|
  • :
  • :

Nhà vườn "coi đất" trồng cam

Dẫn chúng tôi ra thăm vườn cam sành sau nhà trái xum xuê tới ngày thu hoạch, anh nông dân Nguyễn Văn Hoa (ở ấp Tân Nguyên, xã Loan Mỹ- Tam Bình)- người đang trồng hơn 100 công cam cho biết, đất ở đây thích hợp trồng cam, vườn này 7 năm tuổi rồi nhưng vẫn cho năng suất cao, lợi nhuận khá.

Anh Hoa (bên trái) bên vườn cam 7 năm tuổi cho lợi nhuận khá hàng năm.
Anh Hoa (bên trái) bên vườn cam 7 năm tuổi cho lợi nhuận khá hàng năm.

Anh Hoa cho biết thêm, lúc đầu anh làm lúa, sau chuyển sang trồng cam. Từ vài công ban đầu, hiện anh trồng trên 100 công cam trên đất nhà và đất thuê do “trồng thấy đạt nên mở rộng diện tích lên hoài”.

Tươi cười nhìn những cành cam trĩu trái trong vườn, anh Hoa cho biết, do vào mùa nghịch nên giá cam đang ở mức cao. Hiện vườn nhà anh đang có trên 100 tấn cam tới ngày thu hoạch, “lái chuẩn bị tới cân, đã chốt giá 23.000 đ/kg”. Theo anh Hoa, giá thị trường hiện khoảng 20.000 đ/kg nhưng do cam vườn nhà anh trái đẹp nên giá nhỉnh hơn.

Hơn 20 năm gắn bó với cây cam, anh Hoa nói: “Tôi thấy hồi xưa giờ giá cam vẫn ổn định. Mùa nghịch thì từ mười mấy ngàn đồng/kg trở lên. Mùa thuận có năm 7.000- 8.000 đ/kg, có năm vẫn mười mấy ngàn như thường. Mà giá từ 7.000- 8.000 đ/kg là có lời. Do đó, người biết trồng cam thì cho lợi nhuận mỗi năm khoảng 100 triệu đồng/công. Riêng gia đình tui từ hồi trồng cam tới giờ thấy kinh tế gia đình ổn định, cuộc sống thoải mái hơn”.

Theo anh Hoa, trái cam rất dễ bán “tới mùa thu hoạch là lái đến cân rồi chuyển đi tiêu thụ”. Anh Hoa cũng cho rằng “chính nhờ cam tiêu thụ mạnh trong nước nên giá ổn định so những nông sản khác phụ thuộc chuyện xuất tiểu ngạch qua nước ngoài”.

Tuy nhiên, cũng theo anh Hoa, mỗi vùng đất chịu một loại cây, do đó trồng cam cũng tùy theo khu vực, tùy loại đất và phải có kỹ thuật. “Đất ở đây hợp với cây cam nên trồng cả chục năm năng suất vẫn cao, trong khi có vùng trồng chỉ ăn được 3- 5 năm. Như vườn cam nhà tui ăn suốt mười mấy năm mới trở đất- đảo mương thành liếp, liếp thành mương để trồng đợt cam mới”- anh Hoa xởi lởi.

Còn đối với trồng cam trên đất ruộng thì anh lưu ý, phải “coi đất” mới quyết định trồng. “Phải là đất sét đỏ, độ pH đảm bảo và ít phèn”. Theo đó, đối với khu vực đã có người trồng thì “xem người ta trồng đạt hay không. Nếu đạt, mình đào đất lên coi, nếu đất sét đỏ là đạt. Còn khu đó người ta trồng kiểu lọt xọt thì thôi, khu đó mình không nên trồng. Còn đối với khu vực chưa có ai trồng thì buộc phải lấy vá đào lớp đất phía dưới lên coi là đất sét gì mới quyết định trồng hay không”.

Về kỹ thuật, dù nhận mình “biết được chút đỉnh do làm nhiều năm rút kinh nghiệm” nhưng anh Hoa cho biết: “Đi đâu thấy người ta làm đạt thì tui cũng vào vườn để học thực tế, rồi đi đây đi đó học hỏi thêm và tích cực tham gia các hội thảo”.

Ông Châu Ngọc Tuấn- Bí thư kiêm Trưởng ấp Tân Nguyên cho biết, “Tân Nguyên có diện tích vườn khoảng 6- 7ha, đa số trồng cam sành. Trong đó, anh Hoa là một trong số ít hộ trồng trên 100 công cam”. Cũng theo ông Tuấn, khoảng 10 năm trước ở ấp phần lớn là vườn tạp, được ngành chức năng vận động trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao. Do cam cho lợi nhuận cao nên người dân hiện đa số chuyển qua trồng cam.

Bài, ảnh: SÔNG HẬU- NGUYỄN XUÂN

Nguồn: http://baovinhlong.com.vn/kinh-te/202203/nha-vuon-coi-dat-trong-cam-3108784/