A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đất nước vững bước tiến vào Kỷ nguyên vươn mình

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Dưới sự ủng hộ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của Tổng Bí thư Tô Lâm, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cam kết nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng và trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Nhân dân; cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2025, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế, tạo niềm tin, tạo hy vọng, tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước vững bước tiến vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc.

Kinh tế phục hồi rõ nét

Theo Báo cáo về đánh giá tình hình, kết quả phát triển KTXH năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển KTXH năm 2025, nền kinh tế đã khẳng định sự phục hồi rõ nét, là điểm sáng về tăng trưởng và thuộc nhóm nước tăng trưởng cao trên thế giới; tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) được kiểm soát, nợ công, nợ Chính phủ thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu cho phép.

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý sau cao hơn quý trước; GDP năm 2024 ước tính tăng 7,09% so với năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của các năm 2018, 2019 và 2022 trong giai đoạn 2011-2024.

Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới và được nhiều tổ chức quốc tế khác đánh giá cao.

Khu vực nông, lâm, thủy sản duy trì đà tăng khá, khu vực công nghiệp phục hồi tích cực trở lại, tốc độ tăng giá trị tăng thêm năm 2024 ước đạt 8,32%, chỉ thấp hơn năm 2019 trong giai đoạn 2019-2024, đóng góp 2,70 điểm % vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế . Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực quan trọng, dẫn dắt tăng trưởng kinh tế.

Các hoạt động thương mại, du lịch duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ năm 2024 tăng 7,38%, cao hơn tốc độ tăng 6,91% của năm 2023.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 tăng 9,0%, đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Khách quốc tế năm 2024 đạt gần 17,6 triệu lượt người, tăng 39,5% so với năm trước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, năm 2024, tình hình kinh tế -xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi rất tích cực, đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 12/15 chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Nỗ lực của địa phương

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đạt tốc độ tăng trưởng 7,17% năm 2024; thu ngân sách khoảng 508.000 tỷ đồng. Năm 2025, thành phố xác định là năm tăng tốc để về đích và phấn đấu hoàn thành đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu về KTXH, chuẩn bị kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bước vào nhiệm kỳ mới cũng với mục tiêu tăng trưởng 2 con số. Thành phố nghiêm túc thực hiện tổ chức, sắp xếp bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương; triển khai quy hoạch thành phố đã được Thủ tướng phê duyệt ngay trong năm 2025 để triển khai các dự án trọng điểm gắn với triển khai trung tâm tài chính quốc tế cũng như là các dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, vành đai 4 và đường sắt đô thị...

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, năm 2024, thành phố đã hoàn thành 23/24 chỉ tiêu Kế hoạch phát triển KTXH; tăng trưởng đạt 6,52% (năm 2023 là 6,27%). Quy mô GRDP đạt gần 59 tỷ USD, GRDP bình quân đầu người đạt gần 6.500 USD. Nhiều công trình, dự án của thành phố đã được khánh thành, được khởi công chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô… Bên cạnh đó, TP. Hà Nội đang quyết liệt thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường với tinh thần triệt để, thực chất, toàn diện.

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, năm 2025 là năm có ý nghĩa rất quan trọng đối với TP. Hà Nội và thành phố xác định 325 nhiệm vụ và kế hoạch. Tin tưởng vào sự lãnh đạo của Trung ương, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thủ đô sẽ tập trung quyết liệt chỉ đạo các giải pháp tăng tốc, bứt phá để đạt mục tiêu phát triển cao nhất.

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, năm 2024, tỉnh thực hiện đạt và vượt 21/23 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, tăng trưởng GRDP đạt 10,04%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới...

Tuy nhiên, Trà Vinh vẫn còn 2 vấn đề khó khăn, hạn chế lớn: Kinh tế tăng trưởng cao, nhưng chưa bền vững; cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông chưa thật sự đồng bộ. Năm 2025, Trà Vinh đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 7-7,5% (phấn đấu 8%).

Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn báo cáo, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt 8,02%, cao nhất khu vực Tây Nguyên.

Năm 2025, Kon Tum tập trung chuẩn bị các điều kiện cần thiết cùng với tăng cường thu hút đầu tư, nhất là hợp tác công tư để phát triển mạnh mẽ hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, kết nối Kon Tum với các địa phương trong khu vực và cả nước, như: Tuyến cao tốc Kon Tum - Quảng Ngãi; Cảng hàng không Măng Đen. Thu hút nguồn lực nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là các ngành có lợi thế như phát triển du lịch, nông, lâm nghiệp, cây công nghiệp dài ngày, dược liệu, nhất là Sâm Ngọc Linh; hình thành các nhà máy chế biến nông lâm sản, dược liệu.

Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong chia sẻ, mặc dù còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là bị ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão số 3 (Yagi)  nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực nên KTXH của Lào Cai vẫn tăng trưởng 7,38%, thu ngân sách đạt gần 13 nghìn tỷ đồng, cao hơn 40% so với kế hoạch được giao; giải ngân vốn đầu tư công đạt 120% kế hoạch.

Năm 2025, Lào Cai sẽ tập trung, ưu tiên phát triển kinh tế với mục tiêu cao để phấn đấu với kịch bản tăng trưởng hai con số, quyết liệt để chuyển đổi số, cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, sắp xếp bộ máy và chống lãng phí.

Quyết tâm thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2025

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tập thể Chính phủ cam kết nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng và trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Nhân dân, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2025 với phương châm “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá”.

Để hoàn thành mục tiêu, Thủ tướng nêu rõ, năm 2025 là năm cuối của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, chúng ta phải rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ của cả 5 năm để phát huy, làm tốt hơn với những chỉ tiêu đã đạt và vượt; nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu chưa đạt để phấn đấu đạt mức cao nhất kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của năm 2025. Theo đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phấn đấu tăng trưởng ít nhất 8% hoặc cao hơn, Chính phủ sẽ rà soát, giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể về tốc độ tăng trưởng cho các bộ, ngành, địa phương. 

Xây dựng các kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); đồng thời tạo đột phá thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, lực lượng sản xuất mới, tiên tiến (như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chíp bán dẫn, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, điện toán đám mây, quang điện tử, y sinh học, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, năng lượng sạch...).

Xây dựng các chính sách tạo đột phá huy động các nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân (phấn đấu khu vực này đóng góp khoảng 65-70% GDP). 

Cùng với đó, triển khai hiệu quả tổng kết Nghị quyết số 18; đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”. 

Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây cũng là động lực mới, như “khoán 10” trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc triển khai đòi hỏi nỗ lực rất lớn, hành động quyết liệt với phương pháp, cách tiếp cận đúng. 

Tiếp tục quan tâm chăm lo cho người nghèo, người có công với cách mạng, người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Trong năm 2025, quyết tâm, quyết liệt xóa nhà tạm, nhà dột nát và xây dựng 100.000 căn nhà ở xã hội, cùng nhau đưa đất nước vững bước tiến vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Vân Nhi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết