|
  • :
  • :

Tuần hoàn xanh, những mô hình giá trị

Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Những năm gần đây, tại Việt Nam, một số “ông lớn” của ngành nông nghiệp đã tiếp cận khái niệm nông nghiệp tuần hoàn và tiên phong vận dụng vào hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Quế Lâm và tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F

Ra mắt vào giữa năm 2020, Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F (Farm - Food - Feed - Ferlitizer: trồng trọt - thực phẩm - chăn nuôi - phân bón) của Tập đoàn Quế Lâm được xây dựng trên diện tích 15ha tại xã Phong Thu (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) với tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng. Hạng mục chính của dự án là trang trại chăn nuôi heo an toàn sinh học, hữu cơ có quy mô nuôi từ 8.000 - 10.000 con heo thương phẩm, từ 3.000 - 3.500 con lợn nái sinh sản nguồn giống.

Bên cạnh đó, tổ hợp còn có các hạng mục đầu tư chủ yếu, như nhà máy sản xuất các chế phẩm sinh học, sản xuất men vi sinh phục vụ chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ công suất 50.000 tấn/năm; nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi hữu cơ (không hóa chất), công suất 100.000 tấn/năm; nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh với công suất thiết kế đạt 100.000 tấn/năm. Nhà máy sản xuất phân bón này không chỉ thu gom, xử lý toàn bộ các phụ phẩm trong khu tổ hợp 15ha thuộc dự án mà còn thu gom các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp của các khu vực lân cận để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh.

Được xem như mô hình kinh tế tuần hoàn đúng nghĩa đầu tiên trong nông nghiệp tại Việt Nam, mô hình “4F” là chu trình sản xuất khép kín, gồm chăn nuôi hữu cơ, sản xuất các chế phẩm sinh học, sản xuất thức ăn chăn nuôi hữu cơ và sản xuất phân bón vi sinh. Trong mô hình này, tất cả phế phẩm, chất thải trong trang trại được thu gom và xử lý để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ trồng trọt, tạo thành một vòng tuần hoàn khép kín, vừa tăng hiệu quả kinh tế, phòng ngừa dịch bệnh, vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Tham quan mô hình nuôi heo của Tập đoàn Quế Lâm.
Tham quan mô hình nuôi heo của Tập đoàn Quế Lâm.

Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm, cho biết dự án “Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F” được phát triển dựa trên sự chắt lọc các thành quả có giá trị khoa học và thực tiễn qua các mô hình chăn nuôi, trồng trọt trong lĩnh vực vi sinh và nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị mà tập đoàn đã đầu tư, phát triển thời gian qua. Cũng theo ông Lam, chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học bằng chế phẩm vi sinh giúp doanh nghiệp chủ động được sản xuất, kiểm soát được chất lượng đầu vào đầu ra, từ đó, nâng cao chất lượng thịt mà vẫn giữ được giá thành phù hợp, an toàn cho môi trường và phù hợp với các điều kiện chăn nuôi khác nhau của nông dân Việt Nam.

Luật Chăn nuôi chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 quy định các tổ chức cá nhân chăn nuôi phải có trách nhiệm xử lý hiệu quả các chất thải chăn nuôi.

 

Vòng tuần hoàn xanh của Vinamilk

Theo đuổi định hướng phát triển bền vững, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk đã vận dụng mô hình “Vòng tuần hoàn xanh” để phát triển trang trại bò sữa với các chương trình cụ thể như: quản lý nguồn đất bền vững, canh tác nông nghiệp tiên tiến, năng lượng xanh và tái tạo, quản lý chất thải và biến chất thải thành tài nguyên… Mô hình này giúp các trang trại vừa tăng hiệu quả hoạt động vừa thân thiện với môi trường.

Thực hiện “Vòng tuần hoàn xanh”, Vinamilk xây dựng quy trình chăn nuôi, chiết xuất, chế biến các sản phẩm sữa theo tiêu chuẩn quốc tế (Global GAP) và tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu (EU Organic) tại các trang trại bò sữa; thực hiện quy trình khép kín từ làm đất, trồng cỏ, chăm sóc bò đến xử lý chất thải thông qua công nghệ biogas. Phân vi sinh hình thành từ việc xử lý chất thải dùng bón cho đồng cỏ và cải tạo đất, phần khí metan thu được từ các hầm biogas trở thành năng lượng phục vụ các hoạt động khác của trang trại. Nhà máy chế biến sữa lớn nhất Việt Nam - nhà máy Mega tại Khu công nghiệp Mỹ Phước (Bình Dương) - sử dụng dây chuyền tự động hóa trong công nghệ xử lý và sản xuất các sản phẩm từ sữa thu về từ các trang trại với tổng mức đầu tư lên đến 3.600 tỷ đồng - cũng đã được Vinamilk đầu tư xây dựng.

Quy trình xử lý chất thải chăn nuôi trong các trang trại của Vinamilk.
Quy trình xử lý chất thải chăn nuôi trong các trang trại của Vinamilk.

Giữa tháng 6 vừa qua, khi trực tiếp thị sát Nhà máy Mega, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao hiệu quả mô hình kinh tế tuần hoàn của Vinamilk. Thủ tướng nhận định, đây là mô hình điển hình về kinh tế tuần hoàn với nhiều đóng góp hữu ích, thiết thực cho người lao động, địa phương và đất nước.

Minh Phú và khu phức hợp cho nuôi trồng thủy sản

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, “vua tôm” Minh Phú cũng có kế hoạch xây dựng Khu phức hợp công nghiệp công nghệ cao để phát triển chuỗi giá trị nuôi tôm tại tỉnh Kiên Giang.

Theo đó, Minh Phú sẽ là trung tâm hạt nhân để kết nối các doanh nghiệp, người nuôi tôm nhỏ lẻ thành khu phức hợp với tổng diện tích lên đến 10.000ha, công suất đạt 250.000 tấn tôm thương phẩm mỗi năm. Mô hình bao gồm tất cả các thành phần của chuỗi như nghiên cứu phát triển và đào tạo, con giống, nuôi trồng, chế biến, xử lý phụ phẩm và thương mại. Công ty Việt Nam Food (VNF) sẽ là đơn vị đảm nhiệm việc xử lý toàn bộ phụ phẩm tôm trong khu phức hợp, sử dụng công nghệ enzyme sinh học và sản xuất theo định hướng không chất thải, tạo ra 4 dòng sản phẩm gồm chitin (dược chất sinh học), dịch đạm (dùng trong thực phẩm), dịch tôm thủy phân (SSE - dùng làm chất dẫn dụ trong thức ăn chăn nuôi) và phân bón hữu cơ.

Ngoài ra, phần bùn đáy ao nuôi và bùn thải từ các nhà máy thủy sản sẽ được thu hồi và xử lý bằng công nghệ sinh học thông qua ruồi lính đen để sản sinh ra kén, ấu trùng. Chất thải ấu trùng được dùng để tạo ra bột đạm và dầu dùng trong chế biến thức ăn chăn nuôi, chitin và phân bón hữu cơ. Khi hoàn thành, mô hình này hứa hẹn mang lại hiệu quả về kinh tế và môi trường thông qua việc tái sử dụng, tuần hoàn các dòng chất thải.

Ở quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình, nhiều mô hình tận dụng chất thải chăn nuôi cũng đã được hình thành. Phổ biến nhất là việc sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi trùn quế; ủ phân hữu cơ bằng men vi sinh… Đây là những cách làm góp phần xử lý chất thải chăn nuôi hiệu quả và triệt để hơn.

Ngày 8/6/2021, Bộ Nội vụ đã có Quyết định số 713/QĐ-BNV về việc cho phép thành lập Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam. Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Quế Lâm, Trưởng ban vận động thành lập Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam, cho biết: “Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam sẽ tập hợp người nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp, người tiêu dùng, các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan truyền thông… trong một hệ sinh thái có chung mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong nông nghiệp và đảm bảo sự phát triển bền vững”.

Nguồn: http://nongthonviet.com.vn/nong-nghiep/cau-chuyen-nong-nghiep/202109/tuan-hoan-xanh-nhung-mo-hinh-gia-tri-781880/
Tin liên quan
Chưa có thông tin