Triển lãm các sản phẩm OCOP tại hội nghị. |
Những bước đột phá
Nhìn lại hành trình 3 năm triển khai, có thể thấy Chương trình OCOP đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, đã có hơn 145 sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý như chè Shan Tuyết Hoàng Su Phì của tỉnh Hà Giang; chè Tân Cương của tỉnh Thái Nguyên; cà phê của tỉnh Sơn La, lúa gạo ở tỉnh Sóc Trăng và tỉnh An Giang… Đặc biệt, hầu hết các sản phẩm OCOP đều đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm cũng như có mẫu mã, bao bì đa dạng, đẹp mắt, phù hợp yêu cầu của thị trường. “Nhiều sản phẩm được gắn sao OCOP có chất lượng rất tốt, mẫu mã của sản phẩm vùng núi không kém gì các sản phẩm tinh xảo của miền xuôi, thậm chí là quốc tế”. - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá.
Bên cạnh đó, Chương trình OCOP còn góp phần từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, đặc biệt là gắn với vai trò của các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thống kê cho thấy, hơn 66,4% chủ thể OCOP ở miền núi phía Bắc là HTX; 54,2% chủ thể OCOP ở Đông Nam bộ là doanh nghiệp...
Mặt khác, xu hướng sản phẩm OCOP gắn với các mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng ngày càng phát triển theo hướng tích cực và được triển khai ở nhiều địa phương. Đến nay, cả nước đã có khoảng 300 điểm du lịch cộng đồng đang hoạt động.
“Chương trình OCOP đã tạo ra sự đột phá về nhận thức trong sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế nông thôn” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định. |
Khó khăn do thiếu cơ chế, chính sách
Dù phấn khởi trước những thành quả đáng tự hào của Chương trình OCOP sau 3 năm triển khai, không ít đại biểu vẫn tỏ ra băn khoăn khi Chương trình vẫn còn tồn tại những điểm yếu nhất định. Ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết, trong giai đoạn 2018 - 2020, Chương trình OCOP được triển khai vào giữa nhiệm kỳ nên còn thiếu những cơ chế chính sách riêng. Do đó, nguồn lực triển khai Chương trình còn hạn chế, chủ yếu là lồng ghép; một số cơ chế hỗ trợ chưa được cụ thể hóa, chưa chú trọng đến phát triển chuỗi giá trị, vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến... dẫn đến những khó khăn trong quá trình triển khai ở một số địa phương.
Ông Trần Huy Oánh, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh cũng chia sẻ, Chương trình OCOP là một chương trình mới, liên quan đến nhiều lĩnh vực nên cần có cách tiếp cận mới. Thế nhưng nhận thức, sự hiểu biết của cán bộ các cấp và cộng đồng, người sản xuất còn hạn chế dẫn đến giai đoạn đầu triển khai một số địa phương lúng túng trong cách làm, xác định lợi thế, tiềm năng và chủ thể sản xuất. Nhiều địa phương vẫn chủ yếu tập trung lựa chọn các sản phẩm sẵn có, chưa quan tâm phát triển sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là các làng nghề truyền thống
Mặt khác, không ít chủ thể chưa hiểu rõ về định hướng, yêu cầu của Chương trình, đặc biệt là các quy định của pháp luật trong sản xuất và phân phối sản phẩm, do đó còn nhầm lẫn giữa chất lượng sản phẩm với bao bì và nhãn mác.
Sản phẩm OCOP của các địa phương được giới thiệu tại hội nghị. |
Không được làm "xuê xoa"
Xác định nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng giao Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện hồ sơ của Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt Chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, phải tiếp tục xác định Chương trình OCOP là một chương trình phát triển kinh tế nông thôn trọng tâm, cần được ưu tiên trong chính sách phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững. “Phải xác định đây là chương trình mang tính dài hạn”. - Phó Thủ tướng khẳng định.
Ông cũng lưu ý cần tập trung đầu tư phát triển 6 nhóm sản phẩm đã được xác định, trong đó, chú trọng những sản phẩm có lợi thế, đặc trưng của địa phương, gắn với yếu tố văn hóa, con người ở mỗi khu vực, vùng miền, dân tộc để phục vụ phát triển kinh tế du lịch. Từng bước định hướng, nâng cao chất lượng, tăng cường đổi mới, sáng tạo, đặc biệt là đối với sản phẩm OCOP đạt cấp độ quốc gia nhằm mở rộng và thúc đẩy thị trường. Đồng thời cũng cần có chính sách về vốn, đất đai, ứng dụng khoa học công nghệ… để phát triển sản xuất ở các tổ chức kinh tế OCOP. Tập trung các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chế biến, chế biến sâu, liên kết và gắn với vùng nguyên liệu địa phương để hình thành các chuỗi giá trị hoàn chỉnh, sản phẩm OCOP đặc sắc, có giá trị cao. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá một cách bài bản, đồng bộ và thường xuyên, tăng cường quản lý giám sát sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu OCOP quốc gia làm cơ sở để đẩy mạnh thị trường và tiếp cận thị trường quốc tế.
Trong quá trình triển khai, Phó Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không được làm theo phong trào hay “xuê xoa” trong quá trình thẩm định, đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP. Các bộ, ngành chủ động trong việc xây dựng chính sách, cơ chế phù hợp, tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình.