|
  • :
  • :

Bảo vệ sản xuất trước thiên tai, dịch bệnh

Chăm sóc và bảo vệ cây trồng trong những tháng cuối năm 2021 đang đứng trước thách thức kép. Bởi thời gian tới sẽ là giai đoạn mưa bão, lũ chính vụ với những diễn biến khó lường, trong khi dịch COVID-19 đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp.

Việc xuống giống tập trung lúa Đông Xuân đảm bảo cách thời điểm thu hoạch lúa Thu Đông khoảng 3- 4 tuần.
Việc xuống giống tập trung lúa Đông Xuân đảm bảo cách thời điểm thu hoạch lúa Thu Đông khoảng 3- 4 tuần.

Chăm sóc và bảo vệ cây trồng trong những tháng cuối năm 2021 đang đứng trước thách thức kép. Bởi thời gian tới sẽ là giai đoạn mưa bão, lũ chính vụ với những diễn biến khó lường, trong khi dịch COVID-19 đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp.

Kế hoạch xuống giống lúa vụ Đông Xuân

Mới đây, Sở Nông nghiệp- PTNT ban hành kế hoạch sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2021- 2022 với 50.000ha trong toàn tỉnh. Vụ lúa này được bố trí thời vụ theo hướng tập trung né rầy, đồng loạt trên từng khu vực và không xuống giống kéo dài so với khung lịch chung. Đặc biệt, vùng có nguy cơ nhiễm mặn sẽ xuống giống sớm để né mặn ở thời điểm cuối vụ.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo lịch xuống giống vụ Đông Xuân 2021- 2022 tập trung trong 3 đợt chính. Đợt 1 xuống giống 10.000ha từ 15- 30/10/2021 (nhằm 2 con nước từ mùng 10- 25/9 âl). Diện tích này phân bố tập trung ở những vùng ven QL54 của huyện Trà Ôn, Vũng Liêm, TX Bình Minh và vùng đất gò ven sông Măng thuộc huyện Tam Bình, ven sông Tiền thuộc huyện Mang Thít và Vũng Liêm. Đợt 2 xuống giống 35.000ha, từ 14- 29/11/2021 (từ mùng 10- 25/10 âl), phân bố tại hầu hết các địa phương trong tỉnh. Đợt 3 xuống giống 5.000ha từ 13- 28/12/2021 (nhằm con nước từ mùng 10- 25/11 âl), phân bố ở vùng còn lại và nơi lúa Thu Đông muộn vừa thu hoạch, không xuống giống vùng có nguy cơ bị nhiễm mặn trong đợt này.

Cơ cấu giống lúa được ngành nông nghiệp khuyến cáo phấn đấu sử dụng 80% giống lúa chất lượng cao, giống xác nhận hoặc tương đương. Trong đó, nhóm giống lúa chủ lực khả năng thích ứng rộng, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tốt: OM 5451, OM 4900, OM 6976, Đài thơm 8, OM 18,… Nhóm giống lúa bổ sung: LH8, OM 2517, OM 9577, OM 9955,… Đối với các giống chất lượng thấp (IR50404, ML202) sử dụng không quá 20% trong cơ cấu giống cho từng địa phương.

Bên cạnh, ngành chuyên môn khuyến cáo sau khi thu hoạch lúa Thu Đông, nhà nông cần làm đất và vệ sinh đồng ruộng, cày, xới vùi gốc rạ vào đất và phơi đất để tiêu diệt mầm bệnh. Việc xuống giống tập trung lúa Đông Xuân cách thời điểm thu hoạch lúa Thu Đông khoảng 3- 4 tuần.

Các địa phương rà soát lại tình hình sản xuất nông nghiệp thực tế trên địa bàn và có kế hoạch sản xuất cụ thể cho từng vùng. Đồng thời, chú trọng liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản, rau màu cho nông dân.

Chăm sóc, bảo vệ cây trồng những tháng cuối năm

Trước ảnh hưởng của tình hình dịch COVID- 19 và diễn biến bất thường của thời tiết trong những tháng cuối năm nay, để nâng cao hiệu quả chăm sóc và bảo vệ cây trồng, ổn định sản xuất, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương và bà con nông dân cần rà soát, kiểm tra, củng cố, tôn cao các đoạn đê bao, bờ bao thấp, có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở trong mùa mưa lũ. Bên cạnh, chú trọng gia cố, nạo vét các kinh mương nội đồng đảm bảo thoát nước chống úng khi có mưa, bão; trữ nước ngọt vào đầu mùa khô.

Tính đến cuối tháng 8/2021, đã xuống giống được 41.271ha lúa Thu Đông, đạt 88,8% so kế hoạch vụ. Các trà lúa đang sinh trưởng, phát triển khá tốt và chủ yếu đang ở giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trổ. Hiện nay, tình hình thời tiết diễn biến bất thường, thường xuyên có mưa kéo dài trên diện rộng. Đây là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng dịch hại như rầy nâu, bệnh đạo ôn, cháy bìa lá,… phát triển gây hại. Bên cạnh đó, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, trong đó mặt hàng phân bón tăng rất cao từ 40- 80%. Vì vậy, người dân nên chú ý bón phân cân đối, không bón thừa phân đạm, đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp kỹ thuật như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”,… và thăm đồng thường xuyên để sớm phát hiện sâu bệnh hại để có biện pháp xử lý kịp thời.

Đối với rau màu, cần chú trọng áp dụng biện pháp rải vụ trong sản xuất nhằm tránh tình trạng tồn đọng sản phẩm. Đồng thời, tùy theo điều kiện đê bao thủy lợi, đất đai, tình hình tiêu thụ và tập quán canh tác để bố trí cây trồng hợp lý, nên chọn các loại rau màu phù hợp với điều kiện canh tác trong mùa mưa lũ. Tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ, phân trung, vi lượng nhằm giúp cây sinh trưởng tốt và kéo dài thời gian thu hoạch, giảm bớt thất thoát khi thu hoạch chậm do không tiêu thụ được. Các vùng có điều kiện thuận lợi, có truyền thống canh tác cây màu có thể bố trí, mở rộng diện tích trồng màu, tăng vòng quay canh tác để tăng lợi nhuận, thu nhập cho người dân.

Riêng cây ăn trái, do ảnh hưởng bởi tình hình dịch COVID- 19 nên một số loại cây ăn trái gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, dẫn đến tình trạng người dân phải neo trái, kéo dài thời gian thu hoạch. Để hạn chế tình trạng này, nông dân cần bổ sung phân trung, vi lượng, phân hữu cơ, hoặc một số sản phẩm điều hòa sinh trưởng như Bo, Si, Ca, GA3,… nhằm giúp kéo dài thời gian thu hoạch giảm sự hư hỏng, thất thoát trong thời gian không có thương lái đến mua. Ứng dụng Clorua Canxi (CaCl2) 1% sau thu hoạch để làm chậm quá trình chín và già, giảm hô hấp, kéo dài thời gian bảo quản, duy trì độ săn chắc và làm giảm các rối loạn sinh lý của nhiều loại trái cây và rau quả.

Bài, ảnh: THÀNH LONG

 
Nguồn: http://baovinhlong.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/202109/bao-ve-san-xuat-truoc-thien-tai-dich-benh-3077508/