Tiêm vaccine Covid-19 cho người cao tuổi tại TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG. |
Thành phố cũng đang lên kế hoạch tìm nguồn cung ứng vaccine để đạt mục tiêu đến ngày 15-9, hơn 70% người dân trên 18 tuổi được tiêm mũi 1 và 15% người dân được tiêm mũi 2.
Gần 5 triệu mũi tiêm đảm bảo tuyệt đối an toàn
Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, tính đến 16 giờ ngày 18-8, thành phố đã tiêm vaccine Covid-19 cho 4.933.160 người. Công tác tiêm chủng được đảm bảo tuyệt đối an toàn, không xảy ra sự cố tiêm chủng nghiêm trọng. Nhiều người dân bày tỏ sự vui mừng khi được tiêm vaccine.
Đặc biệt, từ ngày 13-8 đến nay, hầu hết người dân trên địa bàn TPHCM tiêm vaccine Vero Cell (của Sinopharm, Trung Quốc). Ghi nhận thực tế, nhiều người dân đã hưởng ứng việc tiêm vaccine Vero Cell bởi trong tình hình dịch bệnh phức tạp, tốt nhất là được tiêm vaccine sớm nhất.
Tại một số điểm tiêm chủng trên địa bàn TP Thủ Đức, nhiều người dân xếp hàng để chờ được tiêm vaccine. “Khi được thông báo phường Thạnh Mỹ Lợi sẽ tiêm vaccine Vero Cell, tôi đã không ngần ngại đăng ký. Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, mình được tiêm là may mắn hơn nhiều người nên tôi không kén chọn”, ông N.Q.T. ngụ phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức đi tiêm vaccine tại Trường THCS Lương Định Của, cho hay.
Tương tự, tại điểm tiêm Gigamall (đường Phạm Văn Đồng, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức), người dân được bố trí xếp hàng, đảm bảo giãn cách khi đến tiêm chủng.
BS Nguyễn Trung Kiên, Bệnh viện TP Thủ Đức, phụ trách điểm tiêm thông tin: “Tất cả điểm tiêm đều thông báo cho người dân tiêm vaccine gì, những người đến đây tiêm Vero Cell đều tự nguyện và không cần giải thích nhiều. Tại mỗi điểm, chúng tôi có phát tờ hướng dẫn sau tiêm để không chỉ người tiêm mà người nhà của họ cũng nắm rõ thông tin. Chỉ có một vài trường hợp có biểu hiện chóng mặt, tụt huyết áp sau tiêm, tuy nhiên sau vài giờ theo dõi, tình trạng ổn định hơn và họ trở về nhà an toàn”.
Chậm tiêm mũi 2 không ảnh hưởng hiệu lực vaccine TS Đặng Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, theo khuyến cáo của nhà sản xuất cho thấy, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm của các loại vaccine là khác nhau. Cụ thể: vaccine AstraZeneca từ 8-12 tuần; vaccine Sputnik V 3 tuần; vaccine Pfizer 3 tuần; vaccine của Sinopharm 3-4 tuần và vaccine Moderna là 28 ngày. Tuy nhiên, do tình trạng khan hiếm vaccine trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam, thực tế có người đã tiêm mũi 1 nhưng quá thời hạn vẫn chưa được tiêm mũi 2. Dù vậy, việc tiêm mũi 2 chậm hơn so với khuyến cáo không ảnh hưởng đến hiệu lực của vaccine. Người dân không phải tiêm lại từ đầu các mũi vaccine. Khi được tiêm mũi 1 là bạn đã được bảo vệ ở một mức độ an toàn nhất định. |
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, đến thời điểm hiện nay, thành phố đã nhận được hơn 4,4 triệu liều vaccine Covid-19 qua 20 đợt phân bổ của Bộ Y tế. Trong đó, có 3,6 triệu liều vaccine AstraZeneca, 19.000 liều Vero Cell, gần 55.000 liều Pfizer và hơn 571.000 liều Mordena. Đến nay, thành phố đã hoàn thành việc tiêm số lượng vaccine này cho người dân, hiện hầu hết vaccine đang được triển khai tiêm chủng trên địa bàn là vaccine Vero Cell. Thành phố cũng đang tổ chức kiểm định đối với 1 triệu liều vaccine Vero Cell vừa được phân bổ trong đợt 2. Sau kiểm định, số vaccine này sẽ được tổ chức tiêm chủng cho người dân để đạt bao phủ vaccine trong cộng đồng.
Ngoài 5 triệu liều vaccine Vero Cell của Sinopharm đã đặt mua, thành phố đang nỗ lực mang về 5 triệu liều vaccine Moderna.
“Hai trọng tâm tiêm vaccine trong thời gian tới đó là tiếp tục tiêm vaccine cho những đối tượng có nguy cơ cao là người lớn tuổi và người có bệnh lý nền. Trọng tâm thứ 2 đó là nỗ lực phủ vaccine cho đội ngũ công nhân, người lao động để tạo điều kiện khôi phục kinh tế sớm. Bất kỳ vaccine nào cũng cần có thời gian phát huy tác dụng, vì vậy tiêm càng sớm thì càng có tác dụng” - đồng chí Dương Anh Đức nhấn mạnh.
