|
  • :
  • :

Vải thiều Thanh Hà hướng tới 'xóa ranh giới' giữa hàng xuất khẩu và nội tiêu

Từ năm 1992 đến nay, huyện Thanh Hà (Hải Dương) đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa diện tích vải thiều của địa phương từ 1.000ha lên 3.265ha (gồm cả vải sớm và chính vụ). Trong đó, có 500ha đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 50ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Vụ vải năm 2023, huyện Thanh Hà có 45 vùng sản xuất vải được cấp 168 mã số phục vụ xuất khẩu.

 

Tỉnh Hải Dương đã và đang triển khai nhiều giải pháp, tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, quy trình canh tác nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Ảnh: Nguyễn Thành.

Tỉnh Hải Dương đã và đang triển khai nhiều giải pháp, tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, quy trình canh tác nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Ảnh: Nguyễn Thành.

Vải thiều Thanh Hà có nét đặc trưng và có nhiều ưu thế về chất lượng so với cây vải trồng ở nhiều địa phương khác. Vải thiều Thanh Hà khi chín vỏ mỏng, gai lì, lớp vỏ lụa dai, hạt nhỏ, tỷ lệ phần thịt quả cao, có độ giòn của cùi, cùi vải ráo, khi bóc không chảy nước, ăn có cảm giác giòn, ngọt mát.

Huyện Thanh Hà có nhiều thuận lợi thế đất đai phù sa màu mỡ, rất thuận lợi trồng cây ăn quả, cây lâu năm như vải, ổi, bưởi… Huyện đã quy hoạch sản xuất nông nghiệp tập trung, nghiên cứu ứng dụng khoa học vào sản xuất để tạo thế mạnh cho từng nông sản. Từ đó đã tạo ra sản phẩm quả vải thiều với chất lượng cao, mang tính đặc sản của địa phương.

Năm 2007, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý đối với vải thiều Thanh Hà. Đây là tiêu chuẩn, tiền đề để vải thiều Thanh Hà xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống mới đã cho năng suất cao, mẫu mã đẹp, thu hoạch rải vụ, góp phần gia tăng giá trị cho sản phẩm vải thiều.

Sở NN-PTNT Hải Dương đưa sản phẩm vải thiều Thanh Hà đến với thị trường Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Sở NN-PTNT Hải Dương đưa sản phẩm vải thiều Thanh Hà đến với thị trường Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Để góp phấn phát triển nông nghiệp tăng trưởng xanh, huyện Thanh Hà đã và đang thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình canh tác vải thiều Thanh Hà theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm chủ lực của tỉnh Hải Dương” với nội dung chính tập trung vào nghiên cứu, xác định công thức phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại quả, đục quả; xây dựng và hoàn thiện quy trình canh tác vải thiều theo hướng hữu cơ để chuyển giao ứng dụng cho các vùng trồng vải.

Năm 2019, UBND tỉnh Hải Dương đã phê duyệt đề tài nghiên cứu “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật bảo tồn và phát triển nguồn gen quý cây vải tổ tại xã Thanh Sơn”. Kết quả đã đưa ra quy trình chăm sóc, bảo tồn, tôn tạo nhằm tăng sức đề kháng, khả năng sinh trưởng, phát triển của cây vải tổ phục vụ cho định hướng phát triển du lịch sinh thái của huyện.

Hiện nay, người dân địa phương đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất chất lượng, mẫu mã quả vải thiều ngày càng được nâng lên, thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng, giá bán ổn định, có chiều hướng tăng, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho nông dân.

Vải thiều Thanh Hà thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Vải thiều Thanh Hà thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Tại buổi trưng bày, bán và giới thiệu sản phẩm vải thiều Thanh Hà diễn ra ngày 11/6 tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) do Sở NN-PTNT Hải Dương phối hợp cùng Sở NN-PTNT Quảng Ninh tổ chức, bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương cho biết, vải Thanh Hà hiện đạt chất lượng tốt, đã có thương hiệu trên thị trường lâu nay. Hải Dương và Quảng Ninh cũng đã có những hoạt động kết nối để quảng bá, xúc tiến thương mại cho quả vải thiều Thanh Hà.

"Với buổi trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm vải Thanh Hà, chúng tôi mong muốn tiếp tục đưa quả vải thiều Thanh Hà chất lượng cao của Hải Dương đến thị trường và người tiêu dùng Quảng Ninh. Hiện nay, chất lượng vải thiều Thanh Hà xuất khẩu và tiêu thụ nội địa không có sự chênh lệch, vải vẫn giữ được hương vị thơm, ngọt do áp dụng quy trình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm", bà Kiểm nhấn mạnh.

Quy trình đóng gói sản phẩm vải thiều Thanh Hà phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Thành.

Quy trình đóng gói sản phẩm vải thiều Thanh Hà phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh cho biết, với đặc thù sản xuất tại chỗ còn nhỏ, sức tiêu dùng lớn, Quảng Ninh thường phải nhập lượng lớn nông sản từ các tỉnh, thành phố lân cận, trong đó có tỉnh Hải Dương.

Thời gian tới, các hoạt động liên kết, quảng bá, giới thiệu, đưa nông sản đạt chất lượng của tỉnh Hải Dương vào Quảng Ninh sẽ tiếp tục được khuyến khích, đẩy mạnh, trước hết là kết nối với nông sản nằm trong danh mục 200 sản phẩm OCOP của tỉnh Hải Dương.

Năm 2023, sản lượng vải thiều Thanh Hà ước đạt 60.000 tấn, đến thời điểm này đã thu hoạch trên 40.000 tấn. Hiện trên 50% sản lượng vải của Thanh Hà được xuất sang nước ngoài, bao gồm cả những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật… Năm nay là năm đầu tiền sản phẩm vải thiều Thanh Hà được đưa lên suất ăn của các hãng hàng không, đây là sự kiện quan trọng trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm vải Thanh Hà đến với thực khách trong nước cũng như quốc tế.

Nguồn: http://nongthonviet.com.vn/vai-thieu-thanh-ha-huong-toi-xoa-ranh-gioi-giua-hang-xuat-khau-va-noi-tieu.ngn