|
  • :
  • :

Yên Thế: Liên kết tiêu thụ, giúp vải thiều bán "chạy"

Vụ vải thiều năm nay, tại huyện Yên Thế, doanh nghiệp liên kết với người dân bao tiêu, chế biến sản phẩm. Nhờ đó, vải tươi tiêu thụ thuận lợi, góp phần đa dạng sản phẩm địa phương. 

Huyện Yên Thế có khoảng 2.000 ha vải thiều, tập trung tại các xã: Đồng Tâm, Tân Sỏi, Hồng Kỳ, Đồng Kỳ, Đồng Hưu... Năm nay, sản lượng vải thiều đạt 10,5 nghìn tấn. 

Ngay từ đầu vụ, huyện xây dựng và ban hành kế hoạch hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ vải; chỉ đạo chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, nâng cao chất lượng vải thiều.

Đồng thời rà soát các vùng trồng tập trung, chủ động mời doanh nghiệp, thương nhân thăm, kiểm tra vườn để liên kết thu mua, tiêu thụ vải thiều cho người dân. Qua đó đã hình thành mô hình hợp tác, liên kết, bước đầu mang lại hiệu quả.

Điển hình như mô hình hợp tác, liên kết chế biến vải thiều của ông Nguyễn Tiến Dương, thôn Tân Hồng, xã Đồng Tâm (Yên Thế) với Công ty cổ phần Thực phẩm Nghệ An.

Những ngày này cơ sở thu mua, chế biến vải thiều của ông Dương luôn tấp nập người dân đến bán vải thiều. Từng là công nhân của Nông trường chè Yên Thế, ông Nguyễn Tiến Dương có nhiều năm gắn bó với sản xuất nông nghiệp.

Mong muốn sản phẩm được tiêu thụ thuận lợi, nhiều năm nay, ông Dương đã hợp tác, liên kết với Công ty cổ phần Thực phẩm Nghệ An thu mua vải thiều cho nông dân.

Cơ sở thu mua vải thiều của gia đình ông hoạt động hơn chục năm nay, mỗi vụ  tiêu thụ từ 1.000 - 2.000 tấn vải thiều tươi, sơ chế tại chỗ rồi vận chuyển vào nhà máy chế biến của Công ty đặt tại Nghệ An để chế biến, ép thành nước ngọt xuất khẩu sang các nước EU.

Vải thiều có thời gian thu hoạch ngắn. Năm trước, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc vận chuyển vải thiều đưa vào Nghệ An. Có thời điểm vận chuyển chậm, hàng bị hỏng, gây thiệt hại lớn cho gia đình.

Năm nay, ông Dương mạnh dạn đầu tư 12 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền ép nước vải thiều khép kín ngay tại xã Đồng Tâm (Yên Thế); quy mô ép khoảng 100 tấn/ ngày.

Từ đầu vụ thu hoạch vải thiều đến nay, cơ sở đã thu mua hơn 1.000 tấn vải thiều tại địa phương. “Mục tiêu vụ vải này, gia đình tôi sẽ tiêu thụ hơn 3.000 tấn vải thiều tại Yên Thế và các huyện: Lục Nam, Lục Ngạn, Tân Yên. Nước ép thành phẩm được Công ty cổ phần Thực phẩm Nghệ An bao tiêu, xuất khẩu sang thị trường EU" - ông Dương nói.

Cơ sở chế biến của gia đình ông Dương giúp nhiều hộ tiêu thụ vải thiều thuận lợi. Vụ vải thiều năm nay, hộ ông Phạm Quang Định, xã An Thượng thu được hơn 2 tấn quả. Những năm trước, ông Định phải mang vải đi bán lẻ ở chợ. Vụ này, ngoài bán các vải loại 1 với giá cao, những sản phẩm có mã xấu hơn, ông bán cho cơ sở ép nước của ông Dương, thêm nguồn thu. 

Theo ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, việc doanh nghiệp liên kết, chế biến vải thiều đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân tiêu thụ nông sản; đồng thời mở hướng phát triển sản phẩm chế biến từ vải thiều, góp phần đa dạng nông sản địa phương. 

Được biết, toàn huyện đã tiêu thụ hơn 90% tổng sản lượng vải thiều, dự kiến đến hết ngày 5/7 kết thúc vụ vải. 

Bài, ảnh: Văn Vĩnh 

 

 

Nguồn: http://baobacgiang.com.vn/bg/nhon-nhip-mua-vai-thieu-2022/386353/yen-the-lien-ket-tieu-thu-giup-vai-thieu-ban-chay-.html