|
  • :
  • :

Lo giá cả tăng

Trong những tháng đầu năm, tình hình giá cả nhiều hàng hóa có xu hướng tăng do tác động của thị trường trong và ngoài nước cùng nhiều yếu tố khác. Trong khi đó, với diễn biến tăng lương vào tháng 7/2023, người tiêu dùng lo ngại giá cả sẽ tăng theo.

Giá cả một số mặt hàng có dấu hiệu tăng trong thời gian qua.Ảnh minh họa

Giá cả một số mặt hàng có dấu hiệu tăng trong thời gian qua.Ảnh minh họa

Trong những tháng đầu năm, tình hình giá cả nhiều hàng hóa có xu hướng tăng do tác động của thị trường trong và ngoài nước cùng nhiều yếu tố khác. Trong khi đó, với diễn biến tăng lương vào tháng 7/2023, người tiêu dùng lo ngại giá cả sẽ tăng theo.

Nhiều mặt hàng có xu hướng tăng

Theo UBND tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng đầu năm tăng 2,28% so cùng kỳ. Trong đó, CPI của 24/32 nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng so với cùng kỳ đã làm tác động đến tình hình tăng CPI chung, có một số nhóm ảnh hưởng lớn như: dịch vụ vệ sinh môi trường tăng hơn 38%, dịch vụ giáo dục tăng hơn 12%, dịch vụ du lịch trọn gói tăng gần 8%, nhóm thể thao và giải trí khác tăng hơn 6%, may mặc tăng hơn 5%, thực phẩm tăng hơn 4%,...

Theo các tiểu thương kinh doanh các mặt hàng rau củ quả ở chợ Vĩnh Long, hơn 1 tháng qua, một số mặt hàng rau sống tăng giá, trong đó có một số loại tăng giá mạnh, từ 2.000-5.000 đ/kg tùy loại. Trong khi đó, một số mặt hàng tỏi, củ hành tím, ớt,… cũng tăng giá. Riêng mặt hàng tỏi, đã tăng từ 35.000 đ/kg lên 42.000-45.000 đ/kg. Cũng theo các tiểu thương, do nhu cầu tăng nhưng nguồn cung các mặt hàng rau sống trong nước không tăng nên giá cả “nhích” lên.

Trong khi đó, các mặt hàng thịt gia cầm tiếp tục ổn định. Riêng thịt heo đang tăng giá bán. Tại các sạp thịt heo, giá đã tăng khoảng 10.000 đ/kg tùy loại. Nguồn cung thịt heo đang giảm do người dân tái đàn chậm hoặc nghỉ nuôi. Ngoài ra, các mặt hàng trứng, gia vị cũng tăng giá, nhất là mặt hàng đường, tăng khoảng 20.000 đ/cây 12kg...

Theo anh Đa- chủ quán ăn Tư Đa ở Phường 5 (TP Vĩnh Long), nhìn chung các mặt hàng đều tăng giá, tuy không tăng nhiều nhưng nếu “gộp chung” thì khá ảnh hưởng. “Giá nguyên vật liệu tăng nhưng món ăn mình không thể tăng được vì sợ mất khách.

Đồng lời cũng từ đó giảm. Không biết sắp tới có tăng nữa hay không?”- anh Đa chia sẻ. Là một nhà nội trợ, cô Yên (Phường 3, TP Vĩnh Long) cho biết, nếu cách đây khoảng 2 tháng, cả nhà cô chi tiêu cho việc ăn uống khoảng 100.000 đ/ngày thì nay phải gần 150.000 đ/ngày. “Mỗi thứ đều tăng chút ít, vô tình làm mâm cơm cũng tăng giá theo. Đó là chưa kể các hàng quán ăn bên ngoài, cũng sẽ tăng giá theo”- cô Yên cho biết.

Lo giá cả tăng mạnh

Ngày 14/5/2023, Chính phủ ban hành nghị định 24/2023/nđ-cp quy định về mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, mức lương cơ sở mới áp dụng từ ngày 1/7/2023 là 1,8 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, hiện nay giá cả các mặt hàng thiết yếu đã có dấu hiệu tăng. Bởi thực tế nhiều năm qua, giá cả thị trường vẫn luôn “chạy trước” lương, nhất là lương của cán bộ, công chức, viên chức khu vực công. Một viên chức nhà nước chia sẻ, thực tế giá cả nhiều mặt hàng đã tăng từ trước và sau Tết Nguyên đán 2023.

Đó là chưa nói đến một số loại hàng hóa tăng với nguyên nhân giá gas, xăng dầu tăng nhưng khi các mặt hàng này được điều chỉnh xuống thì giá các loại hàng hóa đó vẫn... “bình chân như vại”. Do vậy, cần có giải pháp nhằm đảm bảo thu nhập đủ sống, quản lý giá cả như thế nào để không phải lúc lương tăng thì các mặt hàng lại tăng theo.

Theo Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh- giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, để việc tăng lương thực sự là niềm vui trọn vẹn, thì cần tăng cường các giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt về giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Qua đó, tránh tình trạng lương chưa tăng thì giá đã tăng, “lương tăng 1 đồng giá tăng 2 đồng”.

 

 

Mục tiêu trước hết của việc tăng lương cơ sở đó là tăng thu nhập, nâng cao mức độ thụ hưởng của người lao động. Mục tiêu này sẽ không thể đạt được nếu lạm phát không được kiềm chế có hiệu quả, chỉ số giá tiêu dùng, giá các mặt hàng thiết yếu tăng song song hoặc tăng nhanh hơn mức tăng của lương…

Trong khi đó, theo các chuyên gia kinh tế, áp lực lạm phát của Việt Nam năm 2023 sẽ ở mức độ cao hơn một chút so với năm ngoái. Lý do chính là vì chúng ta có độ trễ, nhập khẩu nhiều, tác động vòng 2, vòng 3 của hàng nhập khẩu đến lạm phát tiêu dùng cũng chậm hơn.

Theo đó, các yếu tố xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào làm tăng lạm phát ở vòng 1, đến vòng 2, vòng 3 là tác động lên lương thực thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng… Vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề xuất Chính phủ tăng giá điện. Ngoài ra, sau 10 năm chưa tăng giá nước sạch, các doanh nghiệp cũng đang đề xuất tăng giá loại hàng thiết yếu này. Việc lương cơ bản tăng hơn 20% vào tháng 7/2023 sẽ là những yếu tố tác động mạnh đến lạm phát năm nay.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/kinh-te/202306/lo-gia-ca-tang-3169609/