|
  • :
  • :

Thay đổi tư duy, từng bước chuyển đổi số trong hợp tác xã nông nghiệp

Ngày 29/7, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật phối hợp với Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội thảo khoa học chuyển đổi số (CĐS) trong các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê các HTX nông nghiệp (chiếm 65% tổng số HTX) đã, đang chuyển dịch theo hướng đa dạng ngành nghề, dịch vụ, sản phẩm sạch, theo chuỗi và liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp; Bắc Giang; hợp tác xã

Quang cảnh hội thảo.

Cùng với sự phát triển khoa học, công nghệ, các HTX đã quan tâm áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong canh tác, nuôi trồng, bảo quản sau thu hoạch. Hiện toàn tỉnh có 48 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dần hình thành được một số vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ... Tuy nhiên, trên thực tế, việc ứng dụng CĐS trong hoạt động của các HTX mới chỉ bắt đầu, số lượng chưa nhiều, vẫn còn nhiều đơn vị chỉ ứng dụng công nghệ vào một hoặc một vài bước của quy trình sản xuất nên chưa tận dụng hết hiệu quả của công nghệ hiện đại...

Trao đổi tại hội nghị, các ý kiến cho rằng chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, HTX là quá trình mới, nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng là cơ hội để người nông dân tiếp cận với công nghệ hiện đại, từ đó tạo ra những đột phá mang tính chuyên nghiệp, hiệu quả.

Theo tiến sĩ Ninh Đức Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và PTNT 1, lợi ích dễ nhận biết từ việc ứng dụng công nghệ là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, các chủ thể ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn...

Chuyển đổi số trong nông nghiệp; Bắc Giang; hợp tác xã

Tiến sĩ Ninh Đức Hùng chia sẻ lợi ích của chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.

Để thực hiện CĐS, các HTX cần đổi mới tư duy trong sản xuất, kinh doanh, từ đó lựa chọn quy trình sản xuất phù hợp. Quá trình thực hiện cần sử dụng phần mềm nhật ký sản xuất, phầm mềm kế toán để tạo mã QR, in tem, bản đồ diện tích đất, xin cấp mã vùng trồng... Liên quan đến nội dung này, một số ý kiến cho rằng, các HTX cần đánh giá nhu cầu thực tế để đầu tư CĐS phù hợp với quy mô, tránh lãng phí nguồn lực; quan tâm kết nối với sàn thương mại điện tử để đưa sản phẩm lên sàn, tạo thương hiệu cho sản phẩm.

Về định hướng CĐS trong ngành Nông nghiệp, đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin, thời gian tới, ngành sẽ tập trung xây dựng bộ dữ liệu để số hóa toàn bộ các vùng sản xuất tập trung, gắn với sổ nhật ký điện tử để truy xuất nguồn gốc sản phẩm; cấp mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói; cấp mã số định danh cho các trang trại, hộ chăn nuôi theo yêu cầu của các thị trường tiêu thụ nông sản...

Chuyển đổi số trong nông nghiệp; Bắc Giang; hợp tác xã

Sản xuất dưa kim hoàng hậu trong nhà lưới tại HTX Rau sạch Yên Dũng.

Chia sẻ kinh nghiệm, đại diện HTX Rau sạch Yên Dũng cho biết, ngay từ khi thành lập, đơn vị đã quan tâm CĐS nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đến nay, HTX đã sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp với bón phân, tưới phun mưa; sử dụng hệ thống thiết bị định vị, thiết bị đo nhiệt kế của xe vận chuyển hàng hóa... Do đó các sản phẩm của HTX tiêu thụ thuận lợi, người tiêu dùng đánh giá cao.

Để CĐS sâu hơn, mạnh hơn, HTX mong muốn nhận được sự hỗ trợ để ứng dụng công nghệ thông tin thu thập các dữ liệu liên quan đến thời tiết, từ đó phân tích dữ liệu đưa ra được các cảnh báo thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra trên rau màu. Cùng đó chủ động lựa chọn cây trồng phù hợp với thời tiết, hoặc có các trang thiết bị tự động đóng mở theo thời tiết. 

Trao đổi tại hội thảo, đồng chí Trương Quang Hải, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh nhấn mạnh, cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, sự vào cuộc của các sở, ngành liên quan, các HTX cần mạnh dạn thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm từ đó chủ động CĐS. Quá trình chuyển đổi cần quan tâm tìm hiểu, tranh thủ tiếp cận chính sách hỗ trợ của nhà nước; từng bước thực hiện số hóa vùng sản xuất, số hóa quy trình sản xuất nhằm tạo điều kiện để áp dụng các phần mềm quản lý, điều hành hoạt động.

Cùng đó cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, thu hút lao động trẻ đã qua đào tạo về làm việc để tiếp cận công nghệ mới, nâng cao hiệu quả quản trị điều hành hoạt động của HTX. Chủ động bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trình độ cho các thành viên HTX, hướng tới xây dựng người nông dân số, nông dân thông minh. Tập trung nguồn lực đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ hiện đại trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản... nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ.

Với trách nhiệm của mình, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh sẽ phối hợp với Liên minh HTX tỉnh, các sở, ngành liên quan tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý, thành viên HTX, doanh nghiệp và người nông dân về CĐS trong sản xuất nông nghiệp. Thường xuyên tổ chức hội thảo, thăm quan mô hình thực tế để kết nối giữa các nhà quản lý, nhà khoa học, các HTX; giới thiệu, tiếp cận những phần mềm quản lý, sản phẩm công nghệ thông minh trong thực hiện CĐS nhằm thống nhất trong triển khai thực hiện.

Tin, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/388269/thay-doi-tu-duy-tung-buoc-chuyen-doi-so-trong-hop-tac-xa-nong-nghiep.html