|
  • :
  • :

Tiếp tục khảo nghiệm, đánh giá giống cây trồng mới để đưa vào sản xuất

Ngày 25/11, Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang tổ chức hội thảo quốc tế “Hợp tác Việt Trung về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp” bằng hình thức trực tuyến với 4 điểm cầu tại: Đại sứ quán Trung Quốc (Hà Nội); Học viện Khoa học Nông nghiệp (KHNN) Quảng Tây (Trung Quốc); Học viện Sinh thái tài nguyên và Sinh học Hồ Nam (Trung Quốc); Viện Khoa học Công nghệ hiện đại (Trung Quốc).

Đồng chí Nguyễn Tuấn Điệp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang chủ trì. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ; các nhà khoa học T.Ư, địa phương; doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

Đại học Nông- Lâm; hội thảo quốc tế; nho Hạ Đen, dứa lưới, hợp tác Việt Trung, Bắc Giang, chuyển giao kỹ thuật

Quang cảnh buổi hội thảo tại điểm cầu Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang.

Theo báo cáo kết quả hợp tác nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao nông nghiệp công nghệ cao giữa Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang với Viện KHNN Quảng Tây (Trung Quốc), từ năm 2016 đến nay, Trường Đại học nông - Nông Lâm Bắc Giang hợp tác với Viện KHNN Quảng Tây (Trung Quốc) xây dựng một số mô hình trình diễn nông nghiệp công nghệ cao trong khuôn viên nhà trường gồm: 1,5 nghìn m2 dưa lưới, 5 nghìn m2 ngô và 2 nghìn m2 nho Hạ Đen. Các giống cây trồng này đều cho kết quả tốt sau khi trình diễn. 

Đặc biệt, đến thời điểm này, giống nho Hạ Đen được nhân rộng lên 33 ha ở 20 tỉnh trên cả nước. Qua đây khẳng định nho Hạ Đen rất phù hợp với điều kiện tại các tỉnh khu vực miền Bắc. Nho cho thu hoạch 2 vụ/năm, năng suất đạt 10 tấn/ha/vụ; chất lượng quả tốt, ăn giòn, ngọt. Năm 2020, nho Hạ Đen được Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp bằng bảo hộ giống cây trồng và cho phép lưu hành.

Đại học Nông- Lâm; hội thảo quốc tế; nho Hạ Đen, dứa lưới, hợp tác Việt Trung, Bắc Giang, chuyển giao kỹ thuật

Đồng chí Nguyễn Tuấn Điệp phát biểu tại hội thảo.

Thảo luận tại đây, các nhà khoa học nêu những lợi thế của việc phát triển nông nghiệp hữu cơ ở tỉnh Bắc Giang nói riêng và Việt Nam nói chung. 

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 khiến hoạt động chuyển giao, trao đổi, hợp tác giữa các bên bị gián đoạn; việc chuyển giao nguyên vật liệu để thực hiện liên kết qua cửa khẩu cần nhiều thủ tục phức tạp, mất thời gian; việc liên kết hợp tác chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật có mô hình và số lượng còn nhỏ lẻ chưa đánh giá đúng được hiệu quả của quá trình hợp tác.  

Nhân dịp này, phía nhà trường kiến nghị Viện KHNN tỉnh Quảng Tây tiếp tục lựa chọn, chuyển giao một số giống cây trồng mới (nho, ngô…) để trình diễn trong thời gian tới. Tăng cường tổ chức hội thảo, tập huấn giữa hai bên để nhà trường chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp tốt hơn; tiếp tục phát triển, khảo nghiệm, đánh giá các giống dưa lưới, ngô tẻ, ngô nếp để đưa vào sản xuất diện rộng.

 
Nguồn: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/372256/tiep-tuc-khao-nghiem-danh-gia-giong-cay-trong-moi-de-dua-vao-san-xuat.html