Tỉnh Cà Mau mới có 64 phường, xã là “vựa tôm” cả nước
Theo dự thảo đề án sáp nhập tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu vừa được 2 địa phương thông qua, để thành tỉnh Cà Mau mới có 64 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 61% so với hiện nay và sẽ là “vựa tôm” của cả nước. Các dự thảo đề án đang được lấy ý kiến cử tri để chậm nhất ngày 1/5/2025 sẽ báo cáo Trung ương.
Cà Mau còn 4 phường, 35 xã
Chiều 16/4, UBND tỉnh Cà Mau hiện nay đã thông qua phương án dự kiến sắp xếp đơn vị cấp xã. Hiện tai tỉnh Cà Mau có 100 đơn vị hành chính cấp xã, sau sắp xếp còn 39 đơn vị cấp xã (4 phường, 35 xã), giảm 61%.
Cụ thể, thành phố Cà Mau từ 16 xã, phường còn 4 phường. Các huyện: Đầm Dơi từ 16 đơn vị cấp xã giảm còn 7 xã, Trần Văn Thời từ 13 đơn vị cấp xã giảm còn 5, Thới Bình từ 12 đơn vị cấp xã giảm còn 5 xã, Cái Nước từ 11 đơn vị cấp xã giảm còn 4 xã, Phú Tân từ 9 đơn vị cấp xã giảm còn 4 xã, Năm Căn từ 8 đơn vị cấp xã giảm còn 3, U Minh từ 8 đơn vị cấp xã giảm xuống còn 4 xã, Ngọc Hiển từ 7 đơn vị cấp xã giảm còn 3 xã.
Theo phương án dự kiến, thành phố Cà Mau còn lại 4 phường có tên là An Xuyên, Lý Văn Lâm, Tân Thành, Hoà Thành. Các huyện hiện nay sẽ có xã mang lại tên các đơn vị cấp huyện như: Dầm Dơi, Trần Văn Thời, Thới Bình, Cái Nước, Phú Tân, Năm Căn, U Minh. Riêng huyện Ngọc Hiển hiện nay sẽ có xã mới Phan Ngọc Hiển.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cho biết, Phan Ngọc Hiển là tên nhân vật lịch sử, nên đơn vị hành chính mới sẽ để đúng họ và tên thay vì đề Ngọc Hiển như trước nay.
Tỉnh Cà Mau cũng xây dựng phương án, lộ trình sắp xếp cán bộ, trụ sở làm việc đơn vị hành chính cấp xã mới để lấy ý kiến theo quy định, trước khi trình cấp thẩm quyền.
Bạc Liêu còn 4 phường, 20 xã
Ngày 15/4/2025, Tỉnh ủy Bạc Liêu họp đã thông qua phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Theo phương án, tỉnh Bạc Liêu hiện nay có 64 đơn vị hành chính cấp xã, sau sắp xếp sẽ còn 25 đơn vị cấp xã (5 phường, 20 xã), giảm 61%.
Cụ thể, thành phố Bạc Liêu từ 10 đơn vị hành chính cấp xã giảm còn 3 phường. Thị xã Giá Rai từ 10 đơn vị hành chính cấp xã giảm còn 2 phường và 1 xã. Các huyện: Đông Hải từ 11 đơn vị cấp xã giảm còn 5 xã, Hồng Dân từ 9 đơn vị cấp xã giảm còn 4 xã, Hòa Bình từ 8 đơn vị cấp xã giảm còn 3 xã, Phước Long từ 8 đơn vị cấp xã giảm còn 4 xã, Vĩnh Lợi từ 8 đơn vị cấp xã giảm còn 3 xã.
Đáng chú ý, thành phố Bạc Liêu hiện nay sau khi sáp nhập thành 3 phường đều mang tên. Các phường 1, 2, 3, 7, 8 sáp nhập thành phường mới có tên là Bạc Liêu. Phường 5 và xã Vĩnh Trạch sáp nhập thành phường Vĩnh Trạch. Các phường Nhà Mát, xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông sáp nhập thành phường Hiệp Thành.
