|
  • :
  • :

Việc đóng góp tại Trường Tiểu học số 1 Đồng Lê: Mô hình hay, nhưng cách làm chưa phù hợp

Những ngày qua, trên các trang mạng xã hội phản ánh việc Trường tiểu học (TH) số 1 Đồng Lê (Tuyên Hóa) thu tiền mô hình “Nuôi heo đất, góp yêu thương, xây dựng lớp học, trường học hạnh phúc” chưa phù hợp. Vậy, bản chất sự việc như thế nào?

Phản ánh từ mạng xã hội
 
Ngày 10/4/2025, một số tài khoản facebook đăng với nội dung phản ánh Trường TH số 1 Đồng Lê trong năm học 2024-2025 phát sinh quá nhiều khoản thu từ học sinh (HS). Trong đó có khoản thu 180.000 đồng/HS để thực hiện mô hình “Nuôi heo đất, góp yêu thương, xây dựng lớp học, trường học hạnh phúc” vào thời điểm gần cuối năm học. Nội dung đăng tải cho rằng, nhiều HS hoàn cảnh khó khăn chưa có tiền nộp thì bị nhắc nhở. Có những bố mẹ phải cho con nhịn ăn sáng để lấy tiền nộp...

Trường tiểu học số 1 Đồng Lê.

Trường tiểu học số 1 Đồng Lê.

Ngày 14/4/2025, một tài khoản facebook khác lại đăng thông tin với nội dung về một phụ huynh có con đang học TH tại huyện Tuyên Hóa phải đối mặt với một khoản thu mới, mang tên: “Nuôi heo đất, góp yêu thương, xây dựng lớp học, trường học hạnh phúc”. Mô hình vận động mỗi HS đóng 500 đồng/ngày, tương đương 180.000đồng/năm. Tuy nhiên, việc triển khai vào thời điểm chỉ còn vài tuần là kết thúc năm học thì rõ ràng đây không còn là “nuôi heo đất” nữa mà là một khoản thu... thẳng tay!. Quan trọng hơn, mô hình này không được lấy ý kiến rộng rãi từ phụ huynh trước khi triển khai, không rõ ràng về kế hoạch chi tiêu hay đối tượng thụ hưởng, nhưng lại được gửi về từng lớp để giáo viên thu…
 
Không phản đối các mô hình giáo dục nhân văn, nhưng một số phụ huynh cho rằng việc áp đặt khoản thu này cho tất cả HS một cách máy móc, gây khó khăn cho nhiều gia đình...
 
Người trong cuộc nói gì? 
 
Qua trao đổi, Hiệu trưởng Trường TH số 1 Đồng Lê Nguyễn Thị Nguyệt Ánh cho biết: “Mô hình “Nuôi heo đất, góp yêu thương, xây dựng lớp học, trường học hạnh phúc” là mô hình “Dân vận khéo” thực hiện theo kế hoạch của Đảng ủy thị trấn Đồng Lê, được nhà trường phát động từ tháng 1-12/2025. Mục đích của mô hình là giúp đỡ các em HS có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng góc học tập tại trường để hỗ trợ HS học tập tốt hơn. Những HS tham gia mô hình sẽ biết tiết kiệm, chia sẻ yêu thương từ việc gom phế liệu bán lấy tiền hoặc trích tiền ăn sáng để “nuôi heo đất”. Hình thức thu tiền là mỗi HS nộp 1.000 đồng/2 ngày, cả năm là 180.000 (đối với HS lớp 5 thì thu 5 tháng). Riêng cán bộ, giáo viên tiết kiệm mỗi ngày 1.000 đồng để đóng góp cho mô hình”.
 
Trường TH số 1 Đồng Lê có 16 lớp, 505 HS, 29 cán bộ, quản lý, giáo viên, nhân viên. Số tiền thu từ mô hình “Nuôi heo đất, góp yêu thương, xây dựng lớp học, trường học hạnh phúc”, nhà trường dự kiến sẽ giúp đỡ 5 HS có hoàn cảnh khó khăn và xây dựng các góc yêu thương, giúp HS có môi trường học tập tốt hơn.

Theo cô Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, việc thu tiền mô hình được giao cho giáo viên chủ nhiệm lớp. Tuy nhiên, sau khi các trang mạng xã hội đăng tải thông tin và có những lời bình luận tiêu cực, nhà trường đã tổ chức họp Ban đại diện hội cha mẹ HS để giải quyết vấn đề. Trong cuộc họp, đa số các phụ huynh đều đồng tình nhất trí, ủng hộ nhưng nhà trường vẫn quyết định dừng mô hình và yêu cầu các giáo viên trả lại số tiền mà phụ huynh và HS đã nộp.

Chị H., một phụ huynh có con đang học tại Trường TH số 1 Đồng Lê bày tỏ quan điểm: “Tôi cơ bản đồng thuận với mô hình này. Nếu mô hình phát huy hiệu quả sẽ giúp con tôi và cháu khác biết tiết kiệm, chia sẻ yêu thương và trân trọng giá trị của đồng tiền. Nhưng việc thu vào dịp cuối năm học tôi thấy không được phù hợp lắm, nhất là những HS cuối cấp”.
 
Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Tuyên Hóa Hoàng Văn Phúc cho hay: “Hiện, phòng cũng đã nắm được thông tin và đang chờ nhà trường có báo cáo chính thức. Quan điểm cá nhân tôi thì bản chất của mô hình là tốt, nhằm giúp đỡ, chia sẻ với các HS có hoàn cảnh khó khăn; tạo ra môi trường học tập vui vẻ, thoải mái, hạnh phúc. Song cách triển khai của một số giáo viên muộn, thông tin chưa rõ ràng, thời điểm thu chưa phù hợp nên có thể gây hiểu nhầm cho phụ huynh. Lẽ ra, trước đó, nhà trường nên vận động HS, phụ huynh nộp tiền xây dựng mô hình theo tinh thần tự nguyện...”.
 
Ông Hoàng Văn Phúc cho biết thêm: “Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện vẫn đang theo dõi sự việc, xem cách giải quyết của nhà trường như thế nào. Trong trường hợp cần thiết, có thể phòng sẽ thành lập đoàn kiểm tra để có hướng xử lý phù hợp”.
Việt Hà
Nguồn: http://www.baoquangbinh.vn/phap-luat/202504/viec-dong-gop-tai-truong-tieu-hoc-so-1-dong-le-mo-hinh-hay-nhung-cach-lam-chua-phu-hop-2225650/
Tin liên quan
Chưa có thông tin