|
  • :
  • :

Mô hình trồng cây đinh lăng của lão nông Cẩm Hà

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến việc tiêu thụ cây quật (quất) cảnh của nông dân TP Hội An gặp không ít khó khăn.

Ông Long đang chăm sóc vườn đinh lăng lá nhỏ của gia đình.

Ông Long đang chăm sóc vườn đinh lăng lá nhỏ của gia đình.

Đang vào phân cho vườn cây đinh lăng giai đoạn đẻ nhánh trên mảnh vườn rộng gần 5 sào đất Trung bộ, ông Long cho biết: Trước đây, kinh tế gia đình phụ thuộc vào việc chăm và xuất bán quật cảnh vào các dịp tết. Năm 2019, dịch Covid-19 đã khiến gia đình ông gặp khó trong việc tiêu thụ. Bán 200 cây quật cảnh chỉ thu được 150 triệu đồng, nếu không lấy công làm lời thì lỗ nặng.

Trăn trở cho đầu ra của cây quật cảnh, sợ thêm một lần nữa gánh nợ, gia đình ông Long quyết định tìm hướng đi mới. “Tình cờ đọc sách báo, tôi thấy các mô hình trồng cây đinh lăng lá nhỏ của người dân ở các tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai… đem lại hiệu quả cao, thị trường tiêu thụ ổn định, công chăm sóc cũng nhẹ nhàng, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… Năm 2017, tôi mua 500 cành đinh lăng đã được xử lý mọc rễ ở Đắk Lắk về trồng thử nghiệm xen vào vườn quật cảnh. Qua quá trình trồng, tôi thấy cây đinh lăng lá nhỏ phù hợp với thổ nhưỡng đất đai nên đã nhân rộng vườn đinh lăng lên 1.000 chậu cây lớn, nhỏ” - ông Long cho biết.

Để có được bộ rể củ đẹp, ông đã trồng cây đinh lăng vào chậu thay vì trồng ngoài đất. Các chậu đinh lăng được ông bố trí ngay hàng thẳng lối một cách khoa học, tạo không gian cho khu vườn vừa đẹp, mát mẻ.

Cũng theo lời ông Long, mỗi tháng gia đình ông hái lá cân bán cho thương lái với mức giá 30 ngàn đồng/kg, còn củ rể thì ít nhất 3 năm trở lên mới thu hoạch. Ông có ngâm được hơn 50 hũ rượu từ củ đinh lăng để bán cho khách với mức giá 1 triệu đồng/hũ. Thị trường tiêu thụ sản phẩm đinh lăng của ông chủ yếu ở các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng… Doanh thu bình quân mỗi tháng từ việc thu hoạch lá, củ đem lại cho gia đình ông Long gần 10 triệu đồng/tháng. So với cây quật cảnh phải đợi đến tết mới có nguồn thu thì việc thu hoạch đinh lăng rút ngắn hơn nhiều lần.

Nói về kinh nghiệm trồng đinh lăng, ông Long chia sẻ: “Trồng cây đinh lăng lá nhỏ, thời gian rảnh rỗi hơn nhiều, đặc biệt cây đinh lăng không bị sâu bệnh nên không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ cần bón một ít phân chuồng đã hoai mục và thêm chút phân lân là đủ cho cây phát triển tốt”.

Ông Long đã chia sẻ bí quyết này cho nhiều hộ dân khác mỗi khi có người tới tham quan học hỏi. Đánh giá về mô hình này, ông Mai Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà cho biết: “Mô hình chuyển đổi từ cây quật sang cây đinh lăng của ông Long khá hiệu quả. Chúng tôi khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp, nhằm đem lại nguồn thu nhập ổn định”.

Nguồn: http://nongthonviet.com.vn/nong-nghiep/cau-chuyen-nong-nghiep/202109/mo-hinh-trong-cay-dinh-lang-cua-lao-nong-cam-ha-781716/