|
  • :
  • :

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng thu nhập cho nông dân

Với việc xác định đúng hướng đi, tạo đà cho những thế mạnh truyền thống và nhiều mô hình làm ăn mới, huyện Long Hồ đang thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững, đã và đang đem lại nhiều lợi ích cho nông dân. Đây là tiền đề quan trọng để các địa phương nâng cao tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Với việc xác định đúng hướng đi, tạo đà cho những thế mạnh truyền thống và nhiều mô hình làm ăn mới, huyện Long Hồ đang thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững, đã và đang đem lại nhiều lợi ích cho nông dân. Đây là tiền đề quan trọng để các địa phương nâng cao tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Giúp nông dân nâng cao thu nhập

Thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất gắn với xây dựng NTM, huyện Long Hồ gắn với chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp trọng tâm, tập trung đẩy mạnh phát triển bền vững các loại cây trồng, có thế mạnh thành vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung. Được Trung tâm Khuyến nông tỉnh giới thiệu Trường ĐH Cần Thơ lai tạo giống lúa mới, ông Phạm Văn Long và vợ là bà Mai Bích Chương (xã Long An) đã cùng nhau học hỏi, nghiên cứu cách lai tạo theo hướng dẫn. Đến năm 2010, ông đã tìm ra tổ hợp lai tạo giống lúa LH8. “Được tín nhiệm tôi mới nhân rộng mô hình. Tôi thấy giống lúa này thích nghi với nhiều tỉnh”- ông Long cho biết.

Kết quả khảo nghiệm ở các tỉnh ĐBSCL cho thấy, LH8 là giống lúa ngắn ngày, có dạng hạt gạo thon dài, chất lượng gạo xay xát tốt, ít bạc bụng, thuộc nhóm mềm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, năng suất cao, ổn định qua các vụ. Cụ thể vụ Hè Thu đạt 4- 6 tấn/ha, Đông Xuân 6- 8 tấn/ha (cao hơn giống lúa OMCS 2000 và OM5451 lần lượt là 10,3% và 6%). Giống lúa LH8 còn có khả năng chống chịu mặn ở 4‰ tại các giai đoạn đẻ nhánh- trổ; có khả năng thích nghi với phèn, có tính chống chịu tốt với đạo ôn và rầy nâu. Có được kết quả như ngày hôm nay là nhờ gia đình ông Long đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tái cơ cấu lại giống lúa.

Ông Hồ Thế Nhu- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện cho biết: Phòng đã kết hợp với Trạm Khuyến nông các huyện và Trung tâm Giống tỉnh nhân rộng giống LH8 để đáp ứng đủ diện tích sản xuất của nông dân cũng như kết hợp với công ty lương thực để xây dựng thương hiệu giống lúa LH8 cho tỉnh.

Thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nổi bật trong cơ cấu lại trồng trọt là chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với thị trường, nhất là chuyển đổi linh hoạt giống lúa kém hiệu quả sang giống lúa chất lượng hoặc chuyển từ đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác hiệu quả cao hơn ngày càng tăng với nhiều đối tượng cây trồng phù hợp, có thị trường tiêu thụ, đã giúp nông dân nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác.

Nhân rộng và phát triển các mô hình

Việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp cũng đã góp phần làm chuyển biến tư tưởng, khát vọng làm giàu của nông dân. Qua phát động phong trào thi đua nông dân sản xuất- kinh doanh giỏi, có trên 96% hộ nông dân đăng ký thực hiện với nhiều mô hình phong phú, đa dạng đạt hiệu quả cao. Điển hình có các mô hình nuôi gà, vịt, trồng màu ở xã Phước Hậu, Phú Quới; mô hình trồng chuối già Nam Phi xã Long Phước; mô hình nuôi bò sinh sản ở xã An Bình, Phú Quới, Thạnh Quới, Phú Đức; nuôi dê sinh sản ở xã Long Phước, Hòa Phú, Bình Hòa Phước.

Ông Võ Văn Đài- ấp Phú An II (xã Bình Hòa Phước) kể: “Mấy năm trước vườn tôi trồng nhãn da bò. Sau khi nhãn bị chổi rồng tôi chuyển qua trồng chôm chôm, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cộng với ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, những năm gần đây thu nhập đã ổn định hơn trước”.

“Được sự quan tâm, đầu tư của Đảng ủy, UBND xã mà hệ thống đê bao được khép kín, không còn bị ngập nước, bà con nơi đây trồng màu và cây ăn trái rất thuận tiện và được mùa hơn trước. Hiện, tôi đang trồng tắc với 4 công dưa, nuôi mấy trăm con gà, mùa màng thuận lợi nên cuộc sống ổn định hơn”- ông Trịnh Văn Nghiệp- ấp Phước Lợi (xã Thạnh Quới) phấn khởi nói.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh, song việc triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tái cơ cấu gắn với xây dựng NTM đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, nhất là công tác chỉ đạo sản xuất bám sát các điều kiện thực tế của từng địa phương, diện tích trồng lúa và các cây rau màu đảm bảo đạt và vượt kế hoạch đề ra, cơ cấu cây trồng vật nuôi có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM huyện Long Hồ, thời gian qua ngành chuyên môn đã kết hợp với ban ngành tỉnh để triển khai thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay có 14/14 xã được công nhận đạt tiêu chí 10 thu nhập trong xây dựng NTM.

Bà Phan Thị Mỹ Hạnh- Chủ tịch UBND huyện cho biết: Năm 2022 huyện tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị hiệu quả, bền vững, nhân rộng và phát triển mô hình kinh tế hợp tác, xây dựng vùng nguyên liệu cung cấp cho sản xuất và phục vụ xuất khẩu. Hiện, huyện Long Hồ đang hình thành và phát triển các hình thức sản xuất tập trung theo hướng liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, tạo sự ổn định trong tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Bài, ảnh: NGUYỄN XUÂN

Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/kinh-te/202207/co-cau-lai-nganh-nong-nghiep-nang-thu-nhap-cho-nong-dan-3125506/