A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng đi chiến lược cho phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Việc sáp nhập tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng không chỉ là tổ chức lại đơn vị hành chính, mà còn là chiến lược phát triển dài hạn cho vùng kinh tế năng động bậc nhất miền Trung.

Cảng Chu Lai ngày càng được mở rộng để đạt mục tiêu trở thành Trung tâm logistics của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung – Tây Nguyên (Ảnh: Trường Hải)

Cảng Chu Lai ngày càng được mở rộng để đạt mục tiêu trở thành Trung tâm logistics của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên (Ảnh: Trường Hải)

Quảng Nam và Đà Nẵng vốn từng là một tỉnh trước năm 1997. Sau hơn hai thập kỷ chia tách, hai địa phương đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Trong đó, Đà Nẵng vươn lên trở thành trung tâm kinh tế - xã hội và đô thị hiện đại bậc nhất khu vực, còn Quảng Nam ghi dấu ấn với sự bứt phá trong công nghiệp, du lịch và xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, ranh giới hành chính đang phần nào là rào cản trong việc quy hoạch tổng thể, đầu tư hạ tầng kết nối và quản lý tài nguyên hiệu quả.

Do đó, việc sáp nhập khi được triển khai bài bản sẽ tạo ra một thực thể hành chính - kinh tế đủ mạnh để trở thành cực tăng trưởng mới của miền Trung.

Với quy mô dân số, diện tích, tiềm lực kinh tế vượt trội sau sáp nhập, TP Đà Nẵng sẽ có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư, cạnh tranh với các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam.

Thành phố Đà Nẵng nhìn từ trên cao (Ảnh bestprice.vn)
Thành phố Đà Nẵng nhìn từ trên cao (Ảnh bestprice.vn)

Bên cạnh đó, một trong những lợi ích rõ nét của việc sáp nhập là giảm trùng lặp về bộ máy quản lý, tiết kiệm ngân sách hành chính, đồng thời thống nhất chính sách thu hút đầu tư, quy hoạch phát triển và phân bổ nguồn lực.

Thay vì mỗi địa phương tự xây dựng chiến lược riêng, việc hình thành một chính quyền chung sẽ tạo điều kiện triển khai đồng bộ và dài hạn, tránh mâu thuẫn, giúp giảm chênh lệch phát triển giữa các vùng.

Ngoài ra, những khu vực khó khăn ở phía Tây Quảng Nam sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn lực tốt hơn từ một đơn vị hành chính lớn và năng động.

Đà Nẵng sẽ lập Khu thương mại tự do gắn với cảng Liên Chiểu (Ảnh Đ.Minh)
Đà Nẵng thành lập Khu thương mại tự do gắn với cảng Liên Chiểu (Ảnh Đ.Minh)

Sau khi sáp nhập, việc đặt trung tâm hành chính tại TP Đà Nẵng là sự lựa chọn có cơ sở. Với vị trí địa lý trung tâm, hạ tầng hiện đại và khả năng kết nối tốt với cả nước và quốc tế, Đà Nẵng đủ điều kiện để đảm nhận vai trò đầu não của một thực thể hành chính lớn.

Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra những thách thức cần tính đến, trong đó có việc gia tăng quy mô quản lý có thể gây áp lực lên hạ tầng đô thị, giao thông và dịch vụ công tại Đà Nẵng. Đây là bài toán về quy hoạch tổng thể, phân cấp hợp lý và ứng dụng công nghệ để rút ngắn khoảng cách địa lý hành chính.

Tòa nhà Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng
Tòa nhà Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng

Việc sáp nhập các đơn vị hành chính là xu hướng tất yếu trong bối cảnh đất nước đang hướng đến một nền hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân. Quảng Nam và Đà Nẵng có chung lịch sử, chung văn hóa và đang cùng chia sẻ nhiều lợi ích kinh tế - xã hội. Do đó, việc tái hợp khi được triển khai với tầm nhìn chiến lược, chắc chắn sẽ mở ra một kỷ nguyên phát triển mới cho toàn vùng.

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết