A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khi nông dân huyện nghèo sản xuất, kinh doanh giỏi

Hàng ngàn hộ nông dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đam Rông đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất để vươn lên thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện, tỉnh và Trung ương.

Đam Rông là một huyện thuần nông mới được thành lập, có trên 73% là người dân tộc thiểu số, trình độ, kinh nghiệm phát triển kinh tế còn nhiều hạn chế, các mô hình kinh tế hiệu quả của huyện chưa nhiều. Để khắc phục những tồn tại hạn chế, giúp người dân có điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, trong những năm qua, Hội Nông dân huyện đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ, giúp đỡ nông dân về vốn, giống, khoa học kỹ thuật và công nghệ mới… tạo điều kiện giúp các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh phát triển.

Nông dân phát triển vườn ao chuồng đem lại hiệu quả kinh tế. Ảnh: H.Yên

Nông dân phát triển vườn ao chuồng đem lại hiệu quả kinh tế. Ảnh: H.Yên

Theo đó, những năm qua, Hội Nông dân huyện đã phát động hội viên, nông dân đăng ký phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi các cấp với số lượng ngày càng tăng. Kết quả xét công nhận đạt danh hiệu hộ nông dân SXKD giỏi các cấp có tới 12.143 hộ, chiếm 77,98% so với hộ đăng ký, tăng 9.643 hộ so với giai đoạn 2008 - 2013. Trong đó, số hộ đạt cấp Trung ương và tỉnh 327 hộ, đạt cấp huyện là 1.617 hộ, có 27 hộ tiêu biểu được biểu dương khen thưởng cấp huyện, 8 hộ được biểu dương khen thưởng cấp tỉnh và 1 hộ được biểu dương khen thưởng cấp Trung ương.

Nhiều mô hình và tấm gương nông dân đổi mới tư duy sản xuất, dám nghĩ, dám làm, phát huy lợi thế của địa phương, khai thác mọi tiềm năng để phát triển kinh tế với những mô hình sản xuất có hiệu quả, trở thành những hộ SXKD giỏi. Điển hình hộ ông Nguyễn Văn Thân, thôn Phi Có, xã Đạ Rsal với 1 ha cà phê kinh doanh, 2 sào vải thiều, 1 sào ao cá, chuồng trại, chủ cây xăng Văn Thân, nhà máy nước sạch và Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp mỗi năm trừ chi phí cho thu nhập trên 1 tỷ đồng. Cùng đó, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 15 lao động, 10 lao động theo mùa vụ với mức thu nhập từ 3,5 đến 7 triệu đồng/lao động/tháng; mỗi năm giúp cho các hộ khó khăn mua trả góp từ 5 đến 10 ngàn cây giống, đóng thuế cho Nhà nước trên 400 triệu đồng. 

Hay hộ ông Vũ Xuân Trường, thôn Đạ Mul, xã Đạ K’Nàng với diện tích 7 ha trồng dâu đảm bảo nuôi 30 hộp tằm cho sản lượng kén trung bình 1.500 kg/tháng, 3 ha mắc ca trồng xen cà phê ghép kinh doanh, mỗi năm trừ chi phí cho thu nhập gần 2 tỷ đồng. Ông cũng tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động với thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng; mỗi năm giúp cho từ 10 đến 15 hộ dân khó khăn trong thôn vay vốn không tính lãi để phát triển sản xuất. Không chỉ có hộ người Kinh làm kinh tế giỏi, hộ đồng bào dân tộc thiểu số cũng vươn lên làm giàu như hộ bà Cơ Liêng K’Sràng, Thôn 3, xã Liêng Srônh, với diện tích 4 ha ca phê kinh doanh, 50 gốc sầu riêng, 3 sào lúa nước kết hợp với chăn nuôi, mỗi năm trừ chi phí cho thu nhập 370 triệu đồng…

Ngoài ra, còn nhiều hộ nông dân tiêu biểu khác đã tích cực, chủ động trong lao động sản xuất cho thu nhập hàng năm từ 300 đến 500 triệu đồng.

Phong trào thi đua nông dân SXKD giỏi bước đầu đã góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, nông dân liên kết; một số hộ nông dân SXKD giỏi đã đại diện cho người sản xuất, bàn bạc và ký kết hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp để tạo vùng sản xuất; phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa đặc trưng. Điển hình như cánh đồng mẫu lớn trồng lúa tại 3 xã Đạ Long, Đạ Tông và Đạ M’Rông; vùng chuyên canh cà phê tại Phi Liêng, Đạ K’Nàng; cây ăn quả tại Đạ Rsal; trồng dâu nuôi tằm tại Đạ K’Nàng, Liêng Srônh, Đạ Long, Đạ Tông và Đạ M’Rông; trồng rau tại Phi Liêng, Đạ K’Nàng, Đạ Rsal... Qua đó, tạo điều kiện cho việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào trong sản xuất, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm

Phong trào đã góp phần thúc đẩy việc thành lập các loại hình trang trại, gia trại hiệu quả kinh tế cao như trồng cây ăn quả, nuôi bò, heo, nuôi trồng thủy sản và nhiều mô hình kinh tế tổng hợp. Nhiều hộ nông dân SXKD giỏi đã thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả SXKD; tham gia tích cực củng cố và phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, toàn huyện có 2 hợp tác xã nông nghiệp và 7 tổ hợp tác do hội viên thành lập. 

Ngoài ra, bước đầu đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ mới, như trồng rau an toàn ứng dụng công nghệ, sản xuất trong nhà lưới cho giá trị kinh tế cao tại Đạ K’Nàng, Phi Liêng, Đạ Rsal... 

Ông Phan Xuân Diện, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đam Rông cho biết, có được những kết quả đó đã khẳng định phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi các cấp tiếp tục phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa trong toàn huyện, trên tất cả các lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế - xã hội nông thôn. Từ đó lôi cuốn, khích lệ hàng ngàn hộ nông dân phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Trong những năm qua, ở Đam Rông nhiều địa phương có số hộ đăng ký và được công nhận SXKD giỏi cao như xã Đạ Rsal, Đạ K’Nàng, Phi Liêng. Chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng nâng cao, xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng tỷ đồng, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết