Thịt nuôi cấy là sản phẩm thịt được sản xuất bằng cách “tái tạo lại quy trình tương tự với thịt ngoài tự nhiên”. Dù phương pháp này được đánh giá khá tốt nhưng vẫn có nhiều vấn đề phát sinh nếu muốn thương mại hoá sản phẩm này. Vậy đâu là lý do cho bài toán công nghệ về thịt nuôi cấy? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
Thịt nuôi cấy khác thịt thật như thế nào?
Thịt nuôi cấy có thể hiểu đơn giản là thịt được sản xuất bằng cách “tái tạo lại quy trình tương tự với thịt ngoài tự nhiên”. Đây là một công nghệ sản xuất thịt từ “phòng thí nghiệm”. Nếu xem xét về bản chất thì cả hai sản phẩm này hoàn toàn không khác nhau.
Nguyên liệu sản xuất thịt nhân tạo là từ mẫu sinh thiết của động vật (bò, heo, gà,…). Một điểm nổi bật của phương pháp này là động vật nuôi lấy sinh thiết sau đó vẫn phát triển bình thường mà không gây bất kỳ tổn hại nào với chúng.
Có một sự thật bất ngờ là chiếc bánh mì kẹp thịt nguội nuôi cấy đầu tiên được phát triển bởi một nhà nghiên cứu chuyên về mô tim người (Giáo sư Mark Post tại đại học Maastricht Hà Lan).
Quy trình sản xuất thịt nuôi cấy
Quy trình sản xuất thịt bò “nhân tạo” trong phòng thí nghiệm
Quy trình sản xuất thịt heo “nhân tạo” trong phòng thí nghiệm
Bước 1: Mẫu sinh thiết từ động vật được lấy với lượng cực nhỏ chỉ cỡ bằng hạt tiêu.
Bước 2: Mẫu sinh thiết sau đó được đưa đến phòng thí nghiệm và nuôi trong điều kiện bổ sung dinh dưỡng liên tục bằng cách cho “sống” trong các lò phản ứng sinh học. Các lò phản ứng sinh học này có hình dạng là một bình thép khổng lồ chứa các các chất dinh dưỡng cần thiết cho mẫu sinh thiết phát triển. Các thành phần đó là muối, protein, carbohydrate,… và đảm bảo lò phản ứng này luôn được kiểm soát ở điều kiện nhiệt độ phù hợp.[1]
Bước 3: Giai đoạn sau mẫu sinh thiết này sẽ phát triển thành tế bào và tăng trưởng theo cấp số nhân. Sau đó nó sẽ thành một khối tế bào không có hình dạng. Cần lưu ý là thịt nuôi cấy không thể có các thành phần như thịt thật: xương, mỡ, da,… Có thể hình dung nó sẽ gần giống với phần thịt từ ức gà hay phần nạc heo chưa có hình dạng cụ thể. Do đó bạn sẽ thường thấy các sản phẩm từ thịt nuôi cấy thường là thịt gà vụn hay thịt kẹp trong các loại bánh mì.
Tranh cãi về vấn đề “sản xuất” thịt nuôi cấy
Tuy không thật sự giết hại động vật để lấy sinh thiết nhưng thông qua việc tạo môi trường dinh dưỡng chứa trong các lò phản ứng sinh học khổng lồ thì cũng gây ra không ít tranh cãi. Cụ thể: Công ty Karodia dùng huyết thanh bào thai bò làm môi trường dinh dưỡng. Có một số ý kiến trái chiều về việc này, cụ thể là dù không giết hại con bò lấy sinh thiết tuy nhiên phương pháp này cũng gián tiếp giết hại bò mẹ đang mang thai. Thế nhưng sau những ý kiến ấy thì công ty vẫn chưa thể tìm ra môi trường dinh dưỡng tốt hơn.
Biểu đồ thể hiện sự khác biệt giữa ảnh hưởng của chăn nuôi truyền thống và công nghệ thịt nhân tạo đối với môi trường
Nhưng về mặt tích cực thì công nghệ này cũng giúp cắt giảm lượng động vật được nuôi, giảm diện tích đất trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi và từ đó giúp giảm lượng khí thải, ô nhiễm ra môi trường. Mặt khác thì lượng động vật để giết mổ để làm môi trường dinh dưỡng dùng làm thịt nuôi cấy cũng thấp hơn nhiều so với phương pháp chăn nuôi lấy thịt truyền thống.
Tại sao thịt nuôi cấp lại ít người biết đến và chọn dùng?
Lấy ví dụ như một quốc đảo khan hiếm đất đai trồng trọt và phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thực phẩm nhập khẩu như Singapore thì việc quan tâm của người dân và chính phủ đến thịt nuôi cấy là điều vô cùng dễ hiểu. Tuy nhiên có một điều bất ngờ là ở đây chỉ có một nhà hàng bán thịt nuôi cấy và lại còn chỉ giới hạn bán vào thứ năm hàng tuần. Món thịt nuôi cấy ăn kèm mì ống “rau mùa xuân orecchiette” tại nhà hàng này có giá 14 USD.
Mặc dù nhà nước Singapore đã đưa ra nhiều trợ cấp và ưu đãi thuế tuy nhiên lĩnh vực này vẫn chưa có nhiều triển vọng phát triển. Một trong số các công ty sản xuất thịt nuôi cấy ở Singapore là Eat Just hiện nay chỉ nuôi được vài kg thịt gà mỗi tuần tương đương với thịt được lấy từ một con gà mà thôi.
Quy mô sản xuất thịt nuôi cấy
Để có thể giảm giá thành sản phẩm và phân phối lượng sản phẩm rộng lớn trên nhiều nước và khu vực thì một công ty sản xuất thịt nuôi cấy cần vượt qua nhiều thách thức trong đó là quy mô sản xuất. Cụ thể Josh Tetrick, giám đốc điều hành của GOOD Meat có sự dự đoán rằng nếu muốn sản xuất tối thiểu 6.8 triệu kg thịt nuôi cấy mỗi năm (số lượng đủ để phân phối khắp các nước Mỹ và Tây Âu) thì lượng dinh dưỡng dạng lỏng cần bổ sung cho các mẫu sinh thiết là khoảng 2000.000 lít. Đây là quy mô rất lớn và chưa được dùng trong quá trình nuôi cấy tế bào trước đây.[2]
Vấn đề về năng lượng để sản xuất thịt nuôi cấy
Năng lượng dùng trong chăn nuôi truyền thống có thể thấp hơn so với công nghệ sản xuất thịt nuôi cấy.
Việc duy trì chế độ vận hành ổn định của các lò phản ứng sinh học cần sử dụng một nguồn năng lượng lớn. Quy mô sản xuất càng lớn thì nguồn năng lượng sử dụng cho nó càng lớn. Do đó, năng lượng dùng trong chăn nuôi truyền thống có thể thấp hơn so với công nghệ sản xuất thịt nuôi cấy nếu phương pháp này không thể thay thế nó bằng năng lượng tái tạo cho sản xuất.
Khó khăn trong vấn đề về luật định đối với thịt nuôi cấy tại các nước trên thế giới
FDA cấp chứng nhận an toàn cho sản phẩm thịt nuôi cấy của một số công ty tại Mỹ
Đây là thách thức lớn nhất đối với sản phẩm thịt nuôi cấy trước khi đến được bàn ăn của nhiều gia đình. Có một thực tế rằng người dân tại một số nước không có quá nhiều ý kiến đối với sản phẩm này tuy nhiên ở một số đất nước thì các quy định và pháp lý của chính phủ cho sản phẩm còn khá khó khăn, cụ thể:
Tại Mỹ, mặc dù một số nhãn hiệu gà nuôi cấy được FDA cấp chứng nhận an toàn tuy nhiên để có thể buôn bán hợp pháp thì các cơ sở còn cần được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ kiểm định và cấp phép.
Tại Ý, quốc hội Ý có kế hoạch cấm buôn bán và sản xuất tất cả các sản phẩm thịt nuôi cấy. Lý do được đưa ra là vì sự lo ngại về di sản ẩm thực của đất nước.
Thực trạng chung tại một số quốc gia kém phát triển về công nghệ, đó là các cơ quan quản lý chưa bắt kịp những thay đổi công nghệ trong ngành. Do đó các sản phẩm mới như thịt nhân tạo sản xuất trong phòng thí nghiệm chưa thể bày bán hợp pháp do thiếu các tiêu chuẩn sản xuất hay chứng chỉ chứng nhận an toàn.
Tạm kết
Trong tình hình suy thoái kinh tế do tác động của Covid thì các công ty sản xuất lẫn người tiêu dùng chưa có nhiều lý do để lựa chọn sản phẩm thay thế so với thịt truyền thống. Vì vậy nhu cầu của người tiêu dùng đối với sản phẩm thịt nuôi cấy giảm mạnh và vì quy mô sản xuất chưa thật sự lớn nên khả năng sinh lời từ sản phẩm khá thấp khiến giá thành sản phẩm cao hơn so với thịt truyền thống.
Tuy nhiên, xu hướng công nghệ này vẫn có nhiều tiềm năng vì đây là một phương pháp bền vững để có thể tạo ra sự ổn định về nguồn lương thực trong tương lai.
Tài liệu tham khảo
[1] Theo Sciencedirect
[2] Theo Gittemary
Nguồn: www.foodnk.com/