|
  • :
  • :

Bắc Giang: Nâng cao năng suất, giá trị thủy sản

Sau một năm thực hiện “Đề án phát triển tự động hóa trong nuôi thủy sản thâm canh tại tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025”, nhiều hộ nông dân đã thu được kết quả cao, mở ra hướng đi mới. 

Giảm công lao động

Hộ anh Phùng Thanh Xuân, thôn Xuân Trung, xã Ngọc Châu (Tân Yên) nuôi cá từ 10 năm nay trên diện tích 8 sào ao. Nhờ ứng dụng kỹ thuật mới, anh nuôi cá khá nhàn, vẫn có thời gian làm việc tại Quỹ tín dụng nhân dân xã Ngọc Châu. Đến giờ cho cá ăn anh chỉ thao tác vài lệnh đơn giản trên điện thoại thông minh là máy tự động “bắn cám” xuống ao. 

Bắc Giang, Ứng dụng, tự động hóa, Nâng cao, năng suất, giá trị thủy sản

Cán bộ kỹ thuật của Chi cục Thuỷ sản cùng ông Hoàn (thứ 3 từ trái sang) kiểm tra sự sinh trưởng của đàn cá.

Toàn bộ máy sục, quạt nước tạo oxy trong ao được điều khiển trên điện thoại. Việc bảo vệ, quan sát mực nước, các hiện tượng cá trong ao cũng được giám sát qua camera. “Khi chưa có hệ thống máy móc tự động hóa, ngày nào vợ chồng tôi cũng phải ra thăm ao, thay nhau bơi thuyền cho cá ăn, rất vất vả. Nay mọi thứ đã khác, muốn đi đâu cũng được, bởi mọi việc đều được thực hiện tự động trên máy điện thoại, đỡ tốn thời gian, giảm sức lao động”, anh Xuân nói.

Năm 2021, Chi cục Thuỷ Sản thực hiện “Đề án phát triển tự động hóa trong nuôi thủy sản thâm canh tại tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025”, có 26 hộ tại các huyện: Yên Dũng, Việt Yên và Tân Yên tham gia, tổng diện tích 30 ha. Hộ anh Xuân là một trong số đó. 

Tham gia Đề án, gia đình anh và các hộ được hỗ trợ 50% kinh phí mua thiết bị cảm biến, máy sục khí tạo oxy, máy cho cá ăn, hệ thống camera để tích hợp và kết nối Internet qua điện thoại (hoặc máy tính); hỗ trợ 100% kinh phí mua thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học chăm sóc cá; hỗ trợ một phần giá cá giống nuôi chính như: Rô phi đơn tính, chép lai, trắm cỏ; 100% kinh phí mua bộ thiết bị đo môi trường gồm: Máy đo oxy hòa tan, máy đo pH, test NH3 và nhiệt kế..., tổng trị giá hơn 10 triệu đồng/hộ. 

Ngoài ra, các hộ còn được tư vấn, hướng dẫn áp dụng quy trình nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn thực phẩm, an toàn sử dụng thuốc kháng sinh; nhận biết đánh giá mối nguy gây mất an toàn thực phẩm, quy trình sản xuất và hướng dẫn cập nhật hồ sơ sản xuất; đánh giá, cấp giấy chứng nhận nuôi thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP cho vụ sản xuất đầu tiên.

Ông Lê Văn Vượng, thôn Bằng Cục, xã Ngọc Châu, tổ trưởng nhóm 14 hộ (cùng xã Ngọc Châu) tham gia Đề án cho biết, việc ứng dụng công nghệ trong nuôi cá giúp tăng mật độ nuôi, cá lớn nhanh, năng suất đạt 14 tấn/ha, tăng từ 2-3 tấn, giảm 50% nhân công so với chăn nuôi thông thường.

