Người máy ném bóng rổ biểu diễn tại Olympic Tokyo. |
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi về việc các RH tương tác tích cực và giúp đỡ con người, vẫn cần có những chính sách phù hợp để phân phối một cách công bằng các lợi ích do các công nghệ mới tạo ra.
Bước tiến công nghệ
Theo báo cáo của Liên đoàn RH quốc tế, doanh số RH phục vụ chuyên nghiệp trên toàn thế giới tăng nhanh và dự kiến giá trị đạt 13 tỷ USD trong năm 2022. Chính vì vậy, các nước đang tăng tốc trong việc nghiên cứu và sản xuất các loại RH. Sophia - RH công dân đầu tiên của thế giới - trong một buổi phỏng vấn tại Hồng Công, Trung Quốc cho biết: “Những người máy xã hội như tôi có thể chăm sóc người bệnh hoặc người già. Trong những tình huống khó khăn, tôi có thể hỗ trợ giao tiếp, đưa ra các liệu pháp ngay lập tức”. Từ khi “chào đời” vào năm 2016, đến nay Sophia đã dần trở nên quen thuộc với mọi người. Công ty Hanson RHics thiết kế ra Sophia sẽ sản xuất hàng loạt RH chuyên chăm sóc sức khỏe.
Nhiều nước đang tăng tốc nghiên cứu các loại RH hỗ trợ con người. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới, hàng loạt RH phục vụ trong ngành y tế đã thành các trợ thủ đắc lực cho các y bác sĩ. RH y tá có tên Grace, do các nhà nghiên cứu tại Hồng Công chế tạo, có gắn máy ảnh nhiệt để đo nhiệt độ và quan sát biểu hiện của bệnh nhân. Malaysia đã chế tạo thành công RH mang tên Medibot, cao 1,5m, với vai trò như y tá hỗ trợ công tác điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Medibot được gắn bánh xe để có thể tự di chuyển, đồng thời được trang bị cả máy quay và màn hình, nhờ đó bệnh nhân có thể kết nối, giao tiếp cùng các nhân viên y tế.
Các nhà khoa học Thái Lan đã chế tạo 4 bộ RH hỗ trợ các bác sĩ điều trị bệnh nhân Covid-19. Thế hệ RH này được tích hợp các công nghệ mạng 5G và trí tuệ nhân tạo (AI), giúp các bác sĩ trao đổi với bệnh nhân mà không cần gặp mặt trực tiếp. Ngoài ra, RH còn có thể tiêu diệt virus trong không khí, vận chuyển thực phẩm, thuốc men và thực hiện các thao tác y tế hỗ trợ bệnh nhân.
Các RH y tá cũng được sử dụng nhiều tại phòng khám ở thủ đô Moscow, Nga, với nhiệm vụ thu thập thông tin cơ bản của bệnh nhân như thân nhiệt, nhịp tim, huyết áp, thậm chí cả lượng đường huyết và chuyển các thông tin này tới bác sĩ chuyên khoa. Một số bệnh viện tại thành phố Dallas, bang Texas, Mỹ sử dụng RH như một trợ lý chuyên nhận, gửi các thiết bị bảo hộ cá nhân, mẫu xét nghiệm Covid-19 cho các nhân viên y tế trong bệnh viện, đôi khi hỗ trợ cả các bệnh nhân. Những RH này không chỉ hạn chế nguy cơ lây nhiễm, giúp giảm tải công việc cho các nhân viên y tế mà còn bù đắp tình trạng thiếu hụt nhân lực.
Hòa nhập bước đầu
Không dừng lại ở lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe, các loại RH đang bước dần vào mọi mặt của đời sống con người, từ phục vụ pha chế, nấu ăn đến hỗ trợ hoạt động thể thao, thậm chí cả nghệ thuật thứ bảy và giáo dục… Mới đây, Nhật Bản đã khiến người hâm mộ bóng rổ vô cùng thích thú với màn mua vui tại Olympic Tokyo 2020 bằng một RH có khả năng ném bóng siêu việt. RH này có tên gọi là CUE và là sản phẩm robot AI của các kỹ sư tình nguyện viên tại Toyota. Đặc biệt, người máy này trở nên nổi tiếng khi phá kỷ lục Guinness về số cú ném phạt thành công liên tiếp nhiều nhất bởi một RH, với tổng cộng 2.020 cú ném, để tôn vinh 2 sự kiện thể thao lớn mà Nhật Bản đăng cai là Olympic và Paralympic Tokyo 2020.
Engineered Arts là một công ty có trụ sở tại Anh, do đạo diễn Will Jackson thành lập, chuyên sản xuất các RH diễn viên khác nhau thông qua sự hợp tác giữa các nghệ sĩ, kỹ sư cơ khí, máy tính và các nhà làm phim hoạt hình. RH RoboThespi là một diễn viên người máy chuyên biểu diễn các bài múa hát kiêm phụ tá rạp hát, có thể điều khiển các thiết bị ánh sáng, âm thanh. Trong khi đó, Kime là một RH phục vụ đồ ăn và thức uống, được Macco Robotics ở Tây Ban Nha nghiên cứu và phát triển. Nó có đầu và thân giống người với hai cánh tay. Kime được biết đến là người rót bia khá giỏi và có thể phục vụ tới 300 ly/giờ. RH này có các cảm biến thông minh và sử dụng AI để cải thiện các kỹ năng.
Mới đây, nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới G20 đã tổ chức hội nghị đầu tiên về tương lai của AI và RH. Các cuộc thảo luận xoay quanh các chủ đề chính, gồm vai trò của AI và RH trong các lĩnh vực công nghiệp và lao động khác; những ý nghĩa đạo đức của công nghệ, vai trò của AI và RH trong phát triển bền vững; chức năng của AI và RH trong các lĩnh vực tiên tiến, như khám phá không gian; vai trò của AI và RH trong văn hóa đại chúng.
Ông Pierpaolo Bombardieri, Tổng Thư ký Nghiệp đoàn UIL của Italy, khuyến khích các tổ chức công đoàn nên vận dụng AI và RH. Ông cho biết: “Thế giới việc làm đang thay đổi với tốc độ chóng mặt và điều này đang biến đổi nhiệm vụ công việc và mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Tuy nhiên, thách thức mà chúng ta phải đối mặt là làm thế nào để phân phối một cách công bằng các lợi ích do các công nghệ mới tạo ra”.
Các nhà khoa học Bahrain đã chế tạo loại RH có khả năng tiêu diệt virus Covid-19. RH này tấn công virus bằng bức xạ tia cực tím (UV) sóng ngắn. Trong vòng 30 phút, tia này có thể tiêu diệt tới 90% vi sinh vật, bằng cách phá hủy màng tế bào khiến ADN của các vi sinh vật bị phá vỡ. RH này có thể nói được 12 thứ tiếng, cũng như giúp đo thân nhiệt, đáp ứng khẩu lệnh và sử dụng công nghệ nhận dạng bệnh nhân. Bộ Y tế Bahrain đã gọi thiết bị là một cuộc cách mạng trong y học. |