|
  • :
  • :

Giấc mơ chè Xuân Lương

Nằm giáp ranh với huyện Đồng Hỷ và huyện Võ Nhai thuộc tỉnh Thái Nguyên - vựa chè nổi tiếng của miền Bắc, Xuân Lương của huyện Yên Thế tỉnh Bắc Giang cũng là vùng trồng chè lâu đời…

Ông Thân Nhân Khuyến đưa khách tham quan các đồi chè.
Ông Thân Nhân Khuyến đưa khách tham quan các đồi chè.

Tuy nhiên, nếu chè Thái Nguyên đã có tiếng từ lâu trên thị trường thì thương hiệu chè Bản Ven của Xuân Lương chỉ mới được biết đến trong vài năm gần đây. Gắn với tên tuổi chè Bản Ven là tên một người, ông Thân Nhân Khuyến…

Đánh thức một vùng chè

Trên đường đưa chúng tôi đến thăm các đồi chè ở bản Ven, ông Khuyến, nguyên Chủ tịch UBND xã Xuân Lương, vui miệng nói: “Tiền không phải là lá nhưng với người Cao Lan ở Xuân Lương, lá lại chính là tiền!”

Theo ông Khuyến, đến lá chè tươi già ở Xuân Lương cũng có thể bán được 30.000 đồng/kg, còn búp chè tươi thì có lúc lên đến 60.000 đồng/kg. Ông nói vui: “Chỉ cần hái lá bán là có tiền mà còn nghèo thì lỗi là của chính mình chứ gì nữa!”

Trò chuyện cùng ông về cây chè, tôi nhận ra ông có thể nói về nó cả ngày không biết chán. Nhắc đến cây chè là mắt ông lại sáng lên… Theo ông, khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng phù hợp đã cho cây chè Xuân Lương có những hương vị đặc biệt. Chè Xuân Lương khi hãm sẽ cho ra nước chè có màu xanh vàng, vị đậm, thoảng hương cốm nhẹ. Trước đây, mỗi gia đình trong xã chỉ trồng chè trên vài thửa đất, cây chè cằn cỗi già nua, từ chăm sóc, thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ đều theo tập tục cũ nên chất lượng sản phẩm, giá thành đều thấp. Không có đầu ra ổn định, người Cao Lan ở Xuân Lương bỏ dần khâu chế biến, chỉ trồng chè để cung cấp lá chè tươi cho các nhà máy chế biến ở tỉnh Thái Nguyên.

Mô hình trồng chè của nông dân xã Xuân Lương được liên kết với HTX Thân Trường nhằm sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Mô hình trồng chè của nông dân xã Xuân Lương được liên kết với HTX Thân Trường nhằm sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Năm 2011, khi còn là cán bộ của Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Yên Thế, trong một lần đi công tác đến Xuân Lương, thấy bà con người Cao Lan ở Xuân Lương trồng chè rồi mang sang Thái Nguyên bán, ông Thân Nhân Khuyến thắc mắc: “Dân Cao Lan trồng được chè, có kinh nghiệm làm chè mà sao không tự làm sản phẩm cho riêng mình?”

Không lâu sau đó, như một cơ duyên, ông Thân Nhân Khuyến được luân chuyển về Xuân Lương và trở thành Chủ tịch UBND xã vùng cao này. Bắt tay vào việc vận động thành lập Hợp tác xã Thân Trường, ông cũng là người đầu tiên góp vốn vào HTX và tự tìm tòi, học hỏi công nghệ mới trong việc trồng, thu hoạch, bảo quản, chế biến chè. Không biết bao nhiêu công khó đã bỏ ra để có thể xây dựng được quy trình chuẩn theo kỹ thuật mới cho sản phẩm chè Xuân Lương…

Nắm bắt được cách trồng và công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến chè, ông Khuyến vận động, hướng dẫn người dân Cao Lan thay đổi cách làm chè, kết hợp giữa kinh nghiệm làm theo kiểu xưa với công nghệ mới để vừa có năng suất vừa giữ được chất lượng riêng của chè địa phương. Để có thể xây dựng và phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu cũng như tìm thị trường cho sản phẩm chè Xuân Lương, ông Khuyến đề xuất việc phát triển diện tích trồng chè để hình thành vùng chuyên canh của xã nhằm đảm bảo nguyên liệu sản xuất. Ý kiến này của ông nhận được sự đồng thuận mạnh mẽ của người Cao Lan và chính quyền địa phương. Các vườn cây tạp được cải tạo thành những cánh đồng chè. HTX Thân Trường trở thành nơi trung gian kết nối người trồng chè với các nhà khoa học, các chủ doanh nghiệp trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Năm 2015, sau một thời gian áp dụng kỹ thuật sản xuất, chế biến mới, chất lượng chè Xuân Lương cải thiện rõ nét. Thương hiệu chè Bản Ven của HTX Thân Trường ra đời trên cơ sở đó.

