 

Ông Vũ gợi mở việc tận dụng các FTA mà Việt Nam có với các quốc gia Trung Đông (CEPA, VIFTA) để mở rộng giao thương đến thị trường này. Đồng thời, cần phát triển chuỗi cung ứng nội khối ASEAN - RCEP - CPTPP; mở rộng hợp tác với Mexico, Canada để tận dụng hiệp định thương mại Mỹ - Mexico - Canada, mở kênh XK gián tiếp qua Mỹ.

Cũng trong ngày 9/4, tại Tp.HCM, các DN dệt may đã được quy tụ để bàn thảo về việc ngành dệt may đối mặt những thay đổi lớn trong quy định, chính sách. Đặc biệt là vấn đề thị trường dệt may trước rủi ro chiến tranh thương mại 2.0. 

Thông qua cuộc bàn thảo này, nhiều ý kiến cho rằng các DN cần đa dạng hóa thị trường, XK dệt may vẫn có thể duy trì đà tăng trưởng nếu có chiến lược đúng đắn.

Bên cạnh đó, dấu hỏi cũng được đặt ra là liệu DN dệt may đã sẵn sàng thích ứng trước những chính sách mới? Theo giới chuyên gia, trong bối cảnh chính sách thuế quan mới nhất từ Mỹ, thị trường XK đang tác động trực tiếp đến ngành dệt may Việt Nam, điều này bắt buộc các DN phải chuyển mình mạnh mẽ – từ công nghệ, nguyên liệu đến việc thích ứng với chính sách mới.

Và đây là thời điểm mà các DN dệt may nên cùng nhau kiến tạo tầm nhìn, đưa ra những giải pháp sáng tạo, vượt qua những thách thức về thuế quan để lách qua các “khe cửa hẹp”.

Ngoài ra, như nhấn mạnh của ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), trước xu hướng chuyển đổi xanh và số hóa, đòi hỏi các DN chuẩn bị kỹ lưỡng để đáp ứng yêu cầu của thị trường và tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. 

Còn theo ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI-HCM, những thách thức mà ngành dệt may đang đối mặt như thiếu hụt lao động, biến động đơn hàng và các rào cản thương mại mới.  Để vượt qua những khó khăn này, các DN dệt may cần đẩy mạnh liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ, tự động hóa và xanh hóa nhà máy từ nguyên liệu, nhiên liệu, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.

Không nên quá bi quan

Ở một diễn biến khác, trong thông báo mới nhất được Hiệp hội Hồ tiêu gia vị Việt Nam (VPSA) đưa ra hôm 9/4 đã trấn an với bà con nông dân trồng hồ tiêu là không cần quá bi quan trước việc Hoa Kỳ áp thuế 46% đối với hồ tiêu và gia vị. 

Phía VPSA đã khuyến nghị bà con nông dân về ngắn hạn, tiếp tục duy trì sản xuất ổn định diện tích, chăm sóc vườn đúng kỹ thuật. Không bán vội, bán tháo, không tin những tin đồn thất thiệt, nếu có điều kiện, nên đăng ký các tiêu chuẩn canh tác bền vững (RA, Organic…) để tăng giá trị sản phẩm. Bà con có thể liên hệ với đại diện các DN xuất khẩu uy tín hoặc HTX để được hỗ trợ về thu mua và giá cả.

“Trong thời điểm hiện tại giá có thể giảm do Hoa Kỳ và một số nước yêu cầu hạn chế giao hàng. Tuy nhiên trong 1-2 tháng tới là do nông dân quyết định, nếu bán thì nên bán vừa đủ nhu cầu cần tiền chứ không bán ồ ạt vì khi giá tăng trở lại thì lại không còn hàng để bán”, VPSA đưa ra lời khuyên.

Còn về dài hạn, theo VPSA, từ giờ đến cuối năm thì cung cầu vẫn là yếu tố quyết định. Hoa Kỳ có đánh thuế Việt Nam hay không thì thế giới vẫn thiếu hàng và giá có thể tăng trở lại trong thời gian tới. Giờ là lúc người nông dân cần bình tĩnh.  

“Chính phủ, Bộ Ngành và DN/nhà XK cũng đang nỗ lực tìm kiếm thêm các thị trường mới để đa dạng hóa thị trường trong tương lai và để hỗ trợ việc tiếp tục XK được bền vững thì người dân cố gắng đồng hành ủng hộ Chính phủ để giữ thị trường không biến động quá lớn”, VPSA nêu rõ.

Mặt khác, hiệp hội này có lời khuyên cho các DN là cần chủ động và tập trung mạnh hơn nữa để tăng cường chế biến sâu. Hơn nữa, các DN cần chuyển dịch dần khỏi XK thô, đa dạng thị trường, giảm phụ thuộc vào một thị trường lớn, tránh bị ép giá lúc cao điểm. Minh bạch chuỗi sản xuất cung ứng, tránh việc nước thứ 3 mượn Việt Nam là nơi tránh thuế quan như trước đây.

Còn trong công văn mới đưa ra từ Cục Thuỷ sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) về việc tăng cường chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thuỷ sản trong bối cảnh Hoa Kỳ công bố sơ bộ mức thuế nhập khẩu đối ứng với Việt Nam, có đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường các tỉnh, thành phố ven biển và các tỉnh, thành phố nội đồng vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan tại địa phương thực hiện ngay việc tổ chức liên kết sản xuất để giảm khâu trung gian, phối hợp và hỗ trợ các DN chế biến tăng sản lượng thu mua và tạm trữ nguyên liệu trong thời gian thị trường XK vào Hoa Kỳ chưa được đàm phán mức áp thuế phù hợp, tạo điều kiện cho DN đẩy nhanh giao hàng trong 1-3 tháng tới.

Có thể thấy một loạt hoạt động cấp tập của các hiệp hội ngành hàng, cơ quan quản lý như kể trên nhằm tìm kiếm giải pháp bằng mọi cách để hàng Việt XK lách qua “khe cửa hẹp” là rất cần thiết trong lúc này. Điều quan trọng là bản thân các DN Việt cũng phải “tự thân vận động” và không nên quá bi quan để thích ứng tốt hơn trước cú sốc thuế quan trong thời gian tới.

                                                                                          Thế Vinh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết