|
  • :
  • :

Trung tâm GDNN – GDTX Quảng Yên: Đổi mới phương pháp giáo dục hướng nghiệp

KTNT Những năm qua, với sự nỗ lực và đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, thầy và trò Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) đã đạt được những thành tích khích lệ.

Góp phần vào phát triển nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chú trọng phân luồng học sinh

Xác định được tầm quan trọng của công tác phân luồng, hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh sau tốt nghiệp THCS, thời gian qua, Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Quảng Yên đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh THCS, đổi mới nội dung và phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp. Đồng thời tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp.

không-khí-hào-hứng-của-lớp-học-văn-hóa.jpg

Không khí hào hứng của lớp học văn hóa.

 

Trước đây, nhiều phụ huynh lo lắng sau khi tốt nghiệp THCS, con em mình mà học ở các trường nghề hay học chương trình GDTX cấp THPT, sẽ khó có thể  vững tin bước vào cuộc sống khi tuổi còn nhỏ để theo hướng học nghề và làm việc. Do vậy, tâm lý hầu hết phụ huynh đều muốn con em mình học THPT rồi Cao đẳng, Đại học… Tuy nhiên, sau thời gian đẩy mạnh tuyên truyền công tác phân luồng học sinh với nhiều giải pháp được triển khai, đến nay, phụ huynh và học sinh trên địa bàn thị xã đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc lựa chọn hướng đi cho con em mình sau khi tốt nghiệp THCS.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thị xã Quảng Yên thực hiện chỉ tiêu 25% học sinh học nghề sau tốt nghiệp THCS, nâng tỷ lệ lao động được đào tạo đạt từ 90% trở lên, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp đạt trên 55%.

Việc dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề nhằm đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau THCS. Chỉ tính trong năm học 2020 – 2021, số học sinh được bố trí 7 ngành khác nhau đạt trên 21% tỷ lệ phân luồng, trong đó 17,8% tại trung tâm và 3,5% số học sinh tại Cao đẳng nông - lâm Đông Bắc. Có thể thấy, mô hình dạy văn hóa kết hợp dạy nghề là một trong những giải pháp quan trọng nhằm phân luồng học sinh sau khi hoàn thành chương trình THCS.

Đẩy mạnh liên kết dạy nghề

Việc khảo sát nhu cầu, năng lực của người lao động và công tác đánh giá thị trường được Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Quảng Yên nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo người lao động sau khi được đào tạo có việc làm hoặc tự tạo việc làm cho mình với năng suất, hiệu quả cao. Đặc biệt quan tâm đào tạo nghề theo đơn đặt hàng cho các doanh nghiệp, các khu công nghiệp và các nhà máy, xí nghiệp. Tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp, khu công nghiệp tư vấn, tuyển dụng lao động trên địa bàn thị xã.

Ngoài ra, việc kết hợp học văn hóa gắn với học nghề rất phù hợp với nhiều gia đình, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi nhiều phụ huynh lo lắng vấn đề xin việc sau khi con em tốt nghiệp Cao đẳng, Đại học. Phát huy ưu điểm của mô hình này, Trung tâm đang nỗ lực huy động mọi nguồn lực vào đầu tư trang thiết bị dạy học, các xưởng học nghề, tích cực định hướng và khuyến khích học sinh học nghề.

giờ-thực-hành-của-lớp-điện-dân-dụng.jpg

Giờ thực hành của lớp điện dân dụng.

 

Bên cạnh đó, triển khai chương trình GDTX cấp THPT kết hợp với dạy nghề trong năm học 2020 – 2021, Trung tâm liên kết dạy nghề trung cấp cho 5 trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh như: Cao đẳng Công nghiệp và xây dựng 177 học viên; Cao đẳng Nghề xây dựng 435 học viên; Cao đẳng Nông - Lâm Đông Bắc 127 học viên; Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam 129 học viên; Cao đẳng Giao thông 89 học viên, gồm 9 ngành nghề: hàn điện, cấp thoát nước, điện dân dụng, chế biến món ăn, trồng trọt và bảo vệ thực vật, công nghệ thông tin…

Giám đốc Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm: Với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của tập thể lãnh đạo, cán bộ, giáo viên, Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Quảng Yên tin tưởng rằng, trong thời gian tới, chất lượng đào tạo của trung tâm sẽ ngày càng được nâng lên thông qua các lớp sơ cấp nghề, trung cấp nghề…, từng bước đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, góp phần vào sự phát triển chung của thị xã. Đồng thời, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thị xã để đào tạo nghề và hướng tới mục tiêu mọi người dân đều có việc làm, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển bền vững.

Tác giả: Đức Sơn
Nguồn: https://kinhtenongthon.vn/trung-tam-gdnn-gdtx-quang-yen-doi-moi-phuong-phap-giao-duc-huong-nghiep-post47166.html