Từ vài chục hecta (năm 2012), đến nay, cùng với sự phát triển của thương hiệu chè Bản Ven, diện tích chè ở Xuân Lương đã phát triển đến gần 300ha, năng suất thời điểm cao nhất đạt tới 15 tấn/ha, cao hơn nhiều lần so với bình quân chung toàn huyện Yên Thế.

Thoát nghèo ở vùng đất khó

Là người Kinh nhưng ông Khuyến khá am hiểu văn hóa, phong tục tập quán và truyền thống của người Cao Lan. Ông chia sẻ rằng Xuân Lương có 9/14 bản thuộc chương trình 135 (bản đặc biệt khó khăn), là nơi sinh sống chủ yếu của người dân tộc Cao Lan. Người Cao Lan vốn sống khép kín và kinh nghiệm làm chè của họ ít khi được truyền ra ngoài. “Chè Xuân Lương đựng ống bương treo gác bếp” không chỉ là câu đúc kết kinh nghiệm lưu hương, giữ chè mà còn hàm ý nói đến sự kín đáo, không tiết lộ ra bên ngoài cách làm chè của người Cao Lan. Theo ông Khuyến, cách bảo quản chè Xuân Lương kiểu xưa đã giữ cho chè luôn khô và hương vị chè còn nguyên đến 80 - 90%. Gìn giữ bí quyết riêng này kết hợp với việc cải tiến cách trồng trọt, chăm sóc cây chè theo quy trình VietGAP và sử dụng các thiết bị máy móc hiện đại với công nghệ, kỹ thuật mới trong việc chọn lá chè, chọn thời điểm thu hoạch, cải tiến quy trình chế biến nên hương vị chè Xuân Lương ngày càng đậm đà, độc đáo hơn. Chẳng hạn như trang bị máy sao chè thay cho việc sao chè bằng tay đã tránh cho lá chè bị ôi hoặc quá lửa mà năng suất lại cao hơn, rút ngắn thời gian, hay việc vần đổi công hái chè giúp người Cao Lan kịp thời thu hoạch chè đúng thời điểm lá chè đạt chất lượng cao nhất…

Nông dân Bản Ven thu hoạch chè.

Nông dân Bản Ven thu hoạch chè.

Bản Ven, nơi có diện tích trồng chè lớn nhất xã (hơn 23ha) Xuân Lương, vốn trước đây có hơn 60 hộ nghèo nay đã giảm xuống còn 35 hộ. Các hộ dân trong bản nhờ mạnh dạn đầu tư theo hướng thâm canh cây chè và áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng và chế biến mà thu nhập đã khá hơn trước, bình quân khoảng 150 - 200 triệu đồng (trên 1ha chè) sau khi đã trừ chi phí. Nhiều hộ ở bản Ven đã xây được nhà cao cửa rộng...

Chè Bản Ven ngày nay đã là một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương, ổn định từ sản lượng đến chất lượng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhờ có thương hiệu mạnh, giá chè tươi ở bản Ven nói riêng và Xuân Lương nói chung cũng theo đó mà tăng lên từ mức 12.000 đồng/kg thành 60.000 đồng/kg như hiện nay. Chưa dừng lại ở đó, những người làm chè ở Xuân Lương còn đang mơ đến một ngày chè Xuân Lương có thể bước ra thế giới và giá chè Bản Ven sẽ còn cao hơn nữa khi họ tiếp tục cải thiện chất lượng sản phẩm đặc trưng của mình…

Nguồn: http://nongthonviet.com.vn/nong-nghiep/nong-thon-moi/202108/giac-mo-che-xuan-luong-780845/
Tags: OCOP , chè , Thái Nguyên