Công nhân Tổng công ty CP Phong Phú được tiêm vaccine tại nơi làm việc. Ảnh: HOÀNG HÙNG. |
Theo đồng chí Dương Anh Đức, mục tiêu của thành phố phấn đấu đến ngày 15-9, hơn 70% người dân (trên 18 tuổi) được tiêm mũi 1, 15% người dân được tiêm mũi 2. Cụ thể: từ ngày 15-8 đến 31-8, thành phố đặt mục tiêu hoàn thành tiêm hơn 3 triệu liều vaccine để đảm bảo hơn 70% người dân được tiêm mũi 1, hoàn thành mũi 2 cho khoảng 1 triệu người. Thành phố cũng đa dạng, linh hoạt các hình thức tiêm vaccine; tăng cường điều phối cung ứng vaccine và lực lượng đội tiêm cho các quận, huyện có tỷ lệ phủ vaccine còn thấp. Đảm bảo những người thuộc nhóm đối tượng cần thận trọng tiêm chủng được tiếp cận tiêm vaccine đầy đủ. Từ ngày 1-9 đến 15-9, thành phố tổ chức tiêm vaccine cho những người còn lại và tiêm mũi 2 theo quy định (400.000 người); có thể mở rộng tiêm cho người từ 12-18 tuổi nếu có nguồn vaccine cho phép tiêm trong độ tuổi này.
Việt Nam tiếp nhận hơn 21,3 triệu liều vaccine Theo Chương trình tiêm chủng quốc gia, tính đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 21,3 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó có 12,6 triệu liều vaccine AstraZeneca, hơn 5 triệu liều vaccine Moderna, hơn 1,2 triệu liều vaccine Pfizer, 12.000 liều vaccine Sputnik-V và 2,5 triệu liều vaccine Sinopharm. Bộ Y tế đã kịp thời phân bổ cho các địa phương. Trong đó, ưu tiên tiêm trước cho các địa bàn, khu vực đang có dịch. Với hơn 11.000 điểm tiêm chủng trong cả nước, các địa phương đã nỗ lực triển khai tiêm vaccine nhanh nhất có thể cho những đối tượng ưu tiên trong công tác phòng chống dịch. Trước nhu cầu vaccine trong nước rất lớn trong khi nguồn cung có hạn, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Việt Nam đã tiếp nhận hỗ trợ và nhận cam kết hỗ trợ của nhiều quốc gia, đối tác về vaccine. Về tiến độ mua, nhập khẩu, tiếp nhận vaccine, Bộ Y tế đã đàm phán và Pfizer đồng ý tăng số lượng vaccine cung cấp quý 3-2021 cho Việt Nam (từ 3 triệu lên khoảng 3,5 triệu liều) và đồng ý bán thêm 20 triệu liều trong năm 2021 (tổng số là 51 triệu liều vaccine Pfizer), Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn đã ký hợp đồng mua 5 triệu liều vaccine của Sinopharm. Về các nguồn viện trợ, thông qua cơ chế COVAX Facility đã được phân bổ hơn 4,1 triệu liều, tiếp nhận hơn 3,6 liều vaccine AstraZeneca và 5,1 triệu liều vaccine Moderna của Chính phủ Mỹ; Chính phủ Nhật Bản đã viện trợ hơn 3 liều vaccine AstraZeneca; Chính phủ Trung Quốc đã viện trợ 500.000 liều vaccine Sinopharm; Nga đã viện trợ 12.000 liều vaccine Spunik; Chính phủ Anh đã viện trợ 414.880 liều vaccine AstraZeneca; Chính phủ Rumani cam kết viện trợ 300.000 liều vaccine AstraZeneca; Chính phủ Australia cam kết viện trợ khoảng 1,5 triệu liều vaccine AstraZeneca; Cộng hòa Séc cam kết viện trợ 250.000 liều… Như vậy, ngoài 131 triệu liều đã ký hợp đồng, 45 triệu liều đang đàm phán và có khả năng ký được thì dự kiến trong năm 2021 và đầu năm 2022, Việt Nam sẽ có khoảng 175 triệu liều vaccine Covid-19 các loại. Cùng với đó, Bộ Y tế liên tục đàm phán với các đối tác và hiện đã có 3 hợp đồng chuyển giao công nghệ với Nhật Bản, Nga và Mỹ. Đồng thời tập trung hỗ trợ các đơn vị sản xuất trong nước đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm lâm sàng và bảo đảm tuân thủ đúng quy trình, gồm vaccine NanoCovax, vaccine Covivac và vaccine ARCT-154. Trong đó, vaccine NanoCovax trong giai đoạn 3 của quá trình thử nghiệm lâm sàng và Bộ Y tế đang tập trung chỉ đạo đơn vị chủ trì nghiên cứu sớm hoàn thiện báo cáo giữa kỳ giai đoạn 3 để Hội đồng Đạo đức quốc gia xem xét đánh giá. Đối với vaccine Covivac đã bắt đầu tiêm thử nghiệm giai đoạn 2 và vaccine ARCT-154 đã hoàn thành việc tiêm thử nghiệm cho 100 tình nguyện viên đầu tiên. “Tôi kỳ vọng với tất cả nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, cố gắng của Bộ Y tế, đến năm 2022, chúng ta sẽ có đủ vaccine đáp ứng bao phủ vaccine cho người dân Việt Nam để tạo miễn dịch cộng đồng”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói. |