|
  • :
  • :

Phát huy vai trò của HTX trong liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân

Nhằm tạo nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng phục vụ cho sản xuất, nhiều HTX đã tăng cường liên kết bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho bà con nông dân. Sự liên kết này không chỉ giúp thúc đẩy quá trình sản xuất của người nông dân mà phần nào còn thay đổi điệp khúc “được mùa mất giá” lâu nay.

Hải Ninh là một xã biển bãi ngang của huyện Quảng Ninh. Kinh tế của người dân nơi đây phần lớn sống dựa vào nghề biển. Nếu như trước đây, mỗi chuyến biển trở về, nhiều ngư dân luôn phải lo lắng, chật vật tìm đầu ra cho hải sản thì nay, nỗi lo đó đã vơi bớt.
 
Sự ra đời của các HTX chế biến thủy hải sản trên địa bàn xã đã giải quyết phần nào đầu ra cho hải sản đánh bắt của bà con ngư dân.
 
Bà Mai Thị Loan, hội viên HTX sản xuất chế biến thủy hải sản Minh Quang chia sẻ: “Gia đình tôi làm nghề biển đã lâu. Trước đây, khi chưa tham gia vào HTX, mỗi chuyến ra khơi đánh bắt trở về, nếu trúng cá cơm, cá nục thì gia đình tôi phơi khô hoặc làm mắm, số còn thừa thì đem bán. Tuy nhiên, có đợt trúng đậm, thuyền đánh bắt được 5-6 tạ cá, đúng lúc thời tiết không có nắng, không thể phơi hay làm mắm hết, vợ chồng tôi phải thuê xe công nông chở số cá đó đi khắp làng để bán. Thời điểm đó, chỉ mong người ta mua cho hết chứ giá thì rẻ lắm. Tính ra chuyến biển trúng mà cũng như không trúng. Bây giờ, tham gia vào HTX, được HTX bao tiêu sản phẩm với giá ổn định nên mỗi chuyến biển về, vợ chồng tôi không phải lo lắng cảnh thuê xe đi bán hải sản quanh làng như trước đây”.
 
Bà Trần Thị Đào, Giám đốc HTX sản xuất chế biển thủy hải sản Minh Quang cho biết: "Ở xã Hải Ninh, ngư dân đánh bắt phụ thuộc vào thời tiết. Thuyền vào trúng mưa không phơi được cá, bà con phải chạy đôn chạy đáo để bán được cá, giá thành thì chỉ từ 4.000 đồng/kg, cao nhất là 6.000 đồng/kg đối với các loại cá, ruốc. Với mong muốn sản xuất ra thương hiệu nước mắm riêng và giải quyết đầu ra cho hải sản của bà con trong xã, năm 2020, chúng tôi thành lập HTX chế biến thủy hải sản Minh Quang với 9 thành viên. Sản phẩm chính của HTX là nước mắm và ruốc. Để có nguyên liệu phục vụ sản xuất, từ khi thành lập đến nay, HTX chúng tôi đã thu mua với số lượng lớn hải sản của bà con. Giá thành thu mua cho bà con luôn được HTX duy trì ở mức ổn định, cá cơm có giá dao động từ 10.000-14.000 đồng/kg; ruốc tươi 10.000 đồng/kg; cá ve 8.000-9.000 đồng/kg...”.
 
Cùng với thủy hải sản, các nông sản khác của bà con sản xuất ra cũng nhận được sự hỗ trợ đầu ra của các HTX. Ở huyện Lệ Thủy, những năm gần đây, một số nông dân trồng nghệ không còn lo lắng, phấp phỏng nỗi lo đầu ra vì sản phẩm nghệ của họ đã được HTX dịch vụ tổng hợp Bình An cam kết thu mua.

HTX chế biến thủy hải sản Minh Quang cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con ngư dân.

HTX chế biến thủy hải sản Minh Quang cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con ngư dân.

Chị Nguyễn Thị Bình, Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Bình An, xã Trường Thủy cho hay:  “Năm 2018, HTX được thành lập với sản phẩm sản xuất chính là tinh bột nghệ. Mặc dù HTX đã có 20ha diện tích trồng nghệ hàng năm nhưng do số lượng sản xuất lớn nên HTX phải thu mua thêm nguyên liệu của bà con. Hiện tại, HTX đang ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con trồng nghệ ở một số xã trên địa bàn huyện Lệ Thủy, như: Mai Thủy, Liên Thủy, Phú Thủy, Xuân Thủy... Trung bình mỗi năm, HTX thu mua khoảng 80-90 tấn nghệ cho bà con với giá từ 5.000 đồng-13.000 đồng/ kg. Năm nay, do diện tích trồng nghệ của một số hộ bị hư hỏng do lũ lụt, nên HTX thu mua với giá thành cao hơn mọi năm. Để đa dạng sản phẩm, HTX cũng đã mở rộng sản xuất thêm tinh dầu sả và tinh dầu tràm. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục bao tiêu thêm một số diện tích trồng sả của nông dân trên địa bàn huyện”.
 
Để duy trì sản xuất lâu dài và quản lý chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào, hiện việc ký cam kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân với số lượng, diện tích lớn đang được các HTX chú trọng hướng đến. Phát triển HTX theo chuỗi liên kết sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sản xuất ổn định cho bà con, giúp họ yên tâm đầu ra và giá cả.
 
Bà Nguyễn Thị Hường, xã Phú Thủy (Lệ Thủy) vui mừng chia sẻ: “Trước đây, tôi rất đau đầu khi phải suy nghĩ trồng cây gì để phù hợp với đất đai, khí hậu của vùng lại vừa có đầu ra ổn định và giá trị kinh tế cao. Thế nhưng từ khi được HTX dịch vụ tổng hợp Bình An cam kết bao tiêu đầu ra cho cây nghệ, tôi rất vui và yên tâm để trồng hơn 1ha”.
 
Ông Ngô Gia Thởi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: "Toàn tỉnh hiện có 370 HTX, trong đó có 241 HTX dịch vụ nông nghiệp; 14 HTX chế biến thủy sản... Nhiều mô hình HTX đã phát huy vai trò trong việc liên kết, tiêu thụ nông sản cho nông dân, qua đó, khuyến khích bà con tích cực sản xuất. Việc liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân của các HTX sẽ góp phần từng bước thay đổi phương thức, tập quán sản xuất manh mún hiện nay để dần hình thành những vùng sản xuất tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho nông dân".
 
Đoàn Nguyệt
Nguồn: http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202107/phat-huy-vai-tro-cua-htx-trong-lien-ket-tieu-thu-nong-san-cho-nong-dan-2191373/