|
  • :
  • :

Nguy cơ từ phát triển "nóng" cây sầu riêng

Nỗi lo cung vượt cầu

Người dân xã An Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang chăm sóc sầu riêng.

Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) cho biết, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã phê duyệt cho 246 mã số vùng trồng và 97 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc.

Nhớ lại trước đây, do mít Thái được giá giúp bà con nông dân thu lãi cao, có thời điểm mỗi héc-ta cho thu nhập vài trăm triệu đồng. Vì vậy, một số địa phương nông dân đua nhau trồng nhưng đến khi rớt giá lại quay sang chặt bỏ. Cũng thời gian trước, việc trồng dưa hấu tự phát, theo phong trào, không theo quy hoạch, khuyến cáo dẫn đến cung vượt cầu nên xảy ra tình trạng phải "giải cứu"…

Thời gian gần đây, giá sầu riêng tăng cao, ở một số nơi có hiện tượng chặt bỏ cà-phê, hồ tiêu, mít... chuyển sang trồng sầu riêng hoặc đưa loại cây trồng này trồng ở những vùng đất không phù hợp. Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Như Cường cho biết: Việc tăng diện tích một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, trồng theo phong trào, không theo định hướng, khuyến cáo của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, cung vượt quá cầu, dư thừa, giá thấp. Nghiêm trọng hơn, có tình trạng trồng sầu riêng tại các vùng không phù hợp như vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng không chủ động được nước tưới, tiêu sẽ ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng sầu riêng.

Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, việc trồng cây ăn quả, nhất là sầu riêng thời gian qua đang có hiệu quả. Đặc biệt, sau Tết Nguyên đán năm 2023, giá sầu riêng tạo nên "cơn sốt" khi chạm mốc hơn 150.000 đồng/kg tại vườn. Chính vì điều này, nông dân đã chuyển đổi từ đất lúa hoặc các loại cây ăn quả khác sang sầu riêng dẫn đến phát triển "nóng".

Cuối năm 2022, diện tích sầu riêng toàn tỉnh Tiền Giang đạt hơn 17.600ha, vượt kế hoạch trồng vào năm 2025. Các vùng trồng sầu riêng nhiều nhất là: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, thị xã Cai Lậy. Giá tăng cao nên người dân đã chặt bỏ các loại cây ăn quả khác hoặc chuyển đất lúa sang để trồng sầu riêng.

Ông Bùi Văn Nam, ở xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy cho biết, trước đây, gia đình trồng 0,6ha đất lúa, hằng năm, lợi nhuận mang lại cho gia đình từ 30 đến 35 triệu đồng. Thấy cây sầu riêng mang lại hiệu quả cao, gia đình ông đã chuyển đổi sang trồng sầu riêng. Theo ông Nam, thổ nhưỡng của vùng đất này rất thích hợp cho cây sầu riêng phát triển. Vụ vừa rồi, có gia đình đã lãi 70 đến 80 triệu đồng/công (1.000m2), cao hơn chục lần so với trồng lúa.

Trước thực trạng chuyển đổi từ đất lúa sang cây ăn trái như hiện nay, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè (Tiền Giang) Phan Thanh Sơn cho biết: "Địa phương rất lo lắng khi người dân ồ ạt trồng sầu riêng. Hằng năm, huyện đều xây dựng kế hoạch chuyển đổi chi tiết cho từng nhóm cây trồng và diện tích chuyển đổi của từng xã dựa trên định hướng đề án chuyển đổi của tỉnh.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc chuyển đổi từ đất lúa sang cây ăn trái, nhất là sầu riêng ở phía bắc quốc lộ 1 của huyện diễn ra rải rác chưa theo quy hoạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Qua thống kê, từ năm 2021 đến nay, tại vùng phía bắc quốc lộ 1, nông dân đã chuyển từ đất lúa, cây ăn trái già cỗi sang trồng cây ăn quả với diện tích gần 1.400ha, trong đó có 930ha sầu riêng; do đó, nâng diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn lên khoảng 7.000ha. Còn theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn: "Diện tích trồng cây ăn quả ở phía bắc quốc lộ 1 khoảng 48.000ha, trong đó mít Thái 5.200ha, sầu riêng 3.000ha.

Tuy nhiên, trên thực tế, nông dân đã chen sầu riêng vào các vườn mít Thái rất nhiều. Vì vậy, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp các địa phương khảo sát để xác định vùng trồng sầu riêng mang lại hiệu quả, bảo đảm tính bền vững".

Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho rằng: "Để phát triển sầu riêng bền vững, hiệu quả, phù hợp định hướng phát triển chung của ngành, các địa phương cần tập trung tuyên truyền, phổ biến, nhằm từng bước thay đổi thói quen, sản xuất theo phong trào, theo số đông; việc phát triển cây trồng nói chung và sầu riêng nói riêng cần theo định hướng thị trường, định hướng của các cơ quan quản lý.

Hiện nay, thay vì tăng diện tích, sản lượng thì cần tập trung tổ chức lại sản xuất, liên kết, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng".

Bên cạnh đó, các địa phương cần khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; không tự phát chuyển đổi vườn cà-phê trồng xen sầu riêng, hồ tiêu có hiệu quả sang trồng thuần cây sầu riêng.

Ngoài ra, cần định hướng, tích hợp phát triển cây ăn quả trong quy hoạch của địa phương; đề xuất cơ chế, chính sách, thu hút doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến liên kết nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng vùng trồng cây ăn quả tập trung; xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói; áp dụng quy trình công nghệ canh tác tiên tiến, an toàn.

Đồng thời có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, trong đó cần định hướng rõ các vùng lợi thế, vùng phù hợp đối với các cây trồng chuyển đổi, trong đó lưu ý cây sầu riêng; tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra chất lượng giống cây sầu riêng; thực hiện tốt việc thẩm định, công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng sầu riêng; phổ biến áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt trong vùng sản xuất tập trung, mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm; liên kết doanh nghiệp đóng gói, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu; xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất.

Còn theo Viện trưởng Viện cây ăn quả miền nam Võ Hữu Thoại: "Cần thận trọng trong chọn giống cây trồng vì giống cây ăn quả, nhất là sầu riêng có thời gian kiến thiết cơ bản dài, đầu tư lớn (cây trồng từ 4 đến 5 năm mới cho quả). Để tránh những rủi ro có thể xảy ra sau này, chúng ta phải mạnh dạn loại bỏ tư duy sản xuất luôn chạy theo các giống mới, thấy cây gì được giá thì trồng ồ ạt đến khi mất giá một năm lại phá bỏ.Vì vậy, người nông dân cần tuân thủ quy hoạch vùng trồng các loại cây ăn quả của địa phương".

Ngoài ra, ông Võ Hữu Thoại cho rằng, để các loại nông sản tiếp tục xuất khẩu tốt vào thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác, cần chú trọng giải pháp khoa học để cây cho thu hoạch quả rải đều trong năm, vùng nguyên liệu được cấp mã số vùng trồng, cần có sự đồng bộ về năng lực đóng gói, bảo quản và chế biến. Các cơ quan chức năng cần lưu ý kiểm soát về diện tích, sản lượng khi xuất khẩu đang gia tăng cũng như bảo đảm về chất lượng, an toàn thực phẩm để đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Nguồn: http://nongthonviet.com.vn/nguy-co-tu-phat-trien-nong-cay-sau-rieng.ngn
Tin liên quan
Chưa có thông tin