|
  • :
  • :

Sớm triển khai hệ thống logistics cho nông sản

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2022, tổng sản phẩm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản duy trì tăng trưởng liên tục qua các năm, bình quân đạt 3,04%/năm. Xuất khẩu nông lâm thủy sản không ngừng tăng trưởng và đạt kim ngạch trên 53 tỷ USD năm 2022.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản không ngừng tăng trưởng.

Tuy nhiên, nông sản của Việt Nam chưa phát triển do nguyên nhân rất quan trọng là dịch vụ logistics còn hạn chế. Dịch vụ logistics liên quan đến vận chuyển, gom hàng, lưu kho, xử lý, đóng gói hoặc phân phối hàng hóa cũng như các dịch vụ phụ trợ, giữ vai trò kết nối các khâu trong chuỗi, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm cho người sản xuất, cung ứng hàng hóa theo nhu cầu và đảm bảo chất lượng nông sản đến tay người tiêu dùng, giúp giảm chi phí, tạo ra giá trị gia tăng, giúp tăng khối lượng giao dịch và thúc đẩy mở rộng thị trường.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị

So với lĩnh vực khác, logistics cho kinh doanh nông sản mang tính thời vụ và theo mùa, nhiều mặt hàng nông sản cần đảm bảo tươi sống, dễ hư hỏng, dễ nhiễm khuẩn và chỉ có giá trị trong một thời hạn ngắn.

Ngoài ra, nhiều nông sản cần bảo quản ở nhiệt độ thấp, nhiệt độ cho các mặt hàng nông sản khác nhau cần được kiểm soát khác nhau tùy từng giai đoạn; chất lượng và mẫu mã không đồng nhất và các vấn đề an toàn thực phẩm...

Do đó dịch vụ logistics nông nghiệp có tính khác biệt phải gắn với các vùng sản xuất, phải đảm bảo một quá trình tích hợp từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, đóng gói, lưu trữ, vận chuyển, và phân phối đến người tiêu dùng cuối cùng.

Logistics trong nông nghiệp cần chú trọng đầu tư phát triển các hạ tầng kho bãi, vận tải lạnh, dịch vụ đóng gói, chiếu xạ, kiểm định tại các vùng nông nghiệp trọng điểm...

Công ty Xuất khẩu trái cây Chánh Thu xây dựng trung tâm logistics tại vùng sản xuất ở Đắk Lắk.

Theo ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam, logictics sẽ giúp xây dựng được thương hiệu nông sản, tránh tình trạng được mùa mất giá. Bên cạnh đó, trung tâm logistics trở thành điểm thương mại, triển lãm, xuất khẩu. Nhà nước cần tập trung đúng góc độ người nông dân để có từng giải pháp cụ thể. Dịch vụ logistics tốt sẽ giúp bảo quản được nông sản trong nhiều tháng, giá thành thấp.

Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, đề án phát triển logistics cho nông sản cần gắn với các chợ đầu mối do đã có quy hoạch cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, bộ cũng đang làm việc với các tham tán thương mại của nhiều nước để liên hệ với doanh nghiệp, nhà phân phối nhằm kết nối với trung tâm logistics. Ngoài ra, trung tâm phải mang tính chất xã hội hóa, tận dụng các chính sách đột phát để sớm hình thành.

Nguồn: http://nongthonviet.com.vn/som-trien-khai-he-thong-logistics-cho-nong-san.ngn