Quảng trường Hùng Vương với cây đờn kìm nổi tiếng ở trung tâm tỉnh Bạc Liêu hiện nay thường diễn ra các lễ hội văn hóa thu hút du khách gần xa |
Hiện nay, đề án đang được lấy ý kiến cử tri để hoàn thiện, dự kiến ngày 28/4/2025 sẽ thông qua HĐND tỉnh, sau đó trình Trung ương vào đầu tháng 5.
Tỉnh Cà Mau là “vựa tôm” cả nước
Sau ngày thống nhất đất nước 1975, tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu được hợp nhất vào ngày 1/1/1976 với tên gọi Cà Mau - Bạc Liêu. Ðến năm 1976, tỉnh đổi tên thành Minh Hải. Ngày 6/11/1996, Quốc hội phê chuẩn tách tỉnh Minh Hải ra thành tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu.
Tỉnh Bạc Liêu nằm ven biển Đông, diện tích tự nhiên hơn 2.667 km2, dân số hơn 1 triệu người. Tỉnh Cà Mau có 3 mặt Đông-Nam-Tây giáp biển, diện tích hơn 5.300 km2, khoảng 1,2 triệu dân, với hệ sinh thái đa dạng mà điển hình là rừng ngập mặn.
Sau khi sáp nhập 2 tỉnh cũ thành tỉnh Cà Mau mới sẽ có sản lương tôm nuôi nước lợ lớn nhất nước ta và kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ cũng lớn nhất nước ta.
Mũi Cà Mau ở tỉnh Cà Mau với rừng ngập mặn đa dạng sinh học là vùng nuôi tôm nước lợ được nhiều thị trường ưa chuộng |
Theo báo cáo tổng kết của Sở NN&MT, năm 2024, tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi tôm nước lợ 278.615ha, lớn nhất nước ta.
Sản lượng tôm thu hoạch 242.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu 1,12 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau tỉnh Bạc Liêu.
Tại Cà Mau có nhiều loại hình nuôi như: Thâm canh, siêu thâm canh, quảng canh cải tiến, quảng canh kết hợp, tôm - lúa, tôm - rừng. Nuôi tôm quảng canh cải tiến 187.622ha; năng suất từ 500 - 550 kg/ha/năm. Nuôi tôm quảng canh kết hợp (tôm - cua - cá - sò huyết) khoảng 84.459ha; năng suất từ 300 - 350 kg/ha/năm. Nuôi tôm thâm canh 1.509ha; năng suất trung bình 5 tấn/ha/năm (tôm sú) và 8 tấn/ha/năm (tôm chân trắng). Nuôi tôm siêu thâm canh 5.025ha; năng suất trung bình 20,5 tấn/ha/năm.
Còn tỉnh Bạc Liêu, năm 2024, nuôi tôm nước lợ 132.663ha nhưng sản lượng thu hoạch 305.300 tấn và kim ngạch xuất khẩu 1,13 tỷ USD, đứng đầu cả nước.
Nhiều năm nay, tỉnh Bạc Liêu phấn đấu trở thành tỉnh phát triển công nghiệp tôm của đất nước, đã xây dựng được 5 vùng nuôi tôm công nghệ cao với diện tích 3.900ha, gồm nuôi siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh tập trung, ứng dụng công nghệ nuôi tiết kiệm nước, an toàn sinh học, giảm tối đa các tiêu cực từ việc xả thải, gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh.
Đồng thời, tỉnh có 6 doanh nghiệp đã được Bộ NN&MT, UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Khi sáp nhập thành tỉnh Cà Mau mới, có thể thấy, diện tích nuôi tôm của 2 tỉnh cũ cộng lại là 411.278ha; một năm sản lượng 547.300 tấn, kim ngạch xuất khẩu tôm 2,25 tỷ USD; chiếm phần lớn ngành tôm nước lợ cả nước.