Các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tham gia trưng bày sản phẩm nhằm tìm kiếm cơ hội phát triển thị trường TP Hồ Chí Minh. |
Nằm trong khuôn khổ hội nghị tổng kết chương trình hợp tác kinh tế- xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, hội nghị kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp (DN) phân phối TP Hồ Chí Minh và các DN sản xuất ĐBSCL đã định hướng tăng cường kết nối, tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới.
Cùng nhận định khó khăn
Tham dự hội nghị kết nối giao thương có sự góp mặt của hơn 124 đơn vị đến từ 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Qua đó mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm sản xuất trong nước đạt chất lượng cao, tạo cơ hội cho các tỉnh, thành phố, các DN có điều kiện giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh, TP Hồ Chí Minh đã và đang đồng hành, hỗ trợ tích cực các địa phương qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, góp phần hiện thực hóa chủ trương liên kết vùng của Chính phủ. Từ đó tạo cơ hội cho sản phẩm hàng hóa của ĐBSCL tiếp cận với các DN, nhà phân phối, thâm nhập vào các kênh phân phối hiện đại thông qua các siêu thị, trung tâm thương mại, sàn thương mại điện tử, góp phần tích cực vào giải quyết đầu ra cho hàng hóa nông sản và sản phẩm chế biến của các địa phương.
Tại hội nghị, một số đơn vị phân phối cũng cho biết đang gặp những khó khăn nhất định, đồng thời mong muốn cùng ngồi lại với DN cung ứng để cùng nhau giải quyết điểm nghẽn, cùng nhau phát triển. Đại diện một DN ở Trà Vinh chia sẻ, đa phần DN ở ĐBSCL là DN nhỏ và vừa nên khả năng tiếp cận kém và thiếu hiệu quả, chưa thể tiếp cận với các nhà phân phối lớn. Trong khi đó, kinh doanh trên các mặt bằng thương mại điện tử thì các DN chưa “rành” hoặc thử rồi hay bị… “tử vì điện”.
Đại diện hệ thống siêu thị Big C cũng chia sẻ khó khăn, hiện nay lượng hàng hóa tiêu thụ của Việt Nam trong các hệ thống siêu thị chiếm đến 95%, các hệ thống này ưu tiên sản phẩm của địa phương. Tuy nhiên, việc thu mua các sản phẩm rau củ từ các địa phương thật sự khó khăn, một phần vì sản xuất rời rạc, phần vì các đầu mối thu mua “không có tiếng nói chung, mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy bán”.
Vĩnh Long có 5 DN, HTX thực hiện ký kết giao thương với các DN hệ thống phân phối TP Hồ Chí Minh gồm: HTX Rau củ quả Tân Bình, HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước, hộ kinh doanh Thiên An 3, Công ty TNHH MTV My Tỷ Mai, Công ty CP VinaGreenCo chi nhánh Vĩnh Long. |
Tăng cường tính kết nối
Với vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước, TP Hồ Chí Minh đã và đang đồng hành, hỗ trợ tích cực các địa phương vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, các DN phân phối tại TP Hồ Chí Minh cũng đánh giá những khó khăn nhất định, nhất là trong các quy trình nhập hàng, cũng như nhu cầu, tiêu chuẩn hàng hóa các DN đưa ra.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết hội nghị đã hoàn thành 3 mục tiêu, là tháo gỡ nút thắt lớn hiện nay trong giao thương, khơi thông mở ra không gian phát triển mới- kinh tế không biên giới và định hình lại chuỗi thương hiệu đặc trưng.
Đồng thời, yêu cầu Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy vai trò đầu mối, phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tập trung đẩy mạnh kết nối trực tuyến; phát huy các giải pháp ứng dụng thương mại điện tử trong kết nối giao thương, tạo điều kiện thuận lợi để các DN gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ cả trong môi trường trực tiếp và trực tuyến.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh kết nối, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, thiết lập kênh phân phối trực tuyến, định hướng xuất khẩu hàng hóa đặc trưng của từng địa phương.
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cùng ký biên bản thỏa thuận hợp tác. |
“ĐBSCL từ lâu vẫn luôn sắt son và bền chặt, gắn kết và niềm nở, luôn là hậu phương vững chắc để cùng hỗ trợ với TP Hồ Chí Minh trong phát triển đa phương, đa lĩnh vực. ĐBSCL cũng đóng vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng trong các định hướng hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố về kinh tế- xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại…”, ông Võ Văn Hoan chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Liệt- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết trong nhiều năm qua, Vĩnh Long luôn xem trọng thỏa thuận hợp tác với TP Hồ Chí Minh, mở ra các cơ hội hợp tác mới trên nhiều lĩnh vực, qua đó khai thác tốt nhất tiềm năng hiện có và mang lại lợi ích chung cho hai địa phương… “Thời gian tới, Vĩnh Long đề xuất các nội dung hợp tác với TP Hồ Chí Minh ở một số lĩnh vực gồm: nghiên cứu, chia sẻ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững; liên kết phát triển dịch vụ, công nghệ bảo quản nông sản và dịch vụ logistics; liên kết xúc tiến đầu tư về thương mại và du lịch…
TP Hồ Chí Minh ký 2 nội dung hợp tác với Vĩnh Long Nhằm phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế của các bên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Vĩnh Long đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác đến năm 2025 ở 2 nội dung. Cụ thể, hợp tác nghiên cứu, chia sẻ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững, liên kết phát triển dịch vụ, công nghệ bảo quản hàng nông sản và dịch vụ logistics; liên kết phát triển hệ thống phân phối, chuỗi cung ứng hiện đại phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. |
Bài, ảnh: KHÁNH DUY