|
  • :
  • :

Từng bước gỡ khó cho tổ chức sản xuất

Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức sản xuất kinh tế tập thể và đã có nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp đến hợp tác xã (HTX). Song, việc thực hiện tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới (NTM) vẫn còn nhiều khó khăn và cần được tháo gỡ.

Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức sản xuất kinh tế tập thể và đã có nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp đến hợp tác xã (HTX). Song, việc thực hiện tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới (NTM) vẫn còn nhiều khó khăn và cần được tháo gỡ.

Việc tổ chức sản xuất tốt sẽ giúp nông dân kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản.
Việc tổ chức sản xuất tốt sẽ giúp nông dân kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản.

Kết nối cung cầu- còn nhiều khó khăn

“Một trong những vấn đề khó khăn khi tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện nay là nông dân sản xuất nhỏ lẻ, không có người đại diện để làm đầu mối để tiêu thụ, chủ yếu là mạnh ai nấy tiêu thụ, mạnh ai nấy bán, muốn bán giá nào thì bán, rồi lại sản xuất tự phát. Qua đây, còn nổi lên vấn đề về chất lượng sản phẩm…”- đồng chí Bùi Văn Nghiêm- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã nhận định.

Bà Võ Ngọc Thơ- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Bình Tân cho biết: Thời gian qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm đến tình hình phát triển các HTX, đặc biệt là việc thực hiện tiêu chí tổ chức sản xuất trong xây dựng NTM, trong đó có việc liên kết tiêu thụ sản phẩm. Khi xảy ra dịch bệnh COVID-19, được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp- PTNT cũng như lãnh đạo tỉnh, ngành nông nghiệp huyện đã đưa các HTX lên các sàn giao dịch để mua bán. Song, hầu hết các HTX đều không thể lên được sàn giao dịch để kết nối cung cầu. Qua đánh giá lại, cho thấy đa số các HTX gặp khó về trình độ, năng lực quản trị...

Ông Nguyễn Văn Liệt- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Vừa rồi, các HTX tại các xã NTM khi lên sàn giao dịch thì đa phần đều… rớt với sàn. Trước đây, việc thành lập HTX tại một số địa phương chủ yếu để cho đạt tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất, chỉ qua 1- 2 năm là không trụ nổi. Vì vậy, rất cần có sự nhiệt huyết, làm là vì cuộc sống của bà con, vì muốn tạo dựng thương hiệu sản phẩm…

Ông Trương Thành Dãnh- Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT thông tin: TX Bình Minh là một trong những địa phương có sản lượng xà lách xoong rất lớn, nhưng trong tình hình dịch bệnh, việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Sở có đề nghị với HTX là sẽ cung cấp qua hệ thống bách hóa xanh hoặc siêu thị. Theo đó, sở trao đổi với Sở Công thương cũng như các chốt, tạo điều kiện cho đi giao hàng, nhưng bên HTX cho hay sản phẩm xà lách xoong không vô siêu thị hay bách hóa xanh được vì không đạt chuẩn. Qua ghi nhận, phía HTX cho rằng bán qua siêu thị thì phải gối đầu, rồi phải theo tiêu chuẩn thế này, thế kia, bà con không làm được nên nản, rồi thôi tự ai nấy làm… “Tôi nghĩ rằng đặc thù của huyện Bình Tân và TX Bình Minh có những mặt hàng nông sản được sản xuất với số lượng lớn, nhưng mà sản xuất một cách tự phát thì việc tiêu thụ về lâu dài sẽ rất khó”- ông Trương Thành Dãnh nói.

Sản xuất gắn với chế biến và bảo quản

Bà Võ Ngọc Thơ- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT Bình Tân đề xuất: Để liên kết tiêu thụ sản phẩm, vai trò của HTX rất quan trọng. Tôi kiến nghị tỉnh xem xét ban hành chính sách đặc thù để tạo điều kiện cho lực lượng trẻ, năng động về để xây dựng HTX, bởi vì hoạt động của HTX hiệu quả hay không còn do phương án sản xuất kinh doanh của HTX để có thể lên sàn giao dịch, từ đó kết nối, tiêu thụ sản phẩm. Hiện, người đứng đầu các HTX trình độ còn hạn chế. Vì vậy, tỉnh có thể xem xét hỗ trợ cho lực lượng sinh viên đã ra trường và có trình độ phù hợp sẽ phụ trách phó giám đốc điều hành HTX, để cùng làm việc với Hội đồng quản trị HTX. Qua đây, tạo điều kiện, cơ hội thúc đẩy HTX phát triển trong thời gian tới.

Ông Trương Thành Dãnh- Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết, để thuận lợi cho giao bán hàng hiện nay, nếu thành lập HTX thì cũng cần cả quá trình, nhưng mà dễ làm nhất là tổ hợp tác và làm rất thuận lợi. Bán hàng hiện nay không thể chỉ thông qua thương lái hay bạn hàng liên hệ qua từng hộ, mà thông qua tổ hợp tác. Thời gian qua, sở đã giới thiệu một số mối bán hàng với các tổ hợp tác và đã có sự kết nối, làm ăn được, thậm chí có tổ hợp tác ở huyện Bình Tân chỉ có 3 người, nhưng số lượng đáp ứng đủ theo nhu cầu là đã bán được. Vì vậy, các địa phương cần chỉ đạo, củng cố tổ hợp tác để có sự liên kết, tiêu thụ tốt, còn về HTX thì lâu dài có thể tính tiếp.

Bí thư Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm nhận định, hoạt động của HTX trên lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua gặp nhiều khó khăn do chưa củng cố chất lượng. Hiện, các địa phương chỉ thực hiện được vài khâu như vay vốn, làm đất... Còn lại các khâu khác ở đầu vào như giống, phân bón… và đầu ra thì rất lúng túng. Tôi đề nghị các địa phương tìm 1- 2 HTX hoặc là 5- 10 nông dân sản xuất giỏi, có tâm huyết để chuyển đổi, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp rồi từ đó nhân rộng ra. Bước đầu, có thể sản xuất ít nhưng sạch, an toàn thì sẽ đăng ký được nhãn hiệu, thương hiệu để bán cho các siêu thị, nhà hàng. Đồng thời, cần có mẫu mã để từng bước đáp ứng yêu cầu về kiểm tra nghiêm ngặt vấn đề an toàn thực phẩm. Bên cạnh, sản xuất cần gắn với chế biến và bảo quản lâu dài để khi thị trường có biến động thì sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Đầu năm đến nay, Liên minh HTX phối hợp với Sở Nông nghiệp- PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở ngành có liên quan và các huyện- thị tổ chức tuyên truyền, phát triển, củng cố các HTX, tổ hợp tác theo kế hoạch, góp phần thúc đẩy kinh tế tập thể địa phương phát triển sớm đạt tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM. Đồng thời, kiểm tra việc thực hiện các nguồn vốn vay ưu đãi cho các HTX và hỗ trợ hướng dẫn cho các HTX khác được vay từ nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh; đã thành lập mới 7 HTX, giải thể 3 HTX, hiện toàn tỉnh có 179 HTX và 1 liên hiệp HTX.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

Nguồn: http://baovinhlong.com.vn/kinh-te/202110/tung-buoc-go-kho-cho-to-chuc-san-xuat-3082486/