A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thúc đẩy phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu

Sáng 10/4, Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 tại TP Hồ Chí Minh (HCMC C4IR) phối hợp Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh (HUTECH) - thành viên sáng lập HCMC C4IR tổ chức Hội nghị khoa học quốc tế “Các giải pháp xanh và công nghệ mới nổi cho sự phát triển bền vững” lần thứ 2 - năm 2025 (GSETS 2025).

Hội nghị có sự tham gia của gần 300 đại biểu với hơn 170 bài báo, 7 báo cáo ở phiên toàn thể và hơn 40 báo cáo tại các tiểu ban được trình bày và thảo luận tại 2 phiên toàn thể, 3 phiên song song và 1 phiên poster. Nội dung thảo luận xoay quanh các chủ đề: Vật liệu tiên tiến và các công nghệ sản xuất xanh; các giải pháp và công nghệ phát triển bền vững; khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo cho phát triển bền vững.

Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên ngày càng gia tăng, phát triển bền vững không chỉ là một lựa chọn, mà đã trở thành yêu cầu tất yếu; không chỉ là định hướng chiến lược mà còn là nền tảng cốt lõi để kiến tạo một tương lai thịnh vượng, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và tiến bộ xã hội.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng đánh giá cao chủ đề hội nghị, không chỉ phù hợp với xu thế toàn cầu mà còn bám sát tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan phát biểu

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan phát biểu (Ảnh: Ngô Tùng)

Theo đồng chí Võ Văn Hoan, trong định hướng phát triển đô thị hiện đại và bền vững, TP Hồ Chí Minh đã xác lập một chiến lược rõ ràng, mạnh mẽ trong việc thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đặc biệt trong đó là việc thành lập Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 tại TP Hồ Chí Minh (HCMC C4IR).

“Trung tâm được kỳ vọng là điểm kết nối giữa Việt Nam với mạng lưới chuyên gia, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế trong hệ sinh thái của WEF nhằm thúc đẩy nghiên cứu chính sách, chuyển giao công nghệ và phát triển các động lực tăng trưởng mới cho thành phố cũng như cả nước”, đồng chí Võ Văn Hoan nói.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Hội nghị GSETS 2025 chính là cầu nối thiết thực để các bên cùng trao đổi, chia sẻ và kết nối nhằm thúc đẩy các giải pháp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và tạo nền tảng cho một nền kinh tế tuần hoàn, carbon thấp.

Đồng chí cũng tin tưởng Hội nghị GSETS 2025 sẽ là chất xúc tác quan trọng, góp phần tăng cường tính kết nối đa ngành, đa bên, thúc đẩy sự hợp tác giữa các trung tâm nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước trong tiến trình xây dựng mô hình phát triển bền vững, sáng tạo và nhân văn.

Nghi thức ra mắt tạp chí

Nghi thức ra mắt Tạp chí "Materials and Emerging Technologies for Sustainability" (Tạp chí METS) (Ảnh: Ngô Tùng)

Dịp này, Đại học HUTECH và Nhà xuất bản World Scientific cũng cho ra mắt Tạp chí "Materials and Emerging Technologies for Sustainability" (Tạp chí METS) nhằm giới thiệu những thành tựu nghiên cứu, những phát hiện mới của đội ngũ học giả và các nhà khoa học trên toàn thế giới.

Theo TS Kiều Xuân Hùng, Chủ tịch Hội đồng Trường HUTECH, Tạp chí METS là cầu nối tri thức giữa hoạt động giảng dạy - nghiên cứu của HUTECH và cộng đồng khoa học thế giới, qua đó góp phần vào việc phát triển nền khoa học thế giới và giải quyết các vấn đề cấp bách của xã hội.

Vị này tin rằng, Tạp chí METS sẽ sớm trở thành một tạp chí quốc tế uy tín, là điểm đến tin cậy cho nhiều công trình khoa học uy tín, tầm cỡ, có sức lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ đến cộng đồng khoa học thế giới.

Tạp chí METS quy tụ gần 20 thành viên là các chuyên gia, nhà khoa học đến từ nhiều nước trên thế giới như: Úc, Hoa Kỳ, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia và Trung Quốc; là diễn đàn khoa học, chia sẻ những thành tựu nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của đội ngũ học giả, nhà khoa học của Việt Nam và thế giới.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết