Đóng gói miến dong tại HTX Tài Hoan (Na Rì). |
Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh, hiện nay có nhiều loại cây trồng chuyên canh, tạo thành vùng hàng hóa, cụ thể: 2.377ha quýt, diện tích cho thu hoạch 1.900ha, năng suất trung bình đạt 102 tạ/ha; 938ha cam, diện tích cho thu hoạch 410ha, năng suất trung bình đạt 92 tạ/ha; 799ha hồng không hạt, diện tích cho thu hoạch 514ha, năng suất trung bình 43 tạ/ha; 637ha mơ, năng suất trung bình 61 tạ/ha. Ngoài ra, một số loại cây trồng khác đang được các địa phương chú trọng phát triển như: Chuối hiện có 1.345ha, dong riềng năm 2020 trồng gần 500ha, nghệ hơn 200ha. Với diện tích và sản lượng như trên, rất cần có nhà máy chế biến sâu để ổn định đầu ra cho nông sản, phát triển sản xuất một cách bền vững.
Một số loại củ và quả của tỉnh đã và đang chế biến và xuất khẩu như dong riềng, mơ, nghệ. Toàn tỉnh hiện có hơn 20 cơ sở chế biến dong riềng, hầu hết củ dong đã được chế biến tại địa phương, hạn chế bán củ và tinh bột ra khỏi tỉnh. Tỉnh đã có cơ chế khuyến khích các cơ sở chế biến mở rộng quy mô, đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ. Năm 2020, HTX Tài Hoan đã xuất khẩu sản phẩm sang thị trường châu Âu.
Khoảng 5 năm trở lại đây, tỉnh Bắc Kạn phát triển cây nghệ. Đây là cây trồng cho năng suất và giá trị thu nhập cao trên cùng diện tích canh tác. Trên địa bàn thành phố hiện có 04 doanh nghiệp, HTX chế biến sâu các sản phẩm từ nghệ. Là một trong những doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nghệ tại Bắc Kạn, Công ty Cổ phần Curcumin Bắc Hà đã tạo được thương hiệu nghệ nếp Bắc Kạn trên thị trường trong nước và quốc tế, từng bước khẳng định vị thế của nông sản địa phương.
Khắc phục tình trạng trồng nhiều nhưng mất giá do không có nhà máy chế biến, những năm gần đây quả mơ vàng Bắc Kạn đã lấy lại được vị thế nhờ nhà đầu tư Nhật Bản tại Khu công nghiệp Thanh Bình (Chợ Mới). Từ năm 2018 đến nay, cây mơ bản địa có bước phát triển đột phá khi chính quyền địa phương ký hợp đồng với Công ty TNHH Việt Nam Misaki tiêu thụ toàn bộ sản phẩm quả mơ của xã Cao Kỳ (Chợ Mới) trong thời hạn 5 năm liên tục. Quả mơ từ chỗ phụ thuộc tư thương nay đã có đầu ra ổn định nhờ chế biến sâu tại địa phương.
Chia sẻ định hướng cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông sản giai đoạn 2021-2025, đồng chí Nguyễn Ngọc Cương- Phó Giám đốc Sở NN&PTNN cho biết: Ngành chỉ đạo, định hướng cụ thể đối với từng loại cây trồng, tập trung nâng cao chất lượng các loại củ, quả, kêu gọi đầu tư, liên kết bao tiêu sản phẩm, đặc biệt hướng tới các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Phấn đấu nâng cao chất lượng nông sản, từng bước ổn định đầu ra và phát triển vùng chuyên canh gắn với các nhà máy chế biến. Tập trung chế biến sâu hướng tới xuất khẩu, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị kinh tế cho người dân.../.
H.T