A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Công Thương đề nghị tổng kết chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ

Bộ Công Thương vừa có văn bản về phối hợp cung cấp thông tin tổng kết Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ Công Thương vừa có văn bản 4756/BCT-PC ngày 30/6/2025 về việc phối hợp cung cấp thông tin tổng kết Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, văn bản gửi Bộ Tư pháp nêu rõ, trả lời Công văn 2965/BTP-PB&TG ngày 28/5/2025 của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn một số nội dung công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Theo đó yêu cầu các Bộ “Tổng kết Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025 (theo Quyết định 81/QĐ-TTg)”, Bộ Công Thương báo cáo cụ thể:

Hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025

Thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày 12/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 và Nghị định 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (gọi tắt là “Nghị định 55/2019/NĐ-CP”), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 81/QĐ-TTg ngày 19/1/2021 Phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là “Chương trình HTPLLN”), theo đó: “Bộ Tư pháp chủ trì tổ chức thực hiện Chương trình” và “Lựa chọn cơ quan, tổ chức và cá nhân thực hiện các hoạt động của Chương trình theo quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật về ngân sách nhà nước, Nghị định 55/2019/NĐ-CP và các quy định pháp luật có liên quan”.

Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đang bước vào giai đoạn tổng kết. Ảnh minh họa

Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đang bước vào giai đoạn tổng kết. Ảnh minh họa

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Công Thương đã có văn bản đề xuất nhu cầu thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành Công Thương từ nguồn của Chương trình HTPLLN nhưng không được lựa chọn tham gia thực hiện Chương trình HTPLLN theo Quyết định 81/QĐ-TTg.

Phối hợp với Bộ Tư pháp trong hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp 

Mặc dù, Bộ Công Thương không được giao nhiệm vụ cũng như kinh phí từ nguồn Chương trình HTPLLN, tuy nhiên trong giai đoạn 2021 đến nay Công Thương đã chủ động ban hành các Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thuộc ngành Công Thương, cụ thể: Quyết định 142/QĐ-BCT ngày 18/1/2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2021 của Bộ Công Thương; Quyết định 272/QĐ-BCT ngày 3/3/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2022 của Bộ Công Thương; Quyết định 204/QĐ-BCT ngày 9/2/2023 ban hành Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2023; Quyết định 1003/QĐ-BCT ngày 26/4/2024 ban hành Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024 của Bộ Công Thương; Quyết định 423/QĐ-BCT ngày 18/12/2025 của Bộ trưởng Bộ Công Thương Ban hành Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2025 của Bộ Công Thương.

Tại các Quyết định trên, Bộ Công Thương đã tích hợp nội dung “Phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động từng năm của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025” vào Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hằng năm để kịp thời phối hợp với Bộ Tư pháp khi có nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó, trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc tham gia tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật hằng năm.

Đồng thời, nhằm tổng kết việc thực hiện trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ trong triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Công Thương đã rà soát, tổng kết tình hình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Bộ Công Thương từ khi Nghị định 55/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 16/8/2019 cho đến nay và đã có Văn bản 3760/ВСТ-РC ngày 27/5/2025 gửi Bộ Tư pháp tổng hợp (xin gửi kèm theo).

Hạn chế, vướng mắc cùng đề xuất, kiến nghị

Qua 5 năm triển khai Chương trình HTPLLN cho thấy, các Bộ, cơ quan ngang Bộ (trừ Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV) không được tiếp cận kinh phí từ nguồn Chương trình HTPLLN tại Quyết định 81/QĐ-TTg.

Bên cạnh đó, qua kết quả khảo sát, Bộ Công Thương nhận thấy việc bố trí các nguồn lực cần thiết như nhân lực, tài chính thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên cả nước gặp nhiều khó khăn do quy định pháp luật về lập, dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ pháp lý chưa đầy đủ và chưa có cơ chế rõ ràng để thu hút, huy động các tổ chức, cá nhân tham gia và tài trợ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nghị định 55/2019/NĐ-CP đã được ban hành, nhưng chế độ tài chính cho công tác này tại các Bộ, ngành, địa phương không có cơ chế cấp, phân bổ để bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV, một số địa phương được phân bổ thì nguồn kinh phí cũng hạn hẹp chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.

Những hạn chế nói trên là một trong những nguyên nhân khiến nhiều Bộ ngành, địa phương chưa tích cực vào cuộc trong hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, chưa xây dựng chương trình, kế hoạch hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực và tại địa phương; các hoạt động thông tin pháp luật, trả lời vướng mắc pháp lý và tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp thông qua mạng lưới tư vấn viên pháp luật chưa thể triển khai đầy đủ theo quy định, chưa đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi thiết yếu của doanh nghiệp đối tượng thụ hưởng của công tác này.

Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị trong giai đoạn 2025 - 2030 cần rà soát, hoàn thiện cơ chế chủ trì, phối hợp trong tổ chức thực hiện Chương trình HTPLLN, trong đó đề nghị cần nâng cao hơn nữa vai trò của các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình HTPLLN để phù hợp tính chất liên ngành của Chương trình.

Để đảm bảo tính khả thi, tính hiệu quả khi sử dụng ngân sách nhà nước và đảm bảo nguồn kinh phí hàng năm cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của tất cả các cấp, các ngành theo quy định tại Nghị định 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đề nghị nghiên cứu, quy định rõ cơ chế cấp, phân bổ kinh phí cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp với cấp Trung ương và cấp địa phương, trên tinh thần vận động tối đa sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương đối với Chương trình HTPLLN và các Chương trình, Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết