|
  • :
  • :

Tuyên Hóa: Nhiều địa phương loay hoay lựa chọn sản phẩm OCOP

"Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) là chương trình nhằm thay đổi cách thức sản xuất, tạo ra những sản phẩm chất lượng, hướng đến các thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, không phải xã nào cũng thuận lợi trong việc lựa chọn sản phẩm, đơn cử như tại huyện miền núi Tuyên Hóa, hiện nhiều địa phương vẫn còn "loay hoay" chưa xác định được sản phẩm phù hợp và hiệu quả.

Nhằm phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương, thời gian qua, huyện Tuyên Hóa đã tích cực triển khai chương trình OCOP, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
 
Đến nay, huyện có 6 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, gồm: Mật ong Tuyên Hóa, mật ong Thanh Hóa, mật ong Quyết Thắng, đồ thủ công mỹ nghệ trang trí (mây tre đan Vân Sơn), măng khô Mã Liềng và lạc rang sả ớt Cao Quảng. Năm 2021, huyện đang nâng cấp 2 sản phẩm gạo sạch Châu Hóa và gạo sạch Mai Hóa để đăng ký sản phẩm OCOP cấp huyện và cấp tỉnh.
 
Vậy nhưng, ngoài những xã đã đăng ký xây dựng sản phẩm chủ lực thì trên địa bàn huyện Tuyên Hóa cũng còn khá nhiều xã vẫn chưa xác định được sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương để tiến hành đầu tư có trọng tâm, từng bước tạo dựng thương hiệu riêng cho xã hoặc vùng sản xuất.
 
Đồng Hóa là xã miền núi còn nhiều khó khăn của huyện Tuyên Hóa. Người dân nơi đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp đơn thuần với quy mô nhỏ hẹp, không có sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghiệp, tiểu công nghiệp, dịch vụ.
 
Do đó, khi khảo sát, đánh giá, lựa chọn sản phẩm tham gia chương trình, địa phương vẫn chưa xác định được sản phẩm nào là tiềm năng, thế mạnh để phát triển, nâng lên thành sản phẩm OCOP.
 
Ông Nguyễn Tiến Nam, Chủ tịch UBND xã Đồng Hóa cho biết: Hiện xã đang hướng đến 3 sản phẩm là mật ong, gà đồi và lạc. Tuy nhiên, các sản phẩm này sản xuất chỉ ở quy mô nhỏ, việc áp dụng khoa học-kỹ thuật hạn chế nên năng suất, chất lượng không cao, khả năng cung ứng cho thị trường với số lượng thiếu ổn định, lâu dài…, rất khó để xây dựng sản phẩm OCOP. Hiện xã đang tích cực tuyên truyền các doanh nghiệp liên kết với người dân đầu tư lựa chọn sản phẩm phù hợp, từ đó, sẽ xây dựng kế hoạch, hỗ trợ phát triển sản phẩm thành sản phẩm chủ lực của địa phương.

Măng khô Mã Liềng là sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021 của xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa.

Măng khô Mã Liềng là sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021 của xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa.

Xã Sơn Hóa cũng lâm vào tình trạng tương tự, theo ông Phan Xuân Tuyên, Chủ tịch UBND xã, trước đây, xã Sơn Hóa có xây dựng sản phẩm gà đồi để đăng ký sản phẩm OCOP, tuy nhiên, quy mô nuôi gà của người dân trên địa bàn còn nhỏ lẻ, sản xuất theo lối "mạnh ai nấy làm", chưa có sự liên kết để tạo ra sản phẩm lâu dài và bền vững.
 
Hiện địa phương đang hướng tới sản phẩm trà cà gai leo, nhưng đây là sản phẩm mới, diện tích trồng cà gai leo còn ít (toàn xã mới trồng được 1ha), nguyên liệu phải nhập từ nơi khác về.
 
Thời gian tới, địa phương sẽ hướng dẫn, hỗ trợ thành lập hợp tác xã để liên kết sản xuất, khuyến khích người dân tham gia trồng cây nguyên liệu cà gai leo để làm trà, xây dựng thành công sản phẩm đặc trưng của Sơn Hóa.
 
Trên thực tế, Tuyên Hóa có nhiều sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh, có thể phát triển, nâng cấp thành sản phẩm OCOP nhưng việc xây dựng sản phẩm tại các địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó, nguồn vốn là vấn đề nan giải. Hiện các chủ thể tham gia chương trình là các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh ... nên nguồn vốn còn hạn hẹp, chưa chú trọng đầu tư nhiều đến chất lượng sản phẩm.
 
Bên cạnh đó, các sản phẩm OCOP tiềm năng phần lớn còn được sản xuất thủ công, chưa có bao bì, nhãn mác, chưa xây dựng được nhãn hiệu, công bố chất lượng…, nên khó khăn trong việc xây dựng sản phẩm.
 
Ông Đinh Xuân Thương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuyên Hóa cho biết: "OCOP là một chương trình hướng người dân đến sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với thị trường, khai thác tốt tiềm năng thế mạnh về nguồn lực, đất đai, lao động hiện có. Tuy nhiên, để thay đổi thói quen sản xuất manh mún truyền thống không dễ, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục bám sát và đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án tại các địa phương, tập trung phát triển các sản phẩm OCOP cấp tỉnh để nâng cấp thành sản phẩm 4 sao; cử cán bộ về các địa phương chưa xây dựng được sản chủ lực để hướng dẫn lựa chọn sản phẩm phù hợp, đúng tiềm năng, lợi thế, phát triển lâu dài và bền vững".
 
Để thực hiện chương trình OCOP hiệu quả hơn, huyện Tuyên Hóa cũng mong muốn tỉnh quan tâm bố trí kinh phí để triển khai thực hiện chương trình, xúc tiến thương mại, mua sắm máy móc thiết bị cho các chủ thể có sản phẩm đã đạt 2 sao, 3 sao. Đặc biệt, cần ưu tiên bố trí nguồn kinh phí để quản lý, triển khai, thực hiện, tuyên truyền, tập huấn, học tập kinh nghiệm, tham gia các hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP; tạo điều kiện để mời các chuyên gia của chương trình OCOP hỗ trợ địa phương...
Nguồn: http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202109/tuyen-hoa-nhieu-dia-phuong-loay-hoay-lua-chon-san-pham-ocop-2193258/