Cải thiện hạ tầng ao nuôi

Không chỉ những hộ tham gia Đề án, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hộ tự trang bị thiết bị tự động để thâm canh thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử, hộ ông Trần Đình Hoàn, thôn Kim Sơn, xã Thượng Lan (Việt Yên). Do được đầu tư bài bản, từ cứng hóa bờ ao, hệ thống cấp, tiêu nước, máy sục, máy quạt nước tạo oxy, camera giám sát… nên gia đình ông thu về hơn 18 tấn cá/ha/vụ, lãi hàng trăm triệu đồng.

Bắc Giang, Ứng dụng, tự động hóa, Nâng cao, năng suất, giá trị thủy sản

Chăm sóc đàn cá từ ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Dù vậy, việc nhân rộng thâm canh thủy sản theo phương pháp tự động hóa đang gặp khó khăn. Theo Chi cục Thuỷ sản, năm 2022, đơn vị tiếp tục triển khai Đề án tại các huyện: Lục Nam, Hiệp Hòa và Lạng Giang với 15 hộ tham gia nhưng khó chọn hộ đủ tiêu chuẩn tham gia. Bởi cơ sở hạ tầng ao nuôi như: Hệ thống điện 3 pha, mạng Internet chưa đáp ứng. 

Hệ thống thủy lợi dành cho thủy sản chưa có, nhiều nơi còn phụ thuộc vào nước trời nên không đủ tiêu chuẩn áp dụng… Hiện tượng dịch bệnh, lũ lụt tràn bờ, nguy cơ ô nhiễm môi trường nước ngày càng cao trong khi hệ thống thủy lợi cho thủy sản chưa hoàn thiện, chủ yếu được thiết kế cho mục đích tưới tiêu.

 

Mục tiêu của Đề án là xây dựng thành công 140 ha diện tích nuôi thủy sản ở các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất với 130 mô hình thâm canh công nghệ cao, áp dụng công nghệ tự động hóa trong các khâu quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng, thu từ 14 tấn cá/ha trở lên, đạt tiêu chuẩn VietGAP tại các huyện: Tân Yên, Việt Yên, Hiệp Hòa, Yên Dũng, Lạng Giang, Lục Nam và TP Bắc Giang. Kinh phí thực hiện đề án hơn 54 tỷ đồng, trong đó, hơn 8 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh còn lại do người dân đối ứng.

 

Nhằm khắc phục những hạn chế, góp phần phát triển thủy sản theo hướng hiện đại, đạt giá trị cao, ông Đỗ Huy Khôi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bắc Giang đề nghị các địa phương phối hợp với đơn vị tăng cường tuyên truyền về Đề án, chính sách của tỉnh tới người dân, đặc biệt với đối tượng là hợp tác xã, tổ hợp tác để các chủ thể tích cực tham gia. 

Tới đây, Chi cục sẽ chọn đối tượng thực hiện Đề án sát với nhu cầu thực tế như các hợp tác xã, tổ hợp tác chuyên nuôi thủy sản thâm canh để tránh lãng phí nguồn lực, phù hợp với quy hoạch nuôi thủy sản địa phương. 

Bên cạnh đó, Chi cục chú trọng các yếu tố như: Cung cấp nguồn con giống đáp ứng yêu cầu; hệ thống máy móc, thiết bị bảo đảm chất lượng; dịch vụ bảo hành, bảo trì tốt. 

"Các chủ cơ sở nuôi cá cần hoàn thiện hạ tầng ao nuôi như: Lắp đặt mạng Internet, mua sắm máy điện thoại thông minh, cứng hóa bờ ao hồ; các địa phương cần hỗ trợ bà con nâng cấp hệ thống điện 3 pha, cấp nước sạch thì việc ứng dụng tự động hóa trong nuôi thủy sản mới thuận lợi”-ông Khôi cho biết.

Bài, ảnh: An Khánh

Nguồn: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/388008/bac-giang-nang-cao-nang-suat-gia-tri-thuy-san.html