|
  • :
  • :

Sản xuất lúa ứng phó biến đổi khí hậu

Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất lúa ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025“ được triển khai tại xã Hòa Hiệp (Tam Bình) đã góp phần hỗ trợ nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là ứng phó với hạn mặn, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa.

Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất lúa ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025” được triển khai tại xã Hòa Hiệp (Tam Bình) đã góp phần hỗ trợ nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là ứng phó với hạn mặn, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa.

Mô hình sản xuất lúa ứng phó BĐKH đạt hiệu quả tốt, giúp nông dân tăng hiệu quả sản xuất.
Mô hình sản xuất lúa ứng phó BĐKH đạt hiệu quả tốt, giúp nông dân tăng hiệu quả sản xuất.

Sản xuất lúa né mặn

Được triển khai tại Ấp 7 (xã Hòa Hiệp- Tam Bình), mô hình sản xuất lúa ứng phó với BĐKH có 49 hộ tham gia 26,7ha. Theo Trạm Khuyến nông huyện, mô hình được triển khai tại Ấp 7 là do địa bàn phải phù hợp với quy hoạch và định hướng sản xuất lúa hàng hóa của tỉnh và huyện; cánh đồng lúa tập trung, chân đất ruộng tốt. Đồng thời, xã Hòa Hiệp là vùng sản xuất phải có hệ thống đê bao, cống bộng hoàn chỉnh, an toàn, chủ động về thủy lợi bao gồm cả việc tưới và thoát nước, có khả năng chịu ảnh hưởng, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn.

Mô hình sử dụng giống cấp xác nhận, đạt năng suất, chất lượng cao thích hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh, đặc biệt là có khả năng chống chịu phèn, mặn như: DM18, OM429, OM6976, Đài thơm 8, OM7347; OM6162, OM5451, OM380, OM9577... Ông Nguyễn Văn Thành- Trưởng Trạm Khuyến nông huyện, cho biết: Mô hình ứng dụng kỹ thuật canh tác tổng hợp, linh hoạt các biện pháp kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến theo hướng tiết kiệm nước tưới và chi phí đầu vào như: 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, kỹ thuật tưới nước tiết kiệm, ngập- khô xen kẽ,... phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Cụ thể, ruộng không đốt đồng, thường xuyên theo dõi dự báo hạn hán, xâm nhập mặn của ngành nông nghiệp để có kế hoạch tích trữ nước phù hợp cho vụ sản xuất, đồng thời kiểm tra độ mặn, phèn của nguồn nước (bằng dụng cụ đo) để đảm bảo nguồn nước không bị nhiễm mặn, phèn trước khi tích trữ. Bón phân lót có công dụng giải độc phèn, mặn, có chứa vi sinh vật phân hủy rơm rạ kết hợp với làm đất, chang bằng mặt ruộng, đánh rãnh thoát nước, theo dõi đánh giá điều kiện đất, nước phù hợp trước khi gieo sạ (bằng dụng cụ đo).

Chú Trương Ngọc Hở (Ba Hở, ở Ấp 7, làm 10 công ruộng), cho hay: “Tham gia mô hình tôi áp dụng kỹ thuật gieo sạ bằng các phương pháp giảm lượng giống, bón phân cân đối, tiết kiệm, đồng thời sử dụng các sản phẩm phân bón thế hệ mới phù hợp điều kiện BĐKH, dùng thuốc hóa học khi cần thiết, có sự khuyến cáo của cán bộ chuyên ngành, ưu tiên sử dụng các loại thuốc an toàn cho thiên dịch và môi trường,… Nhờ vậy, mà tiết kiệm được chi phí phân, thuốc đầu vào”.

“Những vụ trước tôi còn lo lắng về tình trạng hạn mặn. Tuy nhiên, sau khi địa phương được đầu tư cống, bộng, đo độ mặn thường xuyên, kết hợp với tham gia mô hình, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là xuống giống né hạn mặn, giờ tôi an tâm sản xuất hơn. Nếu như các vụ Đông Xuân trước năng suất chỉ khoảng 6- 6,5 tấn/ha, thì vụ Đông Xuân này được 7,6 tấn/ha”- chú Ba Hở phấn khởi nói.

Hiệu quả cao, từng bước nhân rộng mô hình

Nhiều nông dân cho hay, nhờ tham gia mô hình, nông dân tiếp cận được quy trình kỹ thuật canh tác lúa theo gói kỹ thuật thâm canh đồng bộ 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, phương pháp quản lý nước ngập- khô xen kẽ. Trong đó, chú trọng việc ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn; các giải pháp, quy trình kỹ thuật canh tác lúa để thích ứng với BĐKH…

Năng suất lúa của mô hình được nâng lên.

Năng suất lúa của mô hình được nâng lên.

Anh Phạm Văn Thi- Tổ trưởng Tổ sản xuất lúa, cho biết: “Qua các buổi tập huấn, chúng tôi còn cán bộ kỹ thuật tư vấn về độ mặn, pH; cách đo, cách xác định độ mặn, pH trong nước ruộng và cách quản lý, ứng phó… Nhờ đó mà có thêm kinh nghiệm trong sản xuất lúa và ứng phó với hạn mặn tốt hơn”.

Ông Trương Thanh Hải- Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp, cho biết: Đây là mô hình đầu tiên được triển khai tại địa phương. Từ khi triển khai mô hình này đã đem lại hiệu quả cao cho nông dân trong khu vực. Không chỉ giúp nông dân tiết kiệm chi phí, mà năng suất, lợi nhuận lại cao hơn so với ngoài mô hình. Thời gian tới, xã sẽ rút kinh nghiệm từ mô hình và tiếp tục nhân rộng mô hình ra các ấp lân cận.

Ông Trương Thanh Hải- Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp: Thời gian qua, địa phương cùng với người dân đã chủ động ứng phó với hạn, mặn. Theo đó, nhiều công trình đã được triển khai, bờ bao, cống đập khép kín phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện xã có các cống đang được thi công là cống hở Rạch Lò, Rạch Đình, sau khi hoàn thành sẽ bảo vệ sản xuất, sinh hoạt cho khoảng 70- 80% hộ dân trong khu vực. Song song các công trình được huyện, tỉnh đầu tư, xã cũng tiến hành nạo vét, khơi thông kinh thủy lợi nội đồng để trữ nước khi độ mặn lên cao.

Địa phương cũng khuyến khích vận động người dân giãn vụ, bỏ vụ để vừa ứng phó hạn, mặn vừa lấy phù sa vào đồng ruộng. Qua vận động đã có 2 ấp thực hiện sản xuất 2 vụ/năm.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Nguồn: http://baovinhlong.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/202203/san-xuat-lua-ung-pho-bien-doi-khi-hau-3108604/