|
  • :
  • :

Xây dựng xã nông thôn mới nâng cao: Chính quyền chủ động, người dân chung tay

Năm 2021, Bắc Giang phấn đấu có 17 xã  hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao. Sau khi dịch Covid-19 bùng phát làm gián đoạn việc thực hiện các tiêu chí, hiện các địa phương đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình, bảo đảm về đích đúng hẹn.

Gấp rút hoàn thành các tiêu chí khó

Thời điểm này, các xã đăng ký về đích NTM nâng cao như: Hương Mai, Quảng Minh (Việt Yên); Quý Sơn (Lục Ngạn); Đông Phú (Lục Nam)… đang gấp rút hoàn thành các tiêu chí khó là: Trường học; cơ sở vật chất văn hóa; đặc biệt là tiêu chí cảnh quan - môi trường với các công trình: Cải tạo, nâng cấp, xây mới trường, lớp học, nhà văn hóa thôn; xây dựng, cải tạo cảnh quan môi trường thôn, xã; xây dựng, hoàn thiện khu tập kết, xử lý rác thải tập trung.

Bắc Giang, nông thôn mới, Chính quyền chủ động, người dân chung tay

Phong trào liên kết trồng cây đậu tương phát triển mạnh tại xã Đông Phú (Lục Nam) mang lại thu nhập cao cho người dân.

Theo ông Đào Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã, Đông Phú đạt chuẩn NTM năm 2016. Từ đó đến nay, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục chỉ đạo, thực hiện duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Xã cứng hóa thêm 70 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài hơn 27,6 km; xây mới trụ sở UBND xã; nâng cấp, xây mới 9 nhà văn hóa thôn; 8 phòng học của Trường THCS xã cùng nhiều công trình phục vụ dân sinh, sản xuất nông nghiệp với tổng vốn đầu tư hơn 41,4 tỷ đồng từ nhiều nguồn đóng góp. 

Địa phương xây dựng nhiều mô hình liên kết sản xuất như: Na dai, ổi Thái, táo Đài Loan, đậu tương rau… cho thu hàng trăm triệu đồng/mô hình/năm, góp phần giảm hộ nghèo xuống còn 2,3%, giảm 2,28% so với năm 2016. Hiện xã đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao. Tuy nhiên, sau khi thẩm định, xã không đạt tiêu chí cảnh quan - môi trường bởi chưa bố trí khu vực lưu giữ tạm thời vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật; chưa ký hợp đồng với đơn vị có đủ chức năng thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật theo quy định. 

Mặc dù địa phương đã xây dựng khu xử lý rác thải tập trung nhưng lượng rác tồn lưu lớn vì chưa có lò đốt; xung quanh bãi rác chưa có lớp hàng rào cây xanh che chắn. Được biết, việc xã thiếu lò đốt rác là do khách quan bởi lò này do UBND tỉnh và huyện đầu tư nên địa phương vẫn phải chờ.

Xã Quảng Minh (Việt Yên) cũng gặp khó khi thực hiện tiêu chí môi trường. Mật độ dân số đông, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh khoảng 15 tấn/ngày. Chính quyền địa phương vẫn phải thuê HTX môi trường Việt Yên thu gom, xử lý tại khu xử lý rác thải tập trung của huyện nhưng 3 ngày HTX mới có xe đến chở một lần nên lượng rác ứ đọng nhiều.

Đánh giá của Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh, việc triển khai giải quyết vấn đề rác thải, nước thải ở các xã còn lúng túng; phong trào huy động toàn dân tập trung thu gom, xử lý rác thải ra môi trường ở một số địa phương chưa duy trì và có chuyển biến rõ rệt; việc xử lý rác thải tồn lưu tại các khu xử lý, điểm tập kết còn chậm; nhiều xã chưa có khu xử lý rác thải tập trung đạt yêu cầu theo tiêu chí. Do đó, khi thẩm định các xã dễ bị “rớt” vì tiêu chí này. Ngoài ra, tiến độ thực hiện các nhóm tiêu chí, như: Hạ tầng KT-XH; giáo dục - y tế - văn hóa cũng đang bị chậm.

Năng động trong tổ chức thực hiện

Theo Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh, nguyên nhân tiến độ thực hiện các nội dung NTM nâng cao còn chậm là do các xã tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đến nay T.Ư vẫn chưa phân bổ nguồn vốn xây dựng NTM và cơ chế kèm theo. Dự kiến T.Ư sẽ công bố bộ tiêu chí NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 từ đầu năm nhưng hiện vẫn chưa ban hành. Do đó, tháng 5/2021, UBND tỉnh mới ban hành bộ tiêu chí xã NTM nâng cao của Bắc Giang năm 2021 dẫn tới việc áp dụng chậm. Người dân chưa chủ động tham gia xây dựng, bảo vệ cảnh quan môi trường.

Năm 2021 Bắc Giang có 17 xã đăng ký hoàn thành xây dựng NTM nâng cao. Đến thời điểm này, xã Đoan Bái (Hiệp Hòa) và Hồng Giang (Lục Ngạn) đã được công nhận, nâng tổng số lên 8 xã đạt NTM nâng cao/124 xã đạt chuẩn NTM.

Xây dựng NTM nâng cao là chuyển từ “lượng” sang “chất”, người dân vẫn là chủ thể, trực tiếp thực hiện và hưởng thụ. Từ nay đến năm 2025, Bắc Giang phấn đấu có 40% xã NTM nâng cao/tổng số xã đạt chuẩn NTM nhưng toàn tỉnh mới có 8 xã đạt NTM nâng cao. Đây là con số khiêm tốn bởi xây dựng xã NTM nâng cao hướng đến NTM nâng cao kiểu mẫu là quá trình liên tục nhằm bảo vệ, giữ vững thành quả trong xây dựng NTM bền vững. Nếu các địa phương không duy trì, nâng cao sẽ đánh mất các tiêu chí NTM đã đạt. 

Trong quá trình xây dựng NTM nâng cao (từ năm 2018 đến nay), tỉnh đã bổ sung các quy định, bộ tiêu chí và cơ chế quản lý. Đồng thời, sử dụng nguồn vốn ngân sách cùng các nguồn lực khác một cách hợp lý; đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM nâng cao, coi trọng quy hoạch và phát triển các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của địa phương. Tỉnh chú trọng nâng cao thu nhập, đời sống người dân và xây dựng “những miền quê đáng sống”.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh cho rằng, ngay sau đạt chuẩn NTM, hằng năm các xã phải xây dựng kế hoạch duy trì và nâng cao tiêu chí thì mới sớm hoàn thành NTM nâng cao. Chính quyền địa phương cần vận động nhân dân tích cực tham gia, nhất là trong thực hiện tiêu chí cảnh quan - môi trường và nhóm tiêu chí phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân. Thực tế năm nay, tỉnh đã cấp cho mỗi xã xây dựng NTM nâng cao 1 tỷ đồng (chưa kể nguồn hỗ trợ của các huyện và nguồn vốn xã). Các xã cần năng động, huy động thêm nguồn lực. UBND các cấp tạo cơ chế linh hoạt trong sử dụng nguồn vốn để các xã sớm hoàn thành tiêu chí trong bối cảnh dịch Covid-19 như năm nay.

Nguồn: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/365911/xay-dung-xa-nong-thon-moi-nang-cao-chinh-quyen-chu-dong-nguoi-dan-chung-tay.html