|
  • :
  • :

Huy động nhiều nguồn lực cứng hóa kênh, mương

Bằng các nguồn vốn khác nhau, các đơn vị, địa phương chú trọng đầu tư, xây dựng kênh mương. Qua đó hệ thống thủy lợi ngày càng được kiên cố, chủ động tưới, tiêu góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng.

Chủ động cung cấp nước tưới

Cuối tháng 7 vừa qua, do nắng nóng kéo dài, diện tích lúa của gia đình ông Phạm Văn Tươi (SN 1966) thôn Ngọc Mai, xã Chu Điện (Lục Nam) bị hạn. Khác với những năm trước, ông Tươi không phải vất vả tìm nguồn để tưới. Theo lời ông, trước đây mương dẫn nước của thôn là mương đất. 

kênh mương, Bắc Giang, thủy lợi, nông nghiệp, tưới, tiêu

Kênh Giữa, đoạn qua địa bàn tổ dân phố Hoành Sơn, thị trấn Vôi xuống cấp .

Năm 2020, bằng nguồn vốn hỗ trợ của huyện, xã cùng ngày công lao động của bà con, thôn đã cứng hóa 100 m mương dẫn nước tại cánh đồng tiếp giáp với xã Bảo Đài (cùng huyện). Nhờ đó, toàn bộ đất trồng lúa ở khu vực này chủ động nước tưới. Không chỉ tại thôn Ngọc Mai, ở khắp các cánh đồng thuộc các thôn: Hà Tú, Mẫu Sơn, Xuân Phong… (cùng xã Chu Điện), nhiều tuyến cũng được cứng hóa, người dân sản xuất thuận lợi. 

Ông Hoàng Văn Điềm, Chủ tịch UBND xã Chu Điện cho biết: “Với gần 600 ha đất nông nghiệp, xã có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp và trở thành vùng trọng điểm canh tác củ đậu, hành lá và dưa. Đến nay, với hơn 80% kênh, mương nội đồng cứng hóa, người dân chủ động nước tưới, hiệu quả sản xuất nâng lên”.

Từ các nguồn lực, nhiều công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng, từng bước khắc phục khó khăn về nước tưới. Ví như công trình Trạm bơm bản Trại Sông và cứng hóa kênh mương bản Gốc Rổi, xã Canh Nậu (Yên Thế) được xây dựng thông qua nguồn hỗ trợ các thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết HĐND tỉnh cũng giúp người người dân dễ dàng tưới nước cho gần 20 ha đất canh tác. Tình trạng người dân phải bỏ ruộng do khô hạn không còn, nhiều hộ mạnh dạn đưa giống cây mới, giá trị cao vào canh tác. 

 

Bắc Giang có nhiều chính sách hỗ trợ nên tỷ lệ cứng hóa kênh, mương đạt 48%, tăng gấp đôi so với năm 2010. Riêng kênh, mương cấp 1, 2 đạt 48%, tạo thuận lợi thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.

 

Tương tự, cùng với các nguồn vốn khác, hằng năm UBND tỉnh phân bổ cho Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Bắc Sông Thương 20 tỷ đồng từ nguồn vốn bảo vệ và phát triển đất trồng lúa để cải tạo, sửa chữa các công trình thủy lợi. Nhờ đó đến nay, Công ty đã cứng hóa được 77/94,7 km kênh cấp 1 và 265/360 km kênh cấp 2, bảo đảm nước tưới, tiêu cho hơn 38 nghìn ha đất nông nghiệp thuộc các huyện: Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động và một phần Yên Dũng, TP Bắc Giang. 

“Nếu như trước đây, tại một số khu vực, nhất là ở những địa bàn xa trạm bơm, tình trạng thiếu nước hoặc nước về chậm xảy ra thì nay có nước ổn định, bảo đảm cho bà con canh tác đúng thời vụ”, ông Nguyễn Xuân Hiến, Phó Giám đốc Công ty nói.

Kết hợp và bổ sung các nguồn lực

Theo Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT), với gần 6,5 nghìn km kênh tưới cùng hơn 1,4 nghìn km kênh tiêu, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn có nhiều thuận lợi. Vài năm trở lại đây, Bắc Giang có nhiều chính sách hỗ trợ nên tỷ lệ cứng hóa kênh mương đạt 48%, tăng gấp đôi so với năm 2010. 

Riêng hệ thống kênh cấp 1, 2 đạt 64%, tạo thuận lợi để người dân phát triển sản xuất. Tuy nhiên, tại một số địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, bà con vẫn gặp khó khăn về nước tưới, 100% kênh tiêu chưa được cứng hóa. 

Cùng với đó, nhiều công trình xây dựng nhiều năm đã xuống cấp, khả năng dẫn nước hạn chế. Đơn cử như kênh Giữa chạy qua xã Mỹ Thái và thị trấn Vôi (Lạng Giang), sau nhiều năm khai thác, nhiều đoạn xuống cấp. Giữa tháng 7 vừa qua, nước tràn gây sạt lở đoạn qua tổ dân phố Hoành Sơn, thị trấn Vôi. Tương tự, tại 68 thôn, bản đặc biệt khó khăn của tỉnh có 113/198 km kênh, mương chưa cứng hóa, nhiều diện tích canh tác phụ thuộc nước mưa.

Thực tế, để hỗ trợ các địa phương những năm qua tỉnh, T.Ư có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ cứng hóa kênh mương, phát triển thủy lợi nội đồng. Ví như từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh cứng hóa 830 km, từ năm 2020 đến nay gần 40 km. Cùng đó, hằng năm tỉnh phân bổ gần 50 tỷ đồng từ nguồn bảo vệ và phát triển đất trồng lúa để các công ty KTCTTL cải tạo, sửa chữa hệ thống kênh, mương. 

Mới đây, ngày 23/7, Bộ Nông nghiệp và PTNT quyết định chủ trương đầu tư dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi Thác Huống, tỉnh Bắc Giang - Thái Nguyên với tổng kinh phí hơn 400 tỷ đồng; xây mới Trạm bơm Lãng Sơn (Yên Dũng) với mức đầu tư 190 tỷ đồng. 

Ông Phạm Văn Đưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi nói: “Để kịp thời sửa chữa, cải tạo các tuyến, Chi cục đã có kế hoạch đánh giá, rà soát thực trạng hệ thống thủy lợi nói chung và mạng lưới kênh mương nói riêng, từ đó có kế hoạch phân kỳ theo thứ tự ưu tiên, đặc biệt đối với các hạng mục xuống cấp, hư hỏng nặng. Tuy nhiên để kiên cố hoá kênh, mương phục vụ sản xuất nông nghiệp tốt hơn, ngoài nguồn ngân sách địa phương, các nguồn hỗ trợ từ T.Ư, các huyện cũng cần chủ động lồng ghép, sử dụng có hiệu quả vốn, huy động người dân đóng góp ngày công, tiền của cứng hóa kênh, nạo vét dòng chảy”.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/366240/huy-dong-nhieu-nguon-luc-cung-hoa-kenh-muong.html