|
  • :
  • :

Bắc Ninh ban hành Kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản năm 2022

Mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Kế hoạch số 265/KH-UBND về bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản năm 2022 trên địa bàn tỉnh.

Mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Kế hoạch số 265/KH-UBND về bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản năm 2022 trên địa bàn tỉnh (Kế hoạch).

Kế hoạch nhằm mục tiêu đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh của các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, bảo đảm an ninh lương thực, dinh dưỡng và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các địa phương về ATTP; tăng cường kiểm soát chất lượng ATTP; xây dựng chuỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, hạn chế ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn mới đây đã ký, ban hành Kế hoạch số 265/KH-UBND về bảo đảm ATTP nông, lâm, thủy sản năm 2022 trên địa bàn tỉnh. (Ảnh: nhandan.com.vn)

Theo Kế hoạch, tỉnh Bắc Giang phấn đấu 100% nhiệm vụ kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông quảng bá chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP của tỉnh được thực hiện; 95% cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản được cơ quan thẩm quyền thẩm định định kỳ đạt yêu cầu (xếp loại A, B) về điều kiện đảm bảo ATTP; 100% các thông tin phản ánh về mất ATTP nông, lâm, thủy sản được xác minh, xử lý kịp thời.

Cũng theo Kế hoạch, phấn đấu hết năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh xác nhận mới 20 - 30 chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn; tỷ lệ các cơ sở nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn tăng lên 90%; số mẫu giám sát còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản trong rau, củ, quả; ô nhiễm vi sinh trong thịt; tồn dư hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản, phụ gia trong thịt và các sản phẩm thịt, thủy sản giảm 10% so với năm 2021; tổ chức 2-3 lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã; diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn tương tự tăng 10%/năm so với năm 2021; triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm phấn đấu năm 2022 công nhận được ít nhất 50 sản phẩm chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh;...

Để đạt được các mục tiêu kể trên, Kế hoạch đề ra 06 nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Cụ thể, trong công tác chỉ đạo điều hành, tiếp tục rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện, ban hành và triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo, các quy định và cơ chế chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tập trung triển khai thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo kế hoạch, nghiên cứu ban hành bộ tiêu chí “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Bắc Ninh”. Ngoài ra, tiếp tục xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp liên ngành giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Ban Quản lý ATTP tỉnh, các sở, ngành liên quan trong công tác quản lý an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản.

Đối với công tác thông tin, truyền thông về ATTP, đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông nhằm chuyển đổi hành vi về ATTP; xây dựng và phát triển các loại hình truyền thông; nâng cao số lượng, chất lượng các tài liệu và thông điệp truyền thông về ATTP.

Đối với công tác kiểm soát chặt chẽ sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, thực hiện nghiêm các quy định tại thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc quy định việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện ATTP thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; chủ động xử lý các sự cố mất ATTP, đẩy mạnh cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa thời gian, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đặc biệt trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm nâng cao năng lực kiểm soát ATTP trong các chuỗi giá trị nông sản;...

Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, thẩm định định kỳ, giám sát và xử lý vi phạm, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát các sản phẩm thực phẩm nông, lâm, thủy sản, vật tư nông nghiệp được sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, lưu thông trên thị trường và nhập khẩu vào Việt Nam; tăng cường thanh tra, kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi …, bảo đảm sử dụng đúng chất lượng, chủng loại, liều lượng, thời gian cách ly của các loại vật tư nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm.

Đồng thời, tăng cường thực hiện công tác hậu kiểm, kiểm soát các chỉ tiêu ATTP đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản tự công bố chất lượng; sản phẩm có nguy cơ cao để kịp thời phát hiện các nông sản thực phẩm không an toàn, cảnh báo cho cộng đồng; tổ chức thẩm định, thẩm định định kỳ 100% cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn quản lý,..

Đối với công tác tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực, tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ tham gia quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông, lâm, thủy sản các cấp về nghiệp vụ, kỹ năng trong tuyên truyền phổ biến pháp luật, trong giám sát, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, xử phạt vi phạm qui định đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông, lâm, thủy sản. 

Đồng thời, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, khoa học quản lý, chuyển đổi số trong quản lý chất lượng, ATTP, truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ, xây dựng, mở rộng vùng sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị đảm bảo chất lượng, an toàn, truy xuất được nguồn gốc.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng công tác cảnh báo nguy cơ, kiểm nghiệm nhanh an toàn thực phẩm; tiếp tục đầu tư trang thiết bị, kit test, duy trì các hoạt động kiểm nghiệm nhanh.

Đối với công tác cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả hoạt động của các bộ phận chuyên môn đáp ứng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. 100% các thủ tục hành chính triển khai thực hiện dịch vụ công cấp độ 4. Hướng dẫn các doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, phân công cán bộ, bộ phận phụ trách sẵn sàng giải đáp, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tháo gỡ những khó khăn vướng mắc.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh chủ trì, phối hợp các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung kế hoạch đảm bảo ATTP nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Bích Phương

Nguồn: https://congnghiepsinhhocvietnam.com.vn/tin-tuc/t2549/bac-ninh-ban-hanh-ke-hoach-bao-dam-an-toan-thuc-pham-nong-lam-thuy-san-nam-2022.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin