Bố trí góc làm việc riêng trong nhà vừa giúp duy trì hiệu quả làm việc vừa giảm phân tán tư tưởng vì việc gia đình. |
1. Phân rõ ranh giới giữa “việc nhà” và “việc công sở”
Tuy làm việc tại nhà cho phép mọi người linh hoạt hơn trong việc vừa hoàn thành công việc vừa thực hiện trách nhiệm chăm sóc gia đình, nhưng nó cũng dễ gây lẫn lộn giờ làm việc công ty/cơ quan và việc nhà. Ðiều này khiến chúng ta dễ bị kiệt sức, căng thẳng tinh thần (stress) và mệt mỏi mãn tính, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và năng suất làm việc. Không chỉ vậy, nó có thể dẫn đến tình trạng thức khuya thường xuyên do cố trì hoãn giờ đi ngủ để tận hưởng thời gian giải trí riêng tư.
Nếu có thể, bạn nên dành riêng một phòng hoặc một góc nào đó để đặt bàn làm việc. Cách này giúp tách biệt khu vực “văn phòng” khỏi không gian còn lại trong nhà. Và vào cuối giờ làm, bạn chỉ cần bước ra khỏi góc đặc biệt này là có thể “tắt” chế độ làm việc. Việc lên thời gian dùng bữa cũng giúp giải tỏa stress và duy trì cảm giác khỏe mạnh. Ngoài ra, dành ra ít phút trước khi bắt đầu và kết thúc một ngày làm việc để vận động, như chạy hoặc đi dạo trong sân nhà, cũng giúp mô phỏng lộ trình đi làm - về nhà, qua đó phân rõ thời gian “làm việc” và “ở nhà”.
2. Tiếp cận thông tin có chọn lọc
Khi số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng trên khắp thế giới, ai cũng muốn cập nhật nhanh tình hình trong và ngoài nước, những biện pháp phòng, chống dịch nào đang được thực hiện và những việc cần làm để duy trì sức khỏe tốt. Tuy nhiên, việc liên tục “dán mắt” vào màn hình và bị choáng ngợp trước khối thông tin to lớn - đặc biệt là tin tức xấu hoặc thậm chí tin giả - có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần, các mối quan hệ và các khía cạnh thể chất khác. Việc bị “quá tải” thông tin còn khiến chúng ta thấy lo lắng thêm.
Một số cách để tránh những nguy cơ nói trên bao gồm chủ động phân chia khối lượng tin tức mà bạn đọc trong ngày, tạm dừng truy cập mạng xã hội một thời gian. Thay vào đó, dành thời gian cho các hoạt động giúp giảm stress và lo âu như đọc sách, tập thể dục hoặc thiền. Tìm đọc những câu chuyện/tin tức tích cực cũng là một cách hữu ích giúp cải thiện tâm trạng trong giai đoạn khó khăn này.
3. Đảm bảo chất lượng giấc ngủ
Nhiều nghiên cứu chứng minh ngủ ngon và nghỉ ngơi tốt rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần. Người trưởng thành cần ngủ ít nhất 7 tiếng/đêm, nếu không thì dễ bị mệt mỏi, thay đổi tâm trạng và giảm khả năng tập trung. Chuyên gia tư vấn sức khỏe Lee Chambers cho biết giấc ngủ là chìa khóa để cân bằng cảm xúc, nên cần thực hiện mọi biện pháp nhằm đảm bảo bạn có thể ngủ nghỉ đầy đủ. Một cách để có thể ngủ ngon giấc hơn đó là thiết lập thói quen ngủ nhất quán (như đi ngủ và thức dậy cùng một thời điểm mỗi ngày), tránh dùng điện thoại trước khi ngủ, dành ít phút thiền trước khi chợp mắt và giữ nhiệt độ phòng ở mức thích hợp.
4. Tham gia các hoạt động yêu thích và biết giới hạn của bản thân
Chambers cho biết các thói quen như hòa mình vào thiên nhiên và viết nhật ký có thể giúp cải thiện tâm trạng và cảm xúc rất hiệu quả. Theo ông, viết nhật ký là một cách thực sự mạnh mẽ để phản ánh và lập kế hoạch, đồng thời giúp ích trong việc xử lý suy nghĩ và nội tâm của chúng ta. Thực tế, nghiên cứu cho thấy rằng văn biểu cảm - trong đó chúng ta tường thuật và mô tả các sự kiện đã ảnh hưởng đến bản thân ra sao - có thể giúp kiểm soát và xử lý cảm xúc tiêu cực. Trong khi đó, hòa mình vào thiên nhiên (gồm trồng hoặc chăm sóc hoa kiểng tại nhà) là cách hoàn hảo để tâm trạng thư giãn và suy nghĩ tích cực hơn, đồng thời giúp cơ thể vận động và khỏe mạnh về tinh thần.
Ngoài ra, Chambers nhấn mạnh chúng ta cũng cần duy trì các hoạt động yêu thích và nuôi dưỡng các kết nối xã hội càng nhiều càng tốt, qua các cuộc trò chuyện trực tuyến chẳng